Chủ nhật, 19/05/2024, 07:43[GMT+7]

Liên Bộ Tài chính và Công Thương hướng dẫn 10 nội dung chi cho hoạt động khuyến công

Thứ 4, 05/03/2014 | 15:07:15
973 lượt xem
Liên Bộ Tài chính, Công Thương vừa ban hành Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương; theo đó có 10 nội dung ưu tiên chi hoạt động khuyến công. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 8/4/2014.

Ảnh minh họa.

 

Cụ thể, các nội dung chi hoạt động khuyến công gồm:

 

Một là, chi đào tạo nghề, truyền nghề ngắn hạn, gắn lý thuyết với thực hành theo nhu cầu của các cơ sở công nghiệp để tạo việc làm và nâng cao tay nghề cho người lao động.

 

Hai là, chi hỗ trợ hoạt động tư vấn, tập huấn, đào tạo, hội thảo, diễn đàn; tham quan, khảo sát học tập kinh nghiệm trong nước, ngoài nước để nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp; chi hỗ trợ đào tạo khởi sự doanh nghiệp; chi hỗ trợ thành lập doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn;...

 

Ba là, chi hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn.

 

Bốn là, chi tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; chi tổ chức hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp nông thôn, hàng thủ công mỹ nghệ; chi hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm; chi hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu;...

 

Năm là, chi tư vấn: lập dự án đầu tư, marketing; quản lý sản xuất - tài chính - kế toán - nhân lực; thành lập doanh nghiệp; liên doanh; liên kết trong sản xuất kinh doanh; thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói; ứng dụng công nghệ - thiết bị mới; hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách đất đai, chính sách khoa học công nghệ, chính sách tài chính - tín dụng và các chính sách ưu đãi khác của Nhà nước.

 

Sáu là, chi xây dựng các chương trình truyền hình, truyền thanh; xuất bản các bản tin, ấn phẩm; xây dựng dữ liệu, trang thông tin điện tử; tờ rơi, tờ gấp và các hình thức thông tin đại chúng khác về phát triển công thương.

 

Bảy là, chi hỗ trợ liên doanh liên kết, hợp tác kinh tế, phát triển các cụm công nghiệp và di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

 

Tám là, chi hoạt động hợp tác quốc tế về khuyến công: xây dựng các chương trình, đề án, dự án hợp tác quốc tế về hoạt động khuyến công và sản xuất sạch hơn; trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác khuyến công, khuyến khích phát triển công nghiệp, quản lý cụm công nghiệp, sản xuất sạch hơn với các tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam thông qua hội nghị, hội thảo và diễn đàn;...

 

Chín là, chi nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công: chi xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác khuyến công; chi tổ chức tham quan khảo sát, học tập kinh nghiệm trong nước; chi hội thảo chuyên đề, hội nghị đánh giá tổng kết về hoạt động khuyến công;...

 

Mười là, các khoản chi khác phục vụ hoạt động khuyến công (nếu có).

 

Về nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động khuyến công, Thông tư nêu rõ: ngân sách Trung ương bảo đảm kinh phí cho các hoạt động khuyến công quốc gia do Bộ Công Thương quản lý, tổ chức thực hiện. Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí cho các hoạt động khuyến công địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quản lý, tổ chức thực hiện.

 

Ngoài các nguồn kinh phí nêu trên, Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác, lồng ghép các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia và các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác để thực hiện tốt mục tiêu của khuyến công.

Theo dangcongsan.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày