Chủ nhật, 28/07/2024, 19:22[GMT+7]

Thực hiện thủ tục hải quan điện tử cụ thể hóa phương châm "thuận lợi - tận tụy - chính xác "

Thứ 2, 08/11/2010 | 09:33:41
3,285 lượt xem
Ngày 25/ 11/ 2009, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 222 hướng dẫn thực hiện thí điểm thủ tục hải quan điện tử, Chi cục hải quan Thái Bình đã tích cực vào cuộc, chủ động xây dựng kế hoạch và chuẩn bị tốt các khâu để chính thức triển khai hải quan điện tử vào tháng 11 này.

Đồng chí Phạm Duy Việt - Chi cục trưởng chi cục Hải quan Thái Bình trả lời phỏng vấn. Ảnh: Phi Thành

Để làm rõ hơn về quá trình chuẩn bị và các tiện ích mà hải quan điện tử mạng lại cho các doanh nghiệp, phóng viên Báo Thái Bình đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Duy Việt- Chi cục trưởng Chi cục hải quan Thái Bình.

 

Phóng viên (P.V): Xin cảm ơn ông đã nhận trả lời phỏng vấn. Trước hết xin ông giới thiệu khái quát về Chi cục hải quan Thái Bình?

 

Chi cục trưởng: Chi cục hải quan Thái Bình là chi cục hải quan ngoài cửa khẩu, trực thuộc Cục hải quan thành phố Hải Phòng. Chi cục hải quan Thái Bình được thành lập từ tháng 9/ 1993 trên cơ sở tiếp nối truyền thống của Đội thuế gián thu Diêm Điền. Nhiệm vụ chủ yếu của Chi cục hải quan Thái Bình là thực hiện các quy định quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hoá xuất- nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất- nhập cảnh, quá cảnh qua cảng Diêm Điền; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế và thu khác đối với hàng hoá xuất- nhập khẩu và tham gia phòng chống buôn lậu ma tuý.

 

P.V: Thưa ông, việc triển khai thủ tục hải quan điện tử (HQĐT) đem lại lợi ích gì cho doanh nghiệp?

 

Chi cục trưởng: Khi thực hiện thủ tục HQĐT, lợi ích của doanh nghiệp được mở rộng hơn rất nhiều. Cụ thể là: Được khai hải quan tại bất kỳ địa điểm nào có máy tính kết nối mạng internet và được thông quan ngay đối với lô hàng thuộc diện được miễn kiểm tra hồ sơ giấy và miễn kiểm tra thực tế hàng hoá. Được sử dụng tờ khai điện tử từ hệ thống của doanh nghiệp, ký và đóng dấu của doanh nghiệp để đi nhận và làm chứng từ vận chuyển hàng hoá trên đường đối với các lô hàng thuộc diện được miễn kiểm tra hồ sơ giấy và miễn kiểm tra thực tế hàng hoá.

 

Doanh nghiệp có thể khai báo hải quan bất kỳ lúc nào và được cơ quan hải quan tiếp nhận khai báo trong giờ hành chính. Được quyền ưu tiên thứ tự kiểm tra đối với các lô hàng phải kiểm tra chi tiết hồ sơ hoặc kiểm tra thực tế hàng hoá. Được cơ quan hải quan cung cấp thông tin về quá trình xử lý hồ sơ hải quan điện tử thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Được cơ quan hải quan hỗ trợ đào tạo, cung cấp phần mềm khai báo HQĐT và tư vấn trực tiếp miễn phí. Được lựa chọn nộp lệ phí làm thủ tục hải quan cho từng tờ khai hoặc nộp lệ phí theo tháng.

 

Hồ sơ thanh khoản hợp đồng gia công và nhập nguyên liệu sản xuất xuất khẩu đơn giản, doanh nghiệp không phải nộp những chứng từ điện tử đã được lưu lại tại cơ quan hải quan như trong thủ tục hải quan truyền thống. Thông tin giữa hệ thống của hải quan và doanh nghiệp được quản lý đồng bộ trên máy tính tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, tìm kiếm thông tin. Doanh nghiệp có thể đăng ký thực hiện thủ tục HQĐT tại bất kỳ chi cục hải quan điện tử nào và được thực hiện thủ tục HQĐT trên toàn quốc. Giảm thời gian, chi phí làm thủ tục hải quan và sắp xếp thời gian đi nhận hàng và xuất hàng.

 

P.V: Thế còn với các doanh nghiệp chế xuất ưu tiên thì sao thưa ông?

  

Chi cục trưởng: Riêng với những doanh nghiệp chế xuất ưu tiên còn được hưởng thêm một số lợi ích khác như: Được khai hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài và xuất khẩu ra nước ngoài trên tờ khai điện tử rút gọn theo mẫu “Tờ khai điện tử rút gọn/ tờ khai điện tử tháng”. Được ưu tiên đăng ký định mức nguyên liệu, vật tư để sản xuất sản phẩm xuất khẩu đối với các nguyên liệu quản lý theo định mức. Được cơ quan hải quan thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tiếp nhận đăng ký, kiểm tra hải quan và chấp nhận ngay trên cơ sở tờ khai điện tử đơn giản, tờ khai tháng, định mức nguyên liệu, vật tư đăng ký.

 

Được ưu tiên kiểm tra hồ sơ hoặc kiểm tra thực tế hàng hoá tại trụ sở của doanh nghiệp hoặc tại địa điểm khác do doanh nghiệp đăng ký và được cơ quan hải quan chấp nhận. Được sử dụng Lệnh thông quan in ra từ hệ thống khai HQĐT theo mẫu phiếu giải phóng hàng hoá đã đăng ký với cơ quan hải quan (không cần đóng dấu, chữ ký của đại diện doanh nghiệp) đối với lô hàng đã được cơ quan hải quan chấp nhận thông quan. Được sử dụng hoá đơn in ra từ hệ thống, đóng dấu, ký tên của đại diện doanh nghiệp để thông quan hàng hoá trong trường hợp hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan gặp sự cố tạm dừng hoạt động.

  

P.V: Như vậy, theo ông tính vượt trội của thủ tục hải quan điện tử so với hải quan thông thường là gì?

  

Chi cục trưởng: Đó chính là ở phương thức thực hiện. Thủ tục hải quan thông thường yêu cầu doanh nghiệp phải đến khai báo tại cơ quan hải quan, quy trình đăng ký rườm rà, đi lại nhiều lần... Trong khi đó thủ tục HQĐT chỉ yêu cầu doanh nghiệp khai báo thông tin về hàng hoá xuất- nhập khẩu dưới dạng mã hoá vào hệ thống máy tính tại bất cứ địa điểm nào có kết nối internet. Doanh nghiệp cũng có thể khai báo hải quan bất kỳ thời điểm nào trong ngày thay vì chỉ có thể khai báo trong giờ hành chính như trước đây. Thời gian thông quan hàng hoá được rút ngắn trung bình xuống còn khoảng 10 phút và giảm chi phí cho việc đi lại. Đặc biệt do giảm tiếp xúc trực tiếp giữa công chức hải quan và người khai hải quan nên đây là cách chống tiêu cực hiệu quả nhất.

  

P.V: Trong quá trình triển khai thủ tục hải quan điện tử, cơ quan chức năng và doanh nghiệp đã gặp phải những khó khăn gì?

  

Chi cục trưởng: Khó khăn lớn nhất mà chúng tôi gặp phải là cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu; hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đồng bộ hoá. Đội ngũ cán bộ công chức của Chi cục còn thiếu về số lượng so với khối lượng công việc cần giải quyết; số cán bộ liên quan đến tin học của ngành hiện nay vừa thiếu lại vừa yếu, cán bộ chuyên sâu về mạng còn ít.

 

Nhiều doanh nghiệp vẫn quen với cách làm cũ và ngại đổi mới nên chưa mặn mà với việc khai HQĐT. Trình độ tin học của cán bộ doanh nghiệp làm công tác khai báo HQĐT còn hạn chế. Việc khai hải quan do bộ phận trung gian (nhân viên, người thân của chủ doanh nghiệp) trực tiếp đảm nhận nên khi triển khai HQĐT cũng ít nhiều ảnh hưởng đến quyền lợi của bộ phận trung gian này...

  

 P.V: Vậy chi cục đã làm gì để tháo gỡ khó khăn trên?

 

Chi cục trưởng: Thời gian qua Chi cục hải quan Thái Bình đã thực hiện triển khai thủ tục hải quan khai báo từ xa đối với hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có hoạt động xuất- nhập khẩu và bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp giảm đáng kể thời gian thông quan hàng hoá. Đây là bước đệm quan trọng để đơn vị triển khai HQĐT. Bên cạnh đó Chi cục đã quán triệt phổ biến nội dung các văn bản chỉ đạo của Tổng cục hải quan đến đối ngũ cán bộ, công chức trong toàn đơn vị. Niêm yết công khai các văn bản liên quan đến thủ tục HQĐT tại nơi làm thủ tục hải quan để các doanh nghiệp biết.

 

Phối hợp với Trung tâm dữ liệu và CNTT- Cục hải quan Hải Phòng tổ chức đào tạo, tập huấn sử dụng phần mềm thông quan điện tử, kỹ năng khai thác, vận hành, thực hiện tốt thủ tục HQĐT cho tất cả cán bộ, công chức và các doanh nghiệp có tham gia hoạt động xuất- nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Kiện toàn mô hình tổ chức bộ máy của chi cục, bổ sung cán bộ quản trị mạng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Thành lập tổ triển khai thủ tục HQĐT tại chi cục và nhóm tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp.

 

Đầu tư nâng cấp máy chủ, đường truyền có dung lượng lớn, lắp đặt và nâng cấp đường truyền mạng Wan từ chi cục đến Cục hải quan Hải Phòng. Cài đặt và kiểm tra chương trình phần mềm bảo đảm trên mỗi máy tính dùng được cả hai hệ thống cũ và mới. Cài đặt phần mềm và hướng dẫn sử dụng cho 15 doanh nghiệp có năng lực triển khai thủ tục HQĐT...

  

P.V: Xin chân thành cảm ơn ông!      

Vũ Mạnh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày