Ngày làm việc thứ 19, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII Chất vấn hai Bộ trưởng: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Ðầu tư
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết, trong kỳ họp này các đại biểu QH đã gửi 149 câu hỏi đến các thành viên Chính phủ, trong đó có một câu hỏi gửi Chủ tịch QH liên quan chính sách người cao tuổi. Các câu hỏi của đại biểu QH tập trung vào các giải pháp giải quyết tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, có dấu hiệu suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng theo Nghị quyết của QH. Cùng với đó là các giải pháp giải quyết các vấn đề xã hội như: chính sách về đất đai, môi trường, an toàn thực phẩm, trật tự an toàn xã hội. Theo Chủ tịch QH, tại phiên chất vấn của kỳ họp này, QH sẽ chất vấn năm thành viên Chính phủ gồm: Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ trưởng Công thương, Bộ trưởng Công an và Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Cùng với năm thành viên Chính phủ trực tiếp trả lời chất vấn, các thành viên Chính phủ khác sẽ trả lời, giải trình đối với những vấn đề liên quan.
Nhiều kiến nghị của cử tri liên quan đến đất đai
Trước khi tiến hành chất vấn, các đại biểu QH nghe Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH Nguyễn Ðức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII. Theo báo cáo, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận 1.678 kiến nghị của cử tri cả nước tập trung vào các vấn đề nổi lên như tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, các vấn đề bức xúc của xã hội. Các cơ quan chức năng đã tiếp thu, giải quyết 1.672 kiến nghị. Báo cáo cho biết, vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều lần là việc giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của người dân tại các khu tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Tình trạng thất nghiệp, đang là vấn đề bức xúc ở nhiều vùng thu hồi đất, tái định cư.
Ủy ban Thường vụ QH đề nghị, Chính phủ tiến hành tổng kết, đánh giá toàn diện công tác tái định cư và các văn bản pháp luật có liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện khung giá đất và chính sách bồi thường hợp lý cho người dân, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân bị thu hồi đất. Ðồng thời, có quy định chặt chẽ gắn kết trách nhiệm xã hội của các chủ đầu tư với người dân bị thu hồi đất và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.
Còn nhiều bất cập trong quản lý đất đai
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) Nguyễn Minh Quang là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường. Các đại biểu tập trung chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang về công tác quản lý đất đai, các giải pháp bảo đảm đời sống người dân có đất bị thu hồi, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giải pháp bảo vệ môi trường.
Các đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Ðịnh), Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), Lê Thị Công (Bà Rịa- Vũng Tàu) và một số đại biểu khác nêu vấn đề, hiện nay những bất cập trong công tác giải phóng mặt bằng đang gây bức xúc và bất ổn trong xã hội. Bộ TN và MT sẽ kiến nghị gì với Chính phủ trong Luật Ðất đai (sửa đổi) sắp tới để giải quyết dứt điểm những tồn tại liên quan đến đất đai, cũng như quy định mới về mức hạn điền và thời hạn sử dụng đất nông nghiệp.
Trả lời các câu hỏi nêu trên, Bộ trưởng TN và MT thừa nhận, công tác quản lý đất đai đang đặt ra những vấn đề rất bức bách. Trong những năm qua, tình hình đất đai diễn biến phức tạp ở tất cả các địa phương. Nguyên nhân chủ yếu do công tác thu hồi đất tại một số nơi chưa bảo đảm dân chủ, công khai, bình đẳng và thiếu kiên quyết, giá bồi thường đất bị thu hồi thấp. Bên cạnh đó, các giải pháp bảo đảm đời sống người dân có đất bị thu hồi như tạo việc làm mới, ổn định sản xuất, kinh doanh chưa được chú trọng. Trong thời gian tới, Bộ TN và MT sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng nêu trên. Về quy định mức hạn điền và thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, Bộ TN và MT đang tham mưu QH và Chính phủ ban hành và thực hiện chính sách về đất đai theo hướng mở rộng hạn mức sử dụng đất nông nghiệp và thời gian sử dụng đất nông nghiệp thực hiện theo hướng kéo dài từ 30 đến 50 năm.
Về biện pháp quản lý đối với đất sử dụng không hiệu quả, Bộ trưởng TN và MT cho biết, Bộ đang tổng hợp và có biện pháp xử lý theo hướng đất đã được giao cho doanh nghiệp nhưng không sử dụng, Nhà nước sẽ thu hồi và không bồi thường.
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) về tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDÐ) không hoàn thành theo Nghị quyết của QH và các giải pháp khắc phục, Bộ trưởng TN và MT cho biết, hiện nay việc cấp GCNQSDÐ đối với đất nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 80%, tỷ lệ cấp GCNQSDÐ ở đô thị, đất chuyên dùng đạt khoảng 63% và phấn đấu đến năm 2015, cơ bản hoàn thành cấp GCNQSDÐ. Tuy nhiên, về vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến yêu cầu, đến năm 2013 phải cấp xong GCNQSDÐ, vì đây là quyền lợi của người dân.
Ðại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nêu vấn đề, trong quá trình xây dựng các dự án thủy điện, người dân bị thu hồi đất không có đất canh tác, đời sống gặp khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo tăng và đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục. Bộ trưởng TN và MT trả lời, chính sách đền bù đối với các hộ dân có đất bị thu hồi phục vụ công trình thủy lợi về cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tuy nhiên, thực tế đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn. Sắp tới, Chính phủ sẽ tiếp tục có giải pháp bảo đảm đời sống người dân tái định cư phục vụ thủy điện có đời sống tốt hơn nơi ở cũ.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), Bùi Thị An (Hà Nội) về vụ việc của ông Ðoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng; Dự án Khu đô thị Văn Giang, Hưng Yên và một số vụ việc khác, Bộ trưởng TN và MT cho biết, đây là những sự việc đáng tiếc và vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng, Hải Phòng là bài học sâu sắc về công tác quản lý đất đai đối với các bộ, ngành chức năng và chính quyền các địa phương.
Cần tăng cường bảo vệ nguồn nước
Ðề cập công tác quản lý Nhà nước về môi trường, các đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An), Bùi Thị An (Hà Nội), Lê Nam (Thanh Hóa) đề nghị cho biết giải pháp khắc phục tình trạng cạn kiệt nguồn nước, nhất là miền trung, Tây Nguyên. Bộ trưởng TN và MT trả lời, nước ngầm nói chung và ở miền trung, Tây Nguyên nói riêng có nguy cơ suy giảm do nguyên nhân diện tích rừng bị thu hẹp, trong khi nhu cầu sử dụng nước tăng cao. Về giải pháp khắc phục, sắp tới, cần có quy hoạch đất rừng, quy hoạch đất trồng cây công nghiệp, cũng như các biện pháp bảo vệ và sử dụng nguồn nước hiệu quả. Về quản lý các lưu vực sông, Bộ trưởng TN và MT cho biết, vừa qua Chính phủ đã thành lập Ủy ban Bảo vệ lưu vực sông Nhuệ- Ðáy và sông Ðồng Nai, Bộ TN và MT đã đặt hệ thống quan trắc tại đầu nguồn sông Hồng, nhằm giảm ô nhiễm, sử dụng hiệu quả nguồn nước các con sông này. Sắp tới, Nhà nước sẽ tiếp tục có chính sách quản lý chặt chẽ hơn nguồn xả thải ra các lưu vực sông.
Các đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), Lê Ðình Khanh (Hải Dương) đề cập vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, các khu công nghiệp và đề nghị Bộ trưởng có giải pháp căn bản giải quyết tình trạng này. Bộ trưởng TN và MT cho rằng, Nhà nước đã có một số chính sách bảo đảm vệ sinh môi trường làng nghề, nhưng việc tự giác thực hiện còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp cố tình vi phạm. Thời gian tới, Bộ TN và MT sẽ có biện pháp hiệu quả hơn trong việc bảo đảm môi trường ở các làng nghề. Ðối với các khu công nghiệp, theo Bộ trưởng TN và MT, từ khi có Luật Bảo vệ môi trường đến nay, nhiều vụ vi phạm đã được xử lý triệt để. Quan điểm của Chính phủ là không hy sinh môi trường bằng mọi giá để phát triển kinh tế. Theo quy định, các khu công nghiệp phải được thẩm định đánh giá về tác động môi trường, nếu đạt mới được triển khai.
Liên quan công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã tham gia trả lời làm rõ thêm một số vấn đề. Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, hiện nay, tình hình khiếu nại tố cáo về đất đai tăng cao qua các năm (chiếm 79% các vụ khiếu nại, tố cáo), tập trung chủ yếu ở lĩnh vực đất bị thu hồi, đòi lại đất cũ, đòi lại đất cho thuê... Ðầu năm 2012, Thanh tra Chính phủ đã khảo sát đánh giá tình hình chung và thống kê còn 528 vụ tồn đọng về đất đai kéo dài thuộc thẩm quyền T.Ư giải quyết. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã giải quyết 148 vụ, số còn lại đang tiếp tục tập trung xem xét, giải quyết. Trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp các bộ, ngành, địa phương giải quyết dứt điểm những tồn đọng kéo dài cũng như các vụ phát sinh mới.
Tại phiên chất vấn, các Bộ trưởng: Tài chính, Kế hoạch và Ðầu tư, Xây dựng và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao đã tham gia trả lời làm rõ thêm một số vấn đề về chính sách tài chính liên quan đến đất đai, việc cho người nước ngoài thuê đất rừng, công tác quản lý đất khu đô thị và cơ chế giải quyết khiếu kiện về đất đai.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên chất vấn, Bộ trưởng TN và MT, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, phiên chất vấn diễn ra với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm cao. Các câu hỏi và trả lời rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề. Chủ tịch QH đề nghị Bộ trưởng TN và MT nghiêm túc tiếp thu ý kiến đại biểu QH và thực hiện tốt hơn các biện pháp quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường.
Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư
Buổi chiều, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Bùi Quang Vinh là thành viên Chính phủ thứ hai trả lời chất vấn của các đại biểu QH.
Ðại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) đặt câu hỏi và đề nghị Bộ trưởng cho biết cụ thể về nguồn tài chính phục vụ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đất nước; hiện nay, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tỷ lệ nợ xấu rất cao và vừa qua, có thông tin về việc thành lập Công ty mua bán nợ quốc gia, công ty này sẽ hoạt động như thế nào và nguồn vốn lấy từ đâu? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chắc chắn rất cần các nguồn lực. Trước hết, bản thân các doanh nghiệp muốn đổi mới, muốn nâng cao hiệu quả hoạt động thì cần phải tự chi phí để tái cơ cấu. Nhà nước không thể chi ngân sách cho các doanh nghiệp mà sẽ có những chính sách cụ thể, phù hợp để hỗ trợ, định hướng doanh nghiệp chuyển đổi theo yêu cầu của đề án. Các chính sách hỗ trợ có thể thông qua việc miễn giảm thuế, ưu đãi... Bên cạnh đó, đây là đề án tổng thể cho nên sau khi được thông qua, Chính phủ sẽ giao các bộ, ngành xây dựng các đề án thành phần và hiện nay đã triển khai xây dựng bốn đề án như vậy. Vì thế, chưa thể nêu ra số lượng chi phí cụ thể cho việc tái cơ cấu nền kinh tế.
Tham gia trả lời câu hỏi của đại biểu Chu Sơn Hà về việc thành lập Công ty mua bán nợ quốc gia, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: Mô hình Công ty mua bán nợ quốc gia đã được các tổ chức tín dụng trong nước đưa vào hoạt động và đã có những kết quả nhất định. Ðây là hoạt động bình thường trong hoạt động tín dụng quốc tế và trong nước. Tuy nhiên, việc thành lập Công ty mua bán nợ quốc gia tại Việt Nam đang được xây dựng bởi các cơ quan chức năng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cần có quá trình thẩm định, xin ý kiến các cơ quan chức năng. Khi nào có những thông tin cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ báo cáo với QH.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) về trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư và các bộ, ngành liên quan trong việc để một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước có nhiều sai phạm nghiêm trọng, gây thất thoát, lãng phí mà không được phát hiện và xử lý kịp thời, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thẳng thắn thừa nhận là có trách nhiệm của Bộ, nhưng trong thực tế, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư không nắm được quá trình đầu tư của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước do không được các đơn vị này báo cáo.
Chưa thống nhất với phần trả lời này, đại biểu Lê Thị Nga đề nghị Bộ trưởng nêu rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không báo cáo với Bộ Kế hoạch và Ðầu tư. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trả lời, một trong những nguyên nhân chính là do chưa có chế tài cụ thể quy định việc này. Bộ đã có báo cáo với Chính phủ và cùng các cơ quan chức năng tiến hành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các điều luật liên quan, trong đó đặc biệt là Luật Doanh nghiệp và Luật Ðầu tư, qua đó, sẽ góp phần quan trọng đổi mới quản lý nhà nước đối với các hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Quan tâm đến hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị Bộ trưởng cho biết về việc một số dự án sử dụng nguồn vốn ODA do Chính phủ Ðan Mạch tài trợ đang bị tạm dừng do có nghi vấn tiêu cực. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, ngay sau khi có thông tin về việc Ðan Mạch dừng một số dự án vốn ODA, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã làm việc với Ðại sứ quán Ðan Mạch cùng các cơ quan liên quan và xác định như sau: Hiện nay, phía Ðan Mạch chưa khẳng định là có tiêu cực trong việc triển khai thực hiện các dự án nói trên mà cần tập trung xác minh một số vấn đề chưa rõ ràng. Các cơ quan chức năng đang triển khai rà soát, kiểm tra từng dự án và nếu phát hiện có sai phạm sẽ xử lý nghiêm minh.
Bộ trưởng Tài chính Vương Ðình Huệ đã tham gia trả lời về trách nhiệm của Bộ trong việc quản lý, giám sát hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nói chung và đối với những sai phạm của Vinalines nói riêng. Theo đó, các cơ quan chức năng đã kết luận, những sai phạm của Vinalines, trách nhiệm trước hết thuộc về Chủ tịch Hội đồng quản trị và giám đốc các đơn vị thành viên của tổng công ty này. Bộ Tài chính đã nhiều lần có văn bản khuyến cáo về thực trạng tài chính của Vinalines. Hiện nay, để tăng cường hiệu quả giám sát hoạt động của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, Bộ Tài chính đã và đang triển khai, xây dựng một số cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực.
Công khai, minh bạch đầu tư công
Ðại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Ðồng) và một số đại biểu đề cập đến tình hình cắt giảm đầu tư công thời gian qua gây nhiều hệ lụy, nền kinh tế suy giảm nghiêm trọng. Thực tế cho thấy, tại nhiều nơi nhiều dự án bị đình trệ thi công, gây lãng phí trước cảnh nhiều dự án quy hoạch "treo", đời sống, sản xuất và kinh doanh của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Ðại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), Ðỗ Văn Ðương (TP Hồ Chí Minh)... đặt vấn đề, trước thực trạng đầu tư công dàn trải, không hiệu quả, gây thiệt hại lớn, trách nhiệm của bộ chủ quản như thế nào, các giải pháp trong việc phân bổ đầu tư, giải quyết triệt để, rốt ráo cơ chế xin- cho đã và đang diễn ra ở nhiều nơi như hiện nay. Các đại biểu bày tỏ quan tâm, sắp tới vốn giải ngân đầu tư công, thời gian đến cuối năm không còn nhiều. Do đó áp lực trong việc giải ngân và việc triển khai các dự án rất lớn, có thể dẫn đến nguy cơ việc quản lý, giám sát đầu tư, giám sát thi công không chặt chẽ. Hơn nữa, áp lực tăng giải ngân cuối năm dễ gây ra lạm phát. Bộ Kế hoạch và Ðầu tư và các bộ, ngành liên quan sẽ tham mưu cho Chính phủ điều hành như thế nào để tránh các nguy cơ đó xảy ra.
Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư trả lời rằng, với vai trò cơ quan tham mưu giúp Chính phủ trong quản lý, phân bổ đầu tư, Bộ đã đề ra những giải pháp quyết liệt hơn trong việc xác định các tiêu chí theo hướng công khai, minh bạch, từ đó xác định các công trình, dự án ưu tiên được triển khai trong cả nước. Vấn đề quan trọng là làm thế nào làm tốt công tác phân bổ hợp lý, sử dụng đúng chỗ nguồn vốn, phát huy hiệu quả tối ưu.
Các đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), Châu Thị Thu Nga, Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội)... quan tâm về môi trường đầu tư, kinh doanh tại các KCN, KKT cũng như các cơ chế, chính sách, cơ chế quản lý, thời gian qua đang có nhiều vấn đề, gây nhiều băn khoăn trong giới đầu tư. Trả lời chất vấn của các đại biểu này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07 ngày 2-3-2012 về việc chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động tại các KCN, KKT toàn quốc, qua đó rà soát lại những đơn vị hoạt động yếu kém, gây lãng phí đất đai, gây ô nhiễm môi trường. Chính phủ đã phân công nhiệm vụ cho các bộ: Kế hoạch và Ðầu tư, Công thương, Xây dựng, Tài chính... thực hiện nhiều biện pháp kiên quyết, tạo nhiều chuyển biến trong hoạt động quản lý. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách tháo gỡ cho doanh nghiệp tại các khu vực này.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Ðinh La Thăng đã tham gia trả lời một số chất vấn của các đại biểu liên quan một số nội dung về các công trình, dự án giao thông được cử tri quan tâm.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên chất vấn buổi chiều tại hội trường, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, nhấn mạnh: Ðồng chí Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư đã trả lời một cách nghiêm túc, nhận thấy trách nhiệm của mình liên quan lĩnh vực quản lý nhà nước về đầu tư. Bộ trưởng đã trả lời các câu hỏi của đại biểu và đã cam kết thực hiện một số trọng tâm trong thời gian tới. Ðó là, tập trung thực hiện mọi giải pháp mà Chính phủ đã đưa ra trình QH, thực hiện tốt nhất kế hoạch KT-XH năm 2012. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Về lĩnh vực đầu tư công, chúng ta cần xây dựng luật, và đi theo đó là các nghị định, thông tư để giải quyết các vấn đề về cơ chế, việc phân cấp, việc huy động nguồn lực. Về môi trường kinh doanh, thể hiện ở chính sách, pháp luật, lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, làm thế nào để bảo đảm tính công bằng hợp lý, đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Năm nay, là năm chúng ta tiết giảm đầu tư công, do đó cần cắt giảm danh mục đầu tư, rút ngắn hoặc kéo dài tiến độ một số công trình, dự án. Việc sắp xếp rất hệ trọng, cần rà soát để làm một cách thận trọng, đạt hiệu quả. Ðồng thời, cần nhìn thấy tình hình kinh tế - xã hội đòi hỏi nguồn lực cao hơn từ đầu tư xã hội, đầu tư lĩnh vực doanh nghiệp, đầu tư công, hệ thống cơ chế, các giải pháp triển khai cần phải đồng bộ trong thời gian tới.
Theo nhandan
Tin cùng chuyên mục
- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8: Quốc hội thảo luận về các dự án luật 23.10.2024 | 16:17 PM
- Khẩn trương đưa các nghị quyết của HĐND tỉnh vào cuộc sống 29.08.2024 | 20:06 PM
- Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 26.07.2024 | 18:24 PM
- Kỳ họp thứ 7: Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật, nghị quyết 28.06.2024 | 16:09 PM
- Đồng chí Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội 20.05.2024 | 16:33 PM
- Ngày làm việc thứ nhất Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII 16.05.2024 | 19:58 PM
- Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra vào chiều 2/5 01.05.2024 | 13:48 PM
- Xã luậnViết tiếp trang sử vàng của Đảng 03.02.2024 | 07:38 AM
- Triển khai quyết định bổ nhiệm Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh 22.01.2024 | 12:00 PM
- Đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và viếng các anh hùng liệt sĩ 01.12.2023 | 18:32 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh