Chủ nhật, 28/07/2024, 07:16[GMT+7]

Kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2014 

Thứ 3, 11/02/2014 | 10:47:16
2,366 lượt xem
Ngày 27 tháng 01 năm 2014, UBND tỉnh ra Kế hoạch số 06/KH-UBND về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2014 

Lực lượng CSGT Công an tỉnh Thái Bình tuần tra kiểm soát bảo vệ ANTT, ATGT dịp Tết Giáp Ngọ. Ảnh: Nguyễn Tùng

Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 23/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải. Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình xây dựng Kế hoạch chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2014 với những nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU:
1. Mục tiêu:
- Thực hiện nghiêm các qui định của pháp luật đối với công tác quản lý nhà nước và kinh doanh trong lĩnh vực vận tải hành khách và hàng hóa.
- Nâng cao tinh thần trách nhiệm, vai trò của các cấp ủy đảng, người đứng đầu các tổ chức trính trị, cơ quan, đơn vị và các  địa phương trong thực thi công vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
- Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, giảm tai nạn giao thông từ 5 đến 10% trên cả 3 chỉ số (số vụ, số người chết và số người bị thương).

2. Yêu cầu:
- Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, cấp ủy, chính quyền các địa phương và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc tích cực và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên hàng tháng, quý, năm.
 - Tăng cường công tác kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vận tải; kiên quyết đình chỉ đối với các doanh nghiệp không đủ điều kiện vẫn đưa phương tiện vào khai thác vận tải, các phương tiện chở quá tải trọng thiết kế của phương tiện và của công trình giao thông. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Luật giao thông đường thủy nội địa.
- Tăng cường quản lý chất lượng các công trình giao thông, nâng cao chất lượng xây dựng, duy tu, sửa chữa các công trình giao thông. Tập trung nguồn lực duy tu sửa chữa, nâng cấp đường giao thông, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các tuyến đường.
- Quản lý chặt chẽ đối với nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh phương tiện hai bánh chạy điện, mũ bảo hiểm mô tô, xe máy.
- Khuyến khích, nhân rộng mô hình tổ tự quản về an toàn giao thông tại các địa phương, cơ sở và  nâng cao hiệu quả  hoạt động của các tổ tự quản, các câu lạc bộ an toàn giao thông.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU:
1. Công tác chỉ đạo:
- Kịp thời ban hành các văn bản triển khai chỉ đạo của Trung ương về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông;
- Tổng hợp chương trình hoạt động và kết quả hoạt động hàng tháng của các địa phương, đơn vị; tổ chức họp giao ban hàng tháng về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tham mưu Trưởng ban biểu dương những đơn vị, địa phương làm tốt đồng thời phê bình những đơn vị, địa phương làm chưa tốt;
- Kiện toàn  bộ máy tổ chức hoạt động của Ban An toàn giao thông tỉnh, xây dựng qui chế hoạt động về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông;
- Các ban, ngành,  đơn vị, các tổ chức xã hội, Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố hàng tháng báo cáo kết quả hoạt động trong tháng và lập chương trình hoạt động cụ thể tháng sau gửi về Ban An toàn giao thông tỉnh trước ngày 25 hàng tháng; Ban An toàn giao thông tỉnh tổng hợp, theo dõi việc thực hiện báo cáo của các địa phương đơn vị và đưa vào tiêu chí bình xét thi đua;
- Đưa công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông vào nội dung sinh hoạt hàng tháng của các chi bộ; nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đây được coi là một trong những nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp;
- Các xã, phường, thị trấn: Thực hiện nghiêm túc công văn số: 2985/UBND-CN của Ủy ban nhân dân tỉnh ngày 7/11/2013  Về việc thông báo, kiểm điểm, giáo dục  người có hành vi  vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; Nhận thông tin thông báo vi phạm do Sở thông tin gửi qua Email, thông báo trên hệ thống loa truyền thanh.

2. Công tác tuyên truyền:
- Huy động mọi phương tiện, nguồn lực của hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội, tôn giáo, tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng về trật tự an toàn giao thông tới từng tổ dân phố, cơ quan, đơn vị; nâng cao chất lượng tuyên truyền bằng hình thức trực quan như: Hình ảnh, video tình huống giao thông cụ thể.
- Nội dung tuyên truyền: Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Luật Giao thông đường thủy nội địa, các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, của Chính phủ, các quy định của pháp luật đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Chú trọng một số nội dung: Quản lý công tác vận tải theo chỉ thị 12/CT-TTg ngày 23/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải; Nghị định 171/2013/NĐ-CP Qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh đvực trật tự an toàn giao thông đường bộ và đường sắt; quy tắc giao thông an toàn; phòng chống uống rượu, bia đối với lái xe; đội mũ bảo hiểm cho cả trẻ em khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông, của người thi hành công vụ đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Tuyên truyền các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn trong hoạt động chở khách ngang sông; người đi đò mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi cá nhân.
- Hình thức tuyên truyền: Sử dụng thông điệp, pa nô, áp phích, tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu, triển lãm tranh ảnh, video, mở các lớp truyền thông trực tiếp tới từng khu dân cư; viết tin, bài cho Chuyên mục an toàn giao thông trên phương tiên thông tin đại chúng, chuyên trang An toàn giao thông trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Cơ quan thông tin truyền thông, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, đẩy mạnh tuyên truyền từ cơ sở; đặc biệt phát huy hiệu quả tuyên truyền thông qua hệ thống thông tin xuyên suốt từ tỉnh đến địa phương; mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ của lực lượng làm công tác tuyên truyền, tăng cường tính chuyên nghiệp của cán bộ chuyên trách an toàn giao thông.

3. Công tác xây dựng, duy tu, sửa chữa các công trình giao thông, tổ chức giao thông:
- Bố trí hợp lý nguồn kinh phí, tận dụng mọi nguồn vốn để  duy tu, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu  phát triển kinh tế- xã hội, phục vụ  xây dựng nông thôn mới và đảm bảo trật tự an toàn giao thông;
- Tổ chức  giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với hạ tầng giao thông; sơn vạch kẻ đường phân tách làn phương tiện; sơn gờ giảm tốc giảm xung đột trực tiếp tại các ngã ba, ngã tư, một số nút giao thông chính trong thành phố; rà soát lại hệ thống biển báo hiệu giao thông trên địa bàn toàn tỉnh bổ sung, thay thế đảm bảo đúng quy định và hợp lý. Tăng cường đầu tư lắp đặt các hệ thống đèn tín hiệu giao thông.
- Rà soát các điểm thường xảy ra tai nạn giao thông va chạm giao thông trên các tuyến đường tham mưu phương án xử lý; nâng cao chất lượng, áp dụng kỹ thuật mới, vật liệu mới  vào công tác duy tu để nâng cao hiệu quả, xử lý triệt để các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông  đảm bảo năm 2014 không còn điểm đen về tai nạn giao thông trên các tuyến đường trong tỉnh.

4. Công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực an toàn giao thông:
- Thành lập  và đưa vào hoạt động các trung tâm quản lý dữ liệu hành trình, trạm cân tải trọng phương tiện; cải cách thủ tục hành chính dịch vụ công trong lĩnh vực giao thông vận tải, nâng cao chất lượng đào tạo và cấp, đổi giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện giao thông;
- Tăng cường đầu tư trang thiết bị và nâng cao chất lượng công tác tuần tra xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; thường xuyên tổ chức kiểm tra việc các địa phương cơ sở trong việc nêu tên, giáo dục các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộnăm 2008, Luật Giao thông đường thủy;
- Quản lý tốt vỉa hè, hành lang đường bộ, ngăn chặn hiệu quả các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, hành lang an toàn giao thông; có biện pháp chống tái lấn chiếm và từng bước xử lý các trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn giao thông từ trước; có phương án xử lý nghiêm các đơn vị thi công chậm tiến độ, các đơn vị quản lý, xây dựng công trình giao thông thiếu trách nhiệm gây ách tắc giao thông và tai nạn giao thông;
- Quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu xe đạp điện, xe máy điện; tiếp tục xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu mũ bảo hiểm.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Ban An toàn giao thông tỉnh:
- Xây dựng đề án kiện toàn Ban An toàn giao thông tỉnh và quy chế hoạt động của Ban; Phối hợp với các ngành, các đơn vị liên quan hoàn thiện quy chế an toàn giao thông của tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Xây dựng nội dung, cung cấp, phát hành tài liệu hỗ trợ các ngành, địa phương phục vụ cho công tác tuyên truyền. Kịp thời tham mưu tỉnh triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.  

2. Các Ban, ngành, tổ chức đoàn thể chính trị:
- Xây dựng kế hoạch hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tổ chức triển khai hoạt động ngay từ đầu năm. Phát động phong trào Đảng viên, cán bộ, công chức gương mẫu thực hiện pháp luật về trật tự an toàn giao thông làm gương cho quần chúng nhân dân noi theo.
- Phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh mở rộng đối tượng tuyên truyền, tuyên truyền tới cả các vùng sâu, vùng xa, xuống tới các tổ dân phố, thôn xóm. Chú trọng tuyên truyền cho lực lượng công nhân trong các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp...

3. Các cơ quan thông tin đại chúng:
- Sở Thông tin và Truyền thông: Qui định về nội dung, thời lượng tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông đối với các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh và Đài Phát thanh – Truyền hình các huyện, thành phố, các Đài Truyền thanh cơ sở. Cập nhật danh sách các đối tượng vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; đồng thời gửi cho các địa phương, đơn vị theo hộp thư điện tử.
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Duy trì, phát huy hiệu quả của chuyên mục an toàn giao thông, tăng thời lượng phát sóng, kịp thời đưa tin biểu dương, nêu gương người tốt, việc tốt; tích cực phê phán những biểu hiện vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông; đồng thời phối hợp với Công an tỉnh đưa tin những trường hợp vi phạm điển hình, những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng lên sóng phát thanh truyền hình. Phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh xây dựng, mua các tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông, hướng dẫn tham gia giao thông an toàn phát trên sóng phát thanh truyền hình.
- Báo Thái Bình: Thường xuyên đưa tin bài về trật tự an toàn giao thông trên các số báo.
- Đài Phát thanh, các huyện, thành phố, Đài Truyền thanh các xã, phường, thị trấn tăng cường khai thác thông tin về tình hình trật tự an toàn giao thông tại địa phương, trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Email của xã, phường, thị trấn do Sở Thông tin và Truyền thông gửi để viết bài tuyên truyền; đồng thời nêu tên nhắc nhở những trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông lên hệ thống Đài truyền thanh.

4. Các ngành, đơn vị chức năng:
4.1. Công an tỉnh:
- Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tăng cường kiểm tra kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ ( Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 1966/CĐ-TTg ngày 19/11/2013 và của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 3117/UBND-CN ngày 20/11/2013 Về việc tăng cường thực hiện kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến đường bộ trên địa bàn tỉnh ).
- Hàng tuần lập danh sách các đối tượng vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông gửi Sở thông tin và Truyền thông vào các ngày thứ Hai để đăng lên Cổng thông tin điện tử.
- Phối hợp với các cấp, các ngành, các đoàn thể nhân dân đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật an toàn giao thông đến mọi tầng lớp nhân dân.
- Nâng cao trách nhiệm của các lực lượng tuần tra kiểm soát trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; xây dựng kế hoạch tăng cường các đợt cao điểm tuần tra kiểm soát theo chuyên đề; lập phương án phòng chống ùn tắc giao thông, đua xe trái phép, xử lý những đối tượng cản trở, chống người thi hành công vụ; nâng cao chất lượng quản lý đăng ký phương tiện, tuyên truyền, hướng dẫn chủ xe làm thủ tục sang tên, di chuyển theo đúng qui định.

4.2. Sở Giao thông Vận tải:
- Tổ chức triển khai thực hiện Công điện 1966/CĐ-TTg ngày 19/11/2013 của thủ tướng Chính phủ tới các chủ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải. Xây dựng đề án thành lập trạm cân; chủ trì phối hợp với Công an tỉnh triển khai kiểm tra kiểm soát xử lý các phương tiện vận tải không đủ điều kiện kinh doanh, chở quá tải.
- Nâng cao trách nhiệm của cán bộ Thanh tra Sở giao thông Vận tải, cán bộ đăng kiểm, cán bộ sát hạch lái xe trong khi thực thi công vụ.
- Tham mưu UBND tỉnh: Bố trí hợp lý và tận dụng mọi nguồn vốn phục vụ duy tu, sửa chữa, nâng cấp và làm mới công trình giao thông. Xử lý nghiêm các đơn vị thi công chậm tiến độ gây ách tắc, mất an toàn giao thông, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân; rà soát các điểm đen, các điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các tuyến Quốc lộ, đường tỉnh trình UBND tỉnh, Bộ GTVT cho xử lý kịp thời đảm bảo ATGT.
- Chỉ đạo Thanh tra Sở giao thông Vận tải tăng cường kiểm tra bảo đảm an toàn cho các công trình giao thông, kiểm tra việc thực hiện việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đường thủy nội địa, bến khách ngang sông.

4.3. Sở Tài chính: Chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành, các đơn vị có liên quan tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh huy động nguồn kinh phí, bố trí nguồn vốn để thực hiện các công việc duy tu, sửa chữa, xây dựng mới các công trình giao thông. 

4.4. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Chỉ đạo các trường kiểm tra xử lý các trường hợp học sinh chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe vẫn điều khiển mô tô, xe máy, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy. Xử lý học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, đi xe dàn hang ngang khi tham gia giao thông. Thường xuyên phối hợp với Hội cha, mẹ học sinh tuyên truyền thực hiện pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành quy tắc an toàn giao thông.

4.5. Sở Tư pháp:
- Tham mưu Hội đồng Phối hợp công tác Phổ biến giáo dục Pháp luật: Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông năm 2014. Hướng dẫn các Sở, Ban, ngành truyên truyền Luật giao thông đường bộ 2008, Luật giao thông đường thủy nội địa và các văn bản dưới Luật. Bổ sung Nghị định 171/2013/NĐ-CP vào tủ sách pháp luật tại các địa phương, đơn vị; phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tuyên truyền pháp luật giao thông xuống tới từng thôn, xóm, tổ dân phố. 
- Phối hợp cùng Hội đồng phối hợp công tác Phổ biến giáo dục Pháp luật cấp tỉnh kiểm tra công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông của các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong năm 2014.

4.6. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:
- Thường xuyên quán triệt, tuyên truyền và thực hiện nghiêm pháp luật về trật tự an toàn giao thông; duy trì và thực hiện nghiêm túc cuộc vận động 50 “Quản lý khai thác vũ khí trang thiết bị tốt, bền an toàn tiết kiệm và an toàn giao thông”.

4.7. Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch:
Chỉ đạo Nhà triển lãm thông tin tỉnh, Phòng Văn hoá thông tin các huyện, thành phố phối hợp với Ban An toàn giao thông các cấp xây dựng kế hoạch triển khai tuyên truyền bằng panô, áp phích, tờ rơi, khẩu hiệu, tổ chức triển lãm hình ảnh an toàn giao thông tại trung tâm các huyện, thành phố và các khu vực trọng điểm đông dân cư.

4.8. Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ:
Xây dựng kế hoạch phát động phong trào thi đua đảm bảo trật tự ATGT tới các ban, ngành, đơn vị và các địa phương trong tỉnh. Chỉ đạo, theo dõi và hướng dẫn các ban, ngành, các địa phương đưa tiêu chí an toàn giao thông là một trong các tiêu chí bình xét danh hiệu thi đua trong đó chú trọng trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Bổ sung kết quả công tác bảo đảm trật tự ATGT vào báo cáo thành tích khi đề nghị xét khen thưởng các danh hiệu cho tập thể, cá nhân.

4.9. Sở Công thương:
Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các phòng chức năng của Công an tỉnh, các huyện, thành phố quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu xe đạp điện, xe máy điện, mũ bảo hiểm.

4.10. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp với Toàn án nhân dân tỉnh đưa các vụ án về vi phạm trật tự an toàn giao thông gây tai nạn giao thông xét xử lưu động.

4.11. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Căn cứ kế hoạch chỉ đạo của Tỉnh, xây dựng kế hoạch hoạt động cho địa phương đơn vị mình. Chủ trì phối hợp với các ngành Công an, Giao thông vận tải, Tư pháp, Giáo dục đào tạo và các tổ chức chính trị xã hội trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông. Chỉ đạo 100% các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch, tăng cường các hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đồng thời thường xuyên đăng tin bài về chủ trương, chính sách của Nhà nước về trật tự an toàn giao thông; Luật giao thông, các Nghị định của Chính phủ về công tác ATGT. Đưa thông tin tên tuổi địa chỉ các trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ lên sóng phát thanh, truyền thanh. Tổ chức rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ần tai nạn giao thông trên các tuyến đường huyện, đường xã.

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày