Thứ 7, 23/11/2024, 07:42[GMT+7]

Ngày làm việc thứ 22, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII Thảo luận dự án Luật Xuất bản (sửa đổi) và thông qua năm dự thảo luật

Thứ 3, 19/06/2012 | 14:22:30
1,298 lượt xem
Buổi sáng, các đại biểu QH làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi). Hầu hết các đại biểu phát biểu ý kiến khẳng định: Sau sáu năm thi hành, Luật Xuất bản và các văn bản quy định chi tiết đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển một bước, góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân ngày càng đa dạng.

Linh mục Lê Ngọc Hoàn, đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu ý kiến tại hội trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt ưu điểm, tích cực, nhiều quy định trong Luật Xuất bản đã bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa theo kịp thực tiễn. Ðáng chú ý là, quy định trong Luật Xuất bản chưa được thể chế hóa đầy đủ một số chủ trương, đường lối mới của Ðảng về hoạt động xuất bản; một số quy định còn thiếu đồng bộ với một số luật có liên quan và bất cập so với thực tiễn... Vì vậy, việc sửa đổi Luật Xuất bản hiện hành nhằm hoàn thiện pháp luật về hoạt động xuất bản, in, phát hành ở Việt Nam trong thời gian tới, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và tiến trình hội nhập quốc tế là hết sức cần thiết.

Ðiều 12 của dự thảo Luật quy định về đối tượng được thành lập NXB được nhiều đại biểu QH quan tâm đóng góp ý kiến. Theo đó, dự thảo Luật quy định hai loại hình hoạt động đối với NXB, gồm: Ðơn vị sự nghiệp công lập hoặc công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu. Một số đại biểu nhất trí với nội dung này, đồng thời đề nghị bổ sung quy định  để tăng cường công tác quản lý nhà nước về xuất bản. Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP Hồ Chí Minh) và Trần Thị Hồng Thắm (Cần Thơ) cho rằng, quy định như vậy là không hợp  lý và đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành: Nhà xuất bản tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện hoặc đơn vị sự nghiệp có thu.

Về Xử lý vi phạm trong lĩnh vực xuất bản (Ðiều 30), Dự thảo Luật bổ sung khoản 3, 4 để quy định nghiêm khắc và chi tiết hơn về việc xử lý NXB, các cá nhân liên quan và đối tác liên kết vi phạm quy định của dự thảo luật này, vì qua đánh giá sáu năm thi hành Luật Xuất bản, nhiều ý kiến cho rằng, việc thiếu chế tài và mức độ xử lý còn quá nhẹ đối với các hành vi vi phạm của các chủ thể trong hoạt động liên kết xuất bản. Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) và một số đại biểu khác đề nghị, đối với các đối tác liên kết, nếu phát hiện ra sai phạm, các cơ quan chức năng cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn nữa bởi trong thực tế, phần lớn những xuất bản phẩm có sai phạm đều nằm trong hoạt động liên kết.

Ðóng góp ý kiến với Ðiều 10 về Những hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản, đại biểu Ðỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) và một số đại biểu khác thống nhất với luật sửa đổi và cho rằng, những hành vi bị cấm được đưa ra là nghiêm khắc nhưng trong thực tế rất khó thực hiện nếu không tổ chức kiểm tra, rà soát chặt chẽ, phát hiện kịp thời và xử phạt nghiêm minh.

Ðiều 31 của dự thảo Luật Xuất bản sửa đổi quy định về điều kiện thành lập cơ sở in và hoạt động in xuất bản phẩm. Về vấn đề này, đại biểu Triệu Thị Nái (Hà Giang) nhất trí với dự thảo quy định: Việc thành lập cơ sở in khác phải bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 1 Ðiều này và phải đăng ký hoạt động in với UBND cấp tỉnh. Ðại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa - Vũng Tàu) băn khoăn về thực trạng hoạt động phức tạp của một số cơ sở in trong thực tế hoạt động xuất bản hiện nay và đề nghị dự thảo Luật cần có những quy định chặt chẽ hơn về vấn đề này nhằm góp phần quan trọng giải quyết tình trạng in lậu.

Trong phiên làm việc buổi chiều tại hội trường, các đại biểu QH đã tiến hành biểu quyết thông qua năm dự thảo luật: Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Sau khi QH nghe đại diện Ủy ban Thường vụ QH đọc báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý từng dự án luật nêu trên, đa số các đại biểu QH đã đồng tình với các báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ QH đối với các dự án luật. Sau đó, các đại biểu QH đã tiến hành biểu quyết thông qua một số nội dung của điều luật và toàn bộ từng dự án luật. Trong đó, biểu quyết tán thành thông qua toàn bộ các dự án luật: Luật Bảo hiểm tiền gửi với 464/470, bằng 92,99% đại biểu tham gia bỏ phiếu; Luật Phòng, chống rửa tiền với 465/469, bằng 93,19% đại biểu tham gia; Luật Giáo dục đại học với 422/469, bằng 84,57% đại biểu tham gia; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá với 440/468 (88,18%) đại biểu tham gia; Bộ luật Lao động (sửa đổi) với 466/467 (93,39%) đại biểu tham gia bỏ phiếu.

Theo nhandan

  • Từ khóa