Thứ 7, 18/01/2025, 05:11[GMT+7]

Triển khai các biện pháp chủ động phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm

Thứ 3, 09/12/2014 | 08:31:53
1,247 lượt xem
Ngày 28 tháng 11 năm 2014, Ủy ban nhân dân tỉnh ra Công văn số 3613/UBND-NNTNMT về việc triển khai các biện pháp chủ động phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

Ảnh minh họa.

 

Toàn văn như sau:

 

Từ đầu năm đến nay, một số dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm và bệnh lây truyền từ động vật sang người đã rải rác xảy ra tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước, gây thiệt hại cho người chăn nuôi, đe dọa sức khỏe của nhân dân; đặc biệt tại Trung Quốc đã phát hiện nhiều chủng vi rút cúm gia cầm gồm: H5N1, H5N2, H5N3, H5N6, H5N8, H7N9 có khả năng lây nhiễm sang người, có nguy cơ lây lan vào nước ta. Trong nước, vi rút cúm H5N6 lần đầu tiên xuất hiện đã gây bệnh cho trên 8 nghìn con gia cầm; dịch lở mồm long móng đã xảy ra làm trên 2,3 nghìn con gia súc mắc bệnh. Trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay, mặc dù không phát sinh các dịch bệnh nguy hiểm nhưng các bệnh thông thường vẫn xảy ra, gây thiệt hại đáng kể cho người chăn nuôi và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh nguy hiểm; kết quả giám sát lưu hành vi rút cúm gia cầm từ đầu năm đến nay có 08 mẫu dương tính với cúm A/H5N1 và 01 mẫu dương tính với cúm A/H5N6. Trong khi đó, những tháng cuối năm, thời tiết diễn biến bất lợi làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, việc buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm gia tăng là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh động vật phát sinh, lây lan, nguy cơ phát sinh dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm thời gian tới là rất cao.

 

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 9102/BNN-TY ngày 11/11/2014 về việc triển khai các biện pháp chủ động phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện:

 

1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Chỉ thị số 05/CT- UBND ngày 21/02/2014 về phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở động vật và dịch cúm A (H7N9), cúm A (H5N1) ở người và Công văn số 466/UBND-NN ngày 03/3/2014 về tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

 

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thú y, các đơn vị trực thuộc phối hợp với các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra công tác tiêm phòng vắc-xin bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm tái đàn, gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng đợt đại trà vụ Thu Ðông năm 2014; tổ chức kiểm dịch động vật lưu động trên địa bàn tỉnh; thực hiện việc lấy mẫu giám sát sự lưu hành của các mầm bệnh nguy hiểm ở đàn gia súc, gia cầm để phát hiện dịch bệnh kịp thời và thực hiện báo cáo dịch bệnh theo quy định; xây dựng kế hoạch và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng thường xuyên môi trường chăn nuôi.

 

3. Công an tỉnh, Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải: Phối kết hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường các giải pháp quản lý, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu trái phép, động vật, sản phẩm động vật mang mầm bệnh, không rõ nguồn gốc; điều tra, truy xuất nguồn gốc, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi làm phát tán, lây lan dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, động vật thủy sản theo quy định.

 

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Ðài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình: Chủ động phối hợp với các cấp, ngành Nông nghiệp, ngành Y tế tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức với các nội dung: Tuyên tuyền, hướng dẫn các biện pháp phòng chống rét cho gia súc, gia cầm trong vụ Ðông Xuân 2014 - 2015, cách nhận biết và các biện pháp phòng chống dịch bệnh; biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và thực hành chăn nuôi tốt; quy trình khai báo sớm dịch bệnh nguy hiểm; biểu dương các điển hình tốt, phát hiện, phê phán kịp thời các địa phương, đơn vị, cá nhân chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch.

 

5. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng dự phòng ngân sách địa phương cho công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của tỉnh.

 

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

 

- Duy trì chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tiêm phòng vắc-xin bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm đến tuổi tiêm phòng, nuôi mới... theo hướng dẫn của cơ quan thú y;

 

 - Tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp gia súc, gia cầm có biểu hiện nghi mắc các bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm trong diện hẹp, không để lây lan ra diện rộng; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y giám sát sự lưu hành dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại các chợ buôn bán gia cầm sống, chợ thực phẩm;

 

- Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ; thành lập các đội kiểm tra lưu động thực hiện kiểm tra, kiểm soát công tác vận chuyển, thu mua, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh, nhất là các hành vi vi phạm quy định về kiểm dịch vận chuyển động vật và sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ làm lây lan dịch bệnh vào các địa phương trong tỉnh;

 

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có chợ bán gia cầm sống tổ chức ký cam kết với các hộ kinh doanh, buôn bán trên địa bàn các nội dung quy định về đăng ký kiểm dịch, khai báo rõ nguồn gốc gia cầm khi vận chuyển, buôn bán, kinh doanh,...  Nếu chủ hộ không xác định rõ nguồn gốc gia cầm, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật;

 

- Chủ động: Xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí dự phòng để ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn quản lý; sử dụng dự phòng ngân sách cấp huyện, xã phục vụ cho công tác phòng chống dịch cho gia súc, gia cầm (theo các Văn bản: Số 264/TTg-KTN ngày 25/02/2012 và số 145/TTg-KTN ngày 20/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ).

 

7. Các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội liên quan theo chức năng, nhiệm vụ đã được phân công trong kế hoạch phòng, chống dịch bệnh của tỉnh, phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch.

 

Nhận công văn này, yêu cầu các Giám đốc sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị, liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện.

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày