Chủ nhật, 28/07/2024, 17:15[GMT+7]

Triển khai chính thức thủ tục hải quan điện tử: Lợi ích cho người khai hải quan, cơ quan Hải quan và toàn xã hội

Thứ 6, 04/01/2013 | 16:38:46
1,361 lượt xem
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 448/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Hải quan đến năm 2020, theo đó “đến năm 2020…thủ tục hải quan chủ yếu được thực hiện bằng phương thức điện tử tại các địa bàn trọng điểm…”.

Chiến lược phát triển ngành Hải quan đến năm 2020 đề ra:“Đến năm 2020…thủ tục hải quan chủ yếu được thực hiện bằng phương thức điện tử tại các địa bàn trọng điểm…”.Ảnh: Nguồn Internet

Theo đó, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã đề xuất và được Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định quy định về thủ tục hải quan điện tử làm cơ sở pháp lý để triển khai chính thức TTHQĐT sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm. Thủ tục hải quan điện tử thực hiện theo Nghị định 87/2012/NĐ-CP sẽ kế thừa toàn bộ các nội dung đã triển khai thành công trong giai đoạn thí điểm, ngoài ra bổ sung các quy định mới. Việc triển khai chính thức TTHQĐT không chỉ mang lại lợi ích cho người khai hải quan và cơ quan Hải quan mà còn mang lại lợi ích cho toàn xã hội.

 

Nhằm đẩy mạnh và cụ thể hóa Chương trình cải cách thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ mà cụ thể là Mục X Nghị quyết 25/NQ-CP, Điều 7 Nghị quyết số 68-NQ/CP ngày 27/12/2010 về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính, theo đó đến năm 2012, cắt giảm 10%-20% chi phí làm thủ tục hải quan cho công dân và doanh nghiệp; giảm 30% thời gian thông quan tại cửa khẩu, đơn giản hóa hơn nữa 13 thủ tục quy định về thủ tục hải quan điện tử. Dựa trên hiệu quả do thủ tục hải quan điện tử mang lại trong thời gian thực hiện thí điểm, cấp thiết phải đưa TTHQĐT vào thực hiện chính thức để đáp ứng các mục tiêu trên.

 

Hiệu quả triển khai TTHQĐT đã được chứng minh qua thời gian thực hiện thí điểm và hoàn toàn có thể áp dụng rộng rãi trong thời gian tới mà không gây biến động lớn do đa số các doanh nghiệp và công chức hải quan đã được làm quen với phương thức thực hiện mới (theo số liệu ghi nhận trên). Tuy nhiên, do TTHQĐT mới chỉ được thực hiện dưới cơ chế thí điểm nên các đối tượng tham gia thực hiện còn nhiều lo ngại về cơ sở pháp lý cũng như việc áp dụng các văn bản liên quan trong việc thực hiện TTHQĐT.

 

Ngoài ra, để được mục tiêu về thủ tục hải quan điện tử tại Quyết định 448/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Hải quan đến năm 2020, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đang tiến hành thực hiện Dự án “Xây dựng và triển khai hải quan điện tử và thực hiện cơ chế Hải quan một cửa quốc gia” (VNACCS) do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Nội dung chính của Dự án là chuyển giao công nghệ của hệ thống tự động hóa của Hải quan Nhật Bản (NACCS/CIS) và tiến hành chỉnh sửa để áp dụng tại Việt Nam, dự kiến hệ thống đi vào vận hành chính thức từ giữa năm 2014. Trong thời gian từ nay đến thời điểm Hệ thống VNACCS hoạt động chính thức ở Việt Nam, thủ tục hải quan điện tử cần được đưa vào thực hiện chính thức để đảm bảo cơ sở pháp lý về thủ tục hải quan điện tử cũng như cơ sở thực tiễn hoạt động làm tiền đề để việc chuyển đổi giữa hệ thống mới và hệ thống cũ được hài hòa, không gây xáo trộn.

 

Với những nhận định như trên, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã đề xuất và được Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định quy định về thủ tục hải quan điện tử làm cơ sở pháp lý để triển khai chính thức TTHQĐT sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm.

 

Bổ sung các quy định mới

 

Đối với những nội dung dự kiến sẽ triển khai chính thức , thủ tục hải quan điện tử thực hiện theo Nghị định 87/2012/NĐ-CP sẽ kế thừa toàn bộ các nội dung đã triển khai thành công trong giai đoạn thí điểm, ngoài ra bổ sung các quy định mới như sau: Về những quy định liên quan đến người khai hải quan: Thủ tục hải quan điện tử được thực hiện trên cơ sở Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn, theo đó người khai hải quan khi thực hiện TTHQĐT phải sử dụng chữ ký số; Khi thực hiện TTHQĐT, người khai hải quan phải đáp ứng các điều kiện về công nghệ thông tin và kỹ năng khai hải quan điện tử. Trường hợp chưa đáp ứng các điều kiện về công nghệ thông tin và kỹ năng khai hải quan điện tử thì thông qua đại lý làm thủ tục hải quan có đủ điều kiện để thực hiện thủ tục hải quan điện tử.

 

Về quy định liên quan đến việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho thương mại, cụ thể, tăng mức độ tự động hóa của Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan: So sánh với thủ tục hải quan thủ công thì các khâu tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký, phân luồng tờ khai hải quan điện tử được tự động hóa thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Việc tự động hóa của các khâu này vừa giúp cơ quan Hải quan tăng hiệu quả làm việc, vừa giảm thiểu các tiêu cực xảy ra, đồng thời đảm bảo tính minh bạch của các thủ tục hành chính và tạo thuận lợi thương mại; Mở rộng thời gian khai hải quan điện tử: Khi thực hiện TTHQĐT, người khai hải quan điện tử được quyền khai hải quan 24/7 thay vì trong giờ hành chính như đối với thủ tục hải quan thủ công. Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký tờ khai hải quan điện tử 24/7.

 

Quy định này dựa trên cơ sở áp dụng quản lý tuân thủ đối với doanh nghiệp. Đây là phương pháp quản lý hải quan hiện đại vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chế xuất có ý thức chấp hành pháp luật vừa đảm bảo yêu cầu quản lý hải quan, đặc biệt có sự chú trọng quản lý đối với những doanh nghiệp chế xuất chưa chấp hành tốt pháp luật về thuế, hải quan.

 

Khẳng định tầm nhìn

 

Việc triển khai chính thức TTHQĐT không chỉ mang lại lợi ích cho người khai hải quan và cơ quan Hải quan mà còn mang lại lợi ích cho toàn xã hội, cụ thể như sau:

Đối với cơ quan Hải quan. việc triển khai chính thức TTHQĐT mang lại thay đổi nhận thức, cụ thể, thực hiện chính thức thủ tục hải quan điện tử là đưa phương thức quản lý hải quan hiện đại đi vào thực tế cuộc sống, phương thức quản lý mới được thực hiện dựa trên nền tảng quản lý rủi ro giúp ngành Hải quan chuyển từ quản lý giao dịch sang quản lý doanh nghiệp có áp dụng quản lý rủi ro; từ xử lý thủ công trên giấy tờ sang xử lý hầu hết trên máy tính; giúp cán bộ hải quan nhận thức rõ cải cách hiện đại hóa là xu thế tất yếu để phát triển bộ máy nhà nước nói chung, cơ quan Hải quan nói riêng.

 

Thực hiện thành công việc cải cách thủ tục hành chính: với phương thức quản lý hiện đại thông qua áp dụng các phương thức kiểm tra, đối chiếu và xử lý tự động một số bước trong quy trình thủ tục, một số giấy tờ thuộc bộ hồ sơ hải quan cũng như một số thủ tục hành chính được cắt giảm khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử mà vẫn đảm bảo quản lý. Khi được thực hiện chính thức, mức độ áp dụng được mở rộng thì hiệu quả sẽ càng được tăng cao.

 

Tiết kiệm chi phí: thủ tục hải quan điện tử hầu hết được xử lý, lưu trữ trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan nên công tác lưu trữ hồ sơ giấy đã được giảm đáng kể. Thêm vào đó, với sự trợ giúp của Hệ thống, công chức Hải quan có thể nâng cao hiệu suất làm việc với độ chính xác cao. Điều này là hết sức quan trọng trong bối cảnh lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu ngày càng tăng nhanh trong khi biên chế có hạn. Do vậy, thực hiện thủ tục hải quan điện tử giúp ngành Hải quan giảm được áp lực về thời gian, nhân lực và các chi phí quản lý phát sinh.

 

Tăng hiệu quả quản lý: thủ tục hải quan điện tử được thực hiện trên nền tảng quản lý rủi ro, kiểm tra trọng tâm trọng điểm do vậy tập trung được nhiều nguồn lực vào các đối tượng nghi ngờ.

 

Đảm bảo tính chính xác trong việc thống kê: các thông tin được người khai hải quan trực tiếp khai báo, đảm bảo tính pháp lý và trách nhiệm về các thông số, loại trừ khả năng sai lệch trong công tác nhập số liệu của cơ quan Hải quan như thực hiện thủ tục hải quan truyền thống.

 

Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp và đạo đức của công chức hải quan: tất cả các bước xử lý tờ khai hải quan điện tử của công chức hải quan và người khai hải quan đều được ghi nhận cụ thể trên Hệ thống về thời gian, nội dung và có giá trị pháp lý khi thực hiện, do vậy đòi hỏi các đối tượng tham gia phải có trách nhiệm cao trong việc thực hiện cũng như phải có kiến thức về thủ tục hải quan, thúc đẩy các đối tượng nâng cao năng lực chuyên môn, dần hình thành tính chuyên nghiệp.

 

Nâng cao hình ảnh ngành Hải quan đối với xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp: Ngành Hải quan là ngành đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ hiện đại vào quy trình quản lý. Do vậy, việc chính thức thực hiện thủ tục hải quan điện tử càng khẳng định bước đi của ngành Hải quan là đúng đắn, mang lại hiệu quả không chỉ cho ngành Hải quan mà cả đối với xã hội.

 

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, khi thủ tục hải quan điện tử được chính thức thực hiện, số lượng doanh nghiệp được hưởng các lợi ích do thủ tục hải quan điện tử mang lại sẽ tăng lên do địa bàn thực hiện được mở rộng khắp cả nước, không chỉ giới hạn ở những địa bàn được Chính phủ cho phép. Qua đó, tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Namon>. Các lợi ích cụ thể là:

 

Tiết kiệm thời gian do việc tự động hóa của hệ thống, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, bao gồm: chi phí đi lại khi thực hiện khai báo (khai báo thông qua Internet); chi phí mua tờ khai hải quan (tờ khai hải quan điện tử được in với giấy A4 bất kỳ); chi phí chuẩn bị bộ hồ sơ giấy (hồ sơ hải quan được giảm thiếu tối đa), chi phí nhân lực …

 

Tính toán chi phí sơ bộ khi thực hiện một thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hải quan trước và sau khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử cho thấy tổng chi phí hàng năm mà các cá nhân, tổ chức tiết kiệm được là trên 20%, cụ thể: Với lô hàng thuộc diện miễn kiểm tra hải quan, doanh nghiệp được khai và nhận quyết định thông quan tại trụ sở doanh nghiệp; Giảm số lượng chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan phải nộp: đối với lô hàng thuộc diện miễn kiểm tra hải quan, doanh nghiệp chỉ cần khai tờ khai hải quan còn các chứng từ khác lưu tại doanh nghiệp.

 

Nâng cao hiệu quả quản lý: các bước trong quy trình khai báo hải quan đều được Hệ thống ghi nhận và thông báo cụ thể, người khai hải quan có thể dễ dàng theo dõi tình trạng xử lý tờ khai hải quan của mình để chủ động sắp xếp công việc; người quản lý có thể dễ dàng quản lý tình hình xử lý công việc của các nhân viên dưới quyền do tính minh bạch của Hệ thống khai báo hải quan.

 

Nâng cao tính cạnh tranh: việc tiết kiệm được thời gian cũng như chi phí hoạt động giúp các doanh nghiệp có thể tiết kiệm được chi phí quản lý, từ đó làm giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh tại thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế.

 

Đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan, việc chính thức thực hiện thủ tục hải quan điện tử tạo động lực cho các cơ quan Bộ, Ngành đẩy nhanh tốc độ cải cách hiện đại hóa, điện tử hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý được Chính phủ giao, góp phần thực hiện mục tiêu hiện đại hóa chung của đất nước; Với kinh nghiệm có được khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử, ngành Hải quan sẽ phối hợp với các cơ quan Bộ, Ngành trong việc xây dựng các danh mục chuẩn hóa, mã hóa và xây dựng thành công Cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN.

 

Đối với xã hội, việc đưa thủ tục hải quan điện tử vào thực tế cuộc sống đã chính thức đưa thuật ngữ “điện tử” vào quản lý các hoạt động quản lý hành chính, góp phần hình thành môi trường thương mại điện tử cũng như thúc đẩy các thành phần kinh tế tham gia cùng Chính phủ xây dựng và cung cấp các dịch vụ gia tăng về thương mại điện tử.

 

Việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử khẳng định sự ưu việt của phương pháp quản lý mới hiện đại, đủ sức thay thế một cách thuyết phục phương pháp quản lý truyền thống, là tiền đề để các cơ quan, tổ chức thuộc mọi thành phần học hỏi và mạnh dạn đổi mới, nâng cao trình độ của Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

 Theo mof.gov.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày