Thứ 3, 26/11/2024, 09:47[GMT+7]

Triển khai một số nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch Covid-19

Thứ 5, 12/03/2020 | 15:35:28
49,190 lượt xem
Sáng ngày 12/3, Ban Chỉ đạo tỉnh phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) tổ chức họp trực tuyến với các huyện, thành phố triển khai một số nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phát biểu tại cuộc họp.

Audio: 13032020_trien_khai_mot_so_nhiem_vu__mixdown.mp3

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Tính đến 7 giờ ngày 12/3, Thái Bình có 52 người nghi nhiễm Covid-19, trong đó 51 người đã có kết quả xét nghiệm âm tính, 1 người đang cách ly, theo dõi y tế chờ kết quả xét nghiệm. 3 trường hợp có tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19 đã được cách ly, theo dõi y tế tại khu cách ly tập trung của tỉnh, huyện. Theo nhận định của ngành Y tế, tại Thái Bình, nguy cơ xâm nhập, bùng phát dịch đã thường trực. Việc phát hiện nhanh trường hợp nguy cơ khó kiểm soát hơn... 

Tại cuộc họp, UBND tỉnh đã công bố quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo tỉnh phòng, chống dịch Covid-19. Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban Chỉ đạo. Cùng với 10 đồng chí làm Phó Trưởng ban Chỉ đạo còn có 37 đồng chí Ủy viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị. 

Sau khi nghe báo cáo, đề xuất, kiến nghị từ các thành viên Ban Chỉ đạo, các huyện, thành phố, phát biểu kết luận, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh phòng, chống dịch Covid-19 nhấn mạnh: Thời điểm này, công tác phòng, chống dịch đã bước sang giai đoạn mới, nguy cơ lây nhiễm tăng cao. Do đó, ngành Y tế cần tham mưu xây dựng kịch bản cụ thể theo các tình huống để chủ động trong công tác phòng, chống dịch. Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nội dung tuyên truyền phải sát thực, phù hợp với tình hình dịch hiện nay, bảo đảm mỗi cán bộ, đảng viên, người dân đều nắm bắt được tình hình, diễn biến của dịch trên thế giới, tại Việt Nam và trên địa bàn tỉnh, không được chủ quan, lơ là nhưng cũng không nên hoang mang, lo lắng mà phải luôn bình tĩnh, chủ động trong các tình huống; khi địa phương có người phải đưa đi cách ly tập trung cần thông báo đến cộng đồng dân cư để nhân dân biết, tránh hiểu nhầm, gây hoang mang. Làm tốt công tác tuyên truyền để mỗi người dân là những tuyên truyền viên, giám sát viên, kịp thời phát hiện, khai báo khi khu dân cư có người có biểu hiện của dịch bệnh, có người đi từ nước ngoài, tỉnh ngoài về, người có tiếp xúc gần với người nghi nhiễm Covid-19; hạn chế tham gia các hoạt động đông người, đi nước ngoài, ra tỉnh ngoài vào thời điểm hiện nay; nâng cao ý thức trách nhiệm, chủ động phòng, chống dịch vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng; thực hiện nghiêm túc, trung thực, chính xác việc khai báo y tế để quản lý tốt nguồn lây nhiễm. 

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu tập trung hoàn thiện các khu cách ly tập trung của tỉnh, huyện. Phân cấp khu cách ly tập trung của tỉnh là nơi cách ly những người tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm Covid-19 (F1). Ngoài 2 khu cách ly tập trung đã có, trưng dụng ký túc xá Trường Đại học Thái Bình và Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình với 900 giường và Trường Đại học Y Dược Thái Bình trong trường hợp cần thiết. Các trường có trách nhiệm tổ chức tổng vệ sinh, lên kế hoạch mua sắm vật tư thiết yếu, sẵn sàng đưa vào phục vụ cách ly. Trách nhiệm quản lý các khu cách ly tập trung của tỉnh tại các cơ sở quân sự do Bộ CHQS tỉnh đảm nhiệm; tại các trường do lãnh đạo đơn vị phân công. Sở Y tế có trách nhiệm cử cán bộ y tế tham gia chăm sóc sức khỏe người cách ly. Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh bảo đảm an toàn cho khu cách ly. Các đơn vị quản lý chuẩn bị khu phục vụ ăn uống cho người cách ly. Khu cách ly tập trung các huyện, thành phố thực hiện cách ly những người tiếp xúc gần với F1 (F2). Địa điểm cách ly do các huyện, thành phố bố trí. Giao chủ tịch UBND huyện, thành phố trực tiếp quản lý các khu cách ly của huyện, thành phố, cử cán bộ chăm sóc y tế, phục vụ chu đáo việc ăn ở, sinh hoạt cho người cách ly, bảo đảm an toàn khu cách ly. Những người tiếp xúc gần với F2 trở đi thực hiện theo dõi sức khỏe tại gia đình, giao chính quyền địa phương chịu trách nhiệm quản lý, giám sát. 

Về chế độ cho người cách ly, với những người được Quân khu 3 đưa về, tỉnh hỗ trợ 23.000 đồng/người/ngày; những người tỉnh đưa vào cách ly tập trung hỗ trợ 80.000 đồng/người/ ngày. Ở khu cách ly tập trung của huyện, thành phố do ban chỉ đạo của huyện, thành phố quyết định. Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn việc sử dụng kinh phí thực hiện chế độ cho người cách ly. Tùy tình hình thực tế, các huyện, thành phố nghiên cứu đề xuất thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ tại khu cách ly. Sở Tài chính, Sở Y tế phối hợp tham mưu chế độ đối với người nước ngoài bắt buộc phải cách ly, thống nhất cách ly tại khách sạn Sông Trà (thành phố Thái Bình). 

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu ngành Y tế khẩn trương xây dựng phương án điều trị tập trung khi có dịch xảy ra. Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phổi, Khu và khám điều trị chất lượng cao Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Lâm Hoa chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, sẵn sàng đáp ứng khi dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh. Sở Y tế phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch tiếp nhận điều trị, trình Ban Chỉ đạo tỉnh phê duyệt để sẵn sàng vận hành ngay các cơ sở điều trị tập trung khi có dịch xảy ra. 

Đồng chí Đàm Văn Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc họp. 

Về nhân lực phục vụ công tác điều trị trong phòng, chống dịch, tỉnh dự kiến sẽ huy động hơn 1.000 y bác sĩ, sinh viên năm cuối Trường Đại học Y Dược Thái Bình và Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình. Ngành Y tế có trách nhiệm xây dựng kế hoạch sử dụng nhân lực cụ thể trong từng tình huống dịch, trình Ban Chỉ đạo tỉnh phê duyệt. Các trường chủ động lập danh sách những người tham gia phòng, chống dịch. Về trang thiết bị, vật tư phục vụ điều trị, ngành Y tế khẩn trương lên phương án báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh. Triển khai việc đeo khẩu trang bắt buộc đối với một số trường hợp (theo Quyết định số 43/QĐBCĐ, ngày 12/3/2020 của Ban Chỉ đạo tỉnh phòng, chống dịch Covid-19); khẩu trang sẽ được bán với giá hỗ trợ; các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, giám sát việc đeo khẩu trang đối với những trường hợp này. 

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu Công an tỉnh tăng cường quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, phối hợp với các ngành, địa phương có biện pháp quản lý, theo dõi sức khỏe. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc phòng, chống dịch tại các trường. Các đoàn kiểm tra phòng, chống dịch của tỉnh tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém trong phòng, chống dịch tại cơ sở, kịp thời đề xuất những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, thành viên Ban Chỉ đạo không đi công tác nước ngoài, không đi đến các tỉnh, thành phố có dịch trong thời điểm này; các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện thực hiện kiểm tra thân nhiệt, sử dụng nước sát khuẩn tay cho cán bộ, nhân viên, khách ra vào cơ quan. Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình sản xuất dung dịch rửa tay sát khuẩn cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Mỗi sở, ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch; vừa tổ chức phòng, chống dịch vừa chỉ đạo duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.


Hoàng Lanh