Thứ 5, 26/12/2024, 22:30[GMT+7]

Quy định mới về xử lý nợ phải thu tồn đọng của doanh nghiệp Nhà nước

Thứ 5, 12/12/2013 | 15:02:50
724 lượt xem
Chính phủ vừa ban hành Nghị định về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó quy định việc xử lý các khoản nợ phải thu tồn đọng của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, về xử lý các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi, đối với các doanh nghiệp đang hoạt động, các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi được xử lý theo thứ tự: Doanh nghiệp xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân và yêu cầu tập thể, cá nhân bồi thường theo quy định của pháp luật; dùng nguồn dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi để bù đắp; hạch toán vào chi phí hoặc thu nhập doanh nghiệp, tuỳ theo trường hợp cụ thể.

 

Trong trường hợp thực hiện bán nợ theo quy định của pháp luật, sau khi xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân và yêu cầu đương sự bồi thường theo quy định của pháp luật, chênh lệch giảm giữa giá trị khoản nợ với giá bán được bù đắp bằng nguồn dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi, nếu thiếu hạch toán vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

 

 Đối với doanh nghiệp đang thực hiện chuyển đổi, các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi, sau khi xử lý một lần mà doanh nghiệp bị lỗ thì tiếp tục xử lý theo các quy định của Nhà nước khi thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp.

 

Các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi đã được xử lý (trừ trường hợp bán nợ) nhưng khách nợ còn tồn tại thì các doanh nghiệp có trách nhiệm tiếp tục theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán và trong thuyết minh báo cáo tài chính trong thời hạn tối thiểu là 10 năm kể từ ngày thực hiện xử lý và có các biện pháp để thu hồi nợ, nếu thu hồi được nợ thì số tiền thu hồi được sau khi trừ đi các chi phí liên quan, doanh nghiệp được hạch toán vào thu nhập của doanh nghiệp.

 

Doanh nghiệp chuyển đổi có trách nhiệm bàn giao các khoản công nợ không tính vào giá trị doanh nghiệp theo quy định. Các cơ quan tiếp nhận bàn giao có trách nhiệm tiếp tục theo dõi và tổ chức thu hồi đối với các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi tuy đã được xử lý nhưng khách nợ còn tồn tại. Trong thời gian chưa thực hiện bàn giao, doanh nghiệp vẫn có trách nhiệm tiếp tục theo dõi và tổ chức thu hồi các khoản nợ này.

 

Các doanh nghiệp được xử lý và hạch toán một lần các khoản nợ không thu hồi được vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm.

 

Không yêu cầu doanh nghiệp ứng vốn thực hiện dự án khi ngân sách chưa bố trí vốn cho dự án

 

Cũng theo Nghị định, đối với các khoản nợ phải thu tồn đọng còn có khả năng thu hồi, doanh nghiệp phải tích cực đôn đốc và áp dụng mọi biện pháp để thu hồi.

 

Đối với các khoản nợ phải thu quá hạn từ 6 tháng trở lên còn có khả năng thu hồi, doanh nghiệp phải lập dự phòng và hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp trong năm.

 

Về xử lý các khoản nợ phải thu của doanh nghiệp liên quan đến ngân sách nhà nước, các khoản được ngân sách hỗ trợ hoặc cấp bù theo quy định đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa được cấp thì ngân sách cấp nào nợ, ngân sách cấp đó phải có trách nhiệm bố trí để cấp đủ cho doanh nghiệp.

 

Các khoản doanh nghiệp đã nộp thừa vào ngân sách cấp nào thì ngân sách cấp đó phải hoàn trả cho doanh nghiệp (nếu doanh nghiệp có yêu cầu hoàn trả) hoặc trừ vào khoản nộp kỳ sau theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

 

 Các khoản nợ của doanh nghiệp do chưa bố trí hoặc bố trí chưa đủ vốn để thanh toán khối lượng đầu tư xây dựng cơ bản thuộc các công trình, dự án được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ hoặc vốn có nguồn gốc từ ngân sách; thanh toán tiền nhượng bán tài sản, trụ sở làm việc cho các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương nằm trong kế hoạch đầu tư đã được phê duyệt thì các Bộ, ngành, địa phương, cấp quyết định đầu tư có trách nhiệm bố trí dự toán ngân sách để thanh toán đủ kịp thời cho doanh nghiệp theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật; không yêu cầu doanh nghiệp ứng vốn thực hiện dự án khi ngân sách chưa bố trí vốn cho dự án, dẫn đến phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

 

Các khoản ngân sách địa phương nhận trả nợ thay khi điều động tài sản của doanh nghiệp cho đơn vị sự nghiệp hoặc cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương thì địa phương phải dùng ngân sách để trả nợ doanh nghiệp.

 

 Các khoản tiền của doanh nghiệp bị các cơ quan nhà nước tạm giữ trong quá trình kiểm tra, thanh tra, điều tra vụ án, sau khi có kết luận doanh nghiệp không có sai phạm hoặc không phải khắc phục hậu quả thì các cơ quan quyết định tạm giữ phải hoàn trả ngay cho doanh nghiệp trong vòng 5 ngày làm việc.

 

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2014.

Nguồn chinhphu.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày