Chủ nhật, 04/08/2024, 07:17[GMT+7]

Tăng cường chỉ đạo việc thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021

Chủ nhật, 15/05/2016 | 17:02:53
1,451 lượt xem
LTS: Ngày 13 tháng 5 năm 2016, Ủy ban Bầu cử tỉnh ban hành Công văn số 106/UBBC-VP về việc tăng cường chỉ đạo việc thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Toàn văn như sau:

 

Thi hành Chỉ thị số 51-CT/TW ngày 4/1/2016 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 13/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội hóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, đến nay, việc tổ chức triển khai công tác bầu cử đã được các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở phối hợp đồng bộ, tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, bảo đảm đúng tiến độ quy định của pháp luật và Kế hoạch số 01/KH-UBBC ngày 3/2/2016 của Ủy ban Bầu cử tỉnh; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

 

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, Ủy ban Bầu cử tỉnh nhận thấy việc chuẩn bị cho công tác bầu cử vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: danh sách cử tri của một số địa phương chưa ghi đầy đủ các thông tin trong các cột, mục; không ghi rõ ngày, tháng, năm sinh của cử tri sinh năm 1998; việc niêm yết các tài liệu phải niêm yết chưa đầy đủ, chưa khoa học, không bảo đảm tuần tự và không ở các vị trí nổi bật, dễ quan sát để tại sự chú ý của cử tri; công tác tuyên truyền, kiểm tra về bầu cử tại các khu dân cư, khu vực bỏ phiếu thuộc các làng chài, vùng ven biển, vùng năm xa khu trung tâm của các xã còn chưa được thường xuyên, liên tục; tư tưởng chủ quan vẫn còn ở một số ít đơn vị...

 

Từ nay đến ngày bầu cử (22/5/2016), để tiếp tục tổ chức, thực hiện tốt nhiệm vụ trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hộ khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của dân; tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình; nhằm bảo đảm bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, không phải bầu lại và phấn đấu không phải bầu thêm, Ủy ban Bầu cử tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

 

1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử, tổ chức đa dạng các hình thức thông tin, tuyên truyền; tăng cường công tác tuyên truyền thông qua sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội. Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc nghiên cứu về tiểu sử tóm tắt, chương trình hành động của những người ứng cử; tuyên truyền về cách thức bỏ phiếu, nội quy phòng bỏ phiếu...; chú trọng tập trung làm tốt công tác tuyên truyền về bầu cử cho các cử tri thuộc các làng chài, vùng ven biển, các địa bàn khó khăn, phức tạp, các khu vực bỏ phiếu nằm cách xa khu trung tâm của các xã trong tỉnh.

 

2. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội chỉ đạo tổ chức tốt các cuộc mạn đàm, trao đổi về tiểu sử tóm tắt, chương trình hành động của những người ứng cử, chú trọng tổ chức tốt việc mạn đàm tại các tổ bầu cử để cử tri, các thành viên tổ bầu cử nắm rõ và lựa chọn những người tiêu biểu làm đại biểu của nhân dân ở Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

 

3. Chỉ đạo chặt chẽ ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tập trung rà soát danh sách cử tri, phát thẻ cử tri theo quy định của luật; kiểm tra, rà soát lại thật kỹ, bảo đảm không bị sai sót, nhầm lẫn; tránh tình trạng 1 cử tri được ghi tên vào 2 danh sách cử tri, nhất là cử tri nữ đã kết hôn với người khác thôn, khác xã nhưng chưa chuyển hộ khẩu, số người mất quyền bầu cử, học sinh, sinh viên nghỉ hè về địa phương, cử tri đi làm ăn xa; nội dung các cột mục trong sanh sách cử tri phải được ghi rõ ràng, chính xác, đầy đủ các thông tin.

 

Đối với cử tri sinh năm 1998 lần đầu đi bỏ phiếu bắt buộc phải ghi đầy đủ ngày, tháng, năm sinh trong danh sách cử tri và phải được kiểm tra, đối chiếu thông tin ngày, tháng, năm sinh của cử tri đó với các văn bản giấy khai sinh, chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu..., đồng thời ghi bổ sung ngày, tháng sinh vào danh sách cử đã được niêm yết (nếu trong danh sách chưa ghi ngày, tháng sinh); chỉ những công dân tính đến ngày bầu cử đủ 18 tuổi trở lên mới có quyền bầu cử và được ghi tên vào danh sách cử tri (công dân sinh từ ngày 22/5/1998 trở về trước). Tuyệt đối không để xảy ra trường hợp công dân chưa đủ 18 tuổi tính đến ngày bầu cử thực hiện quyền bầu cử. Việc xử lý các trường hợp cử tri đi bỏ phiếu nơi khác phải bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Luật Bầu cử và hướng dẫn của Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia tại Văn bản số 278/VPHĐBCQG-PL ngày 16/4/2016.

 

Chậm nhất đến 17 giờ ngày 21/5/2016, ủy ban bầu cử các huyện, thành phố phải báo cáo về Ủy ban Bầu cử tỉnh tổng số cử tri tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, cử tri tham gia bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

 

4. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thành viên Ủy ban Bầu cử tỉnh phụ trách công tác bầu cử các huyện, thành phố, thành viên Tổ chuyên viên giúp việc Ủy ban Bầu cử tình, thành viên Ban Chỉ đạo bầu cử, thành viên ủy ban bầu cử cấp huyện, cấp xã, thành viên các tổ chức phụ trách bầu cử và cán bộ được trưng tập làm công tác bầu cử ở các cấp tăng cường công tác kiểm tra theo kế hoạch kiểm tra của ủy ban bầu cử các cấp, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát một cách thường xuyên, liên tục, đặc biệt chú trọng kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại các khu vực bỏ phiếu thuộc địa bàn khó khăn, phức tạp, vùng xa khu trung tâm của các xã; khắc phục ngay tư tưởng chủ quan trong chỉ đạo về bầu cử ở một số cơ sở; chủ động nắm địa bàn để phát hiện và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh liên quan đến công tác bầu cử, đặc biệt kiểm tra kỳ và hoàn tất trước ngày bầu cử các công việc:

 

- Kiểm tra và chỉ đạo thực hiện việc niêm yết các loại tài liệu phải niêm yết như: thông báo thành lập các ban bầu cử, danh sách cử tri, danh sách những người ứng cử, tiểu sử tóm tắt... phải bảo đảm đầy đủ, khoa học, đúng tuần tự, tại các vị trí thuận lợi, có chỉ dẫn và tạo điểm nhấn nhằm thu hút sự chú ý của cử tri khi nghiên cứu tài liệu, đặc biệt là lựa chọn đại biểu trước khi viết phiếu bầu.

 

- Kiểm tra lại toàn bộ hòm phiếu, mỗi tổ bầu cử có hòm phiếu chính và hòm phiếu phụ (mặt trước dán Quốc huy, có chữ Hòm phiếu, băng niêm phong...), đủ các loại dấu của tổ bầu cử (dấu tổ bầu cử và dấu đã bỏ phiếu), hộp mực dấu, các loại văn phòng phẩm (bút, thước kẻ...), các loại tài liệu (các loại biên bản, biểu mẫu thống kê, nội quy phòng bỏ phiếu, diễn văn khai mạc, phù hiệu...) để tổ bầu cử làm nhiệm vụ;

 

- Kiểm tra lại phiếu bầu cử, bảo đảm đúng số lượng cho mỗi cử tri đi bầu theo danh sách và có đủ số phiếu dự phòng theo quy định; khi nhận phiếu bầu cử phải kiểm tra lại các thông tin: số khóa của Hội đồng nhân dân, đối chiếu các thông tin giữa danh sách, tiểu sử tóm tắt của người ứng cử với phiếu bầu: màu phiếu bầu từng cấp; họ và tên, giới tính (nam ghi ông, nữ ghi bà), thứ tự người ứng cử trên danh sách và phiếu bầu phải trùng khớp. Đóng dấu Tổ bầu cử vào phía trên bên trái của từng tờ phiếu (không được đóng nhầm dấu của Ban bầu cử, đóng ngược dấu). Khi giao nhận phiếu bầu phải kiểm tra kỹ để bảo đảm chính xác, không nhầm lẫn phiếu bầu giữa các đơn vị bầu cử.

 

Từ 1 đến 2 ngày trước ngày bầu cử, các cấp chính quyền cùng với các tổ chức phụ trách bầu cử tiến hành kiểm tra thật cụ thể các công việc chuẩn bị nói trên (lần cuối) và hoàn thành việc trang trí phòng bỏ phiếu, nếu việc chuẩn bị ở khâu nào chưa hoàn tất, bằng mọi biện pháp phải hoàn chỉnh.

 

5. Trong ngày bầu cử (22/5/2016), các thành viên tổ chức phụ trách bầu cử nêu cao tinh thần trách nhiệm, tuyệt đối tuân thủ pháp luật, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; chủ động, chuẩn bị mọi phương án kịp thời xử lý linh hoạt các tình huống phát sinh, bảo đảm ổn định, đúng luật, đúng quy định để cuộc bầu cử được liên tục, không bị gián đoạn. Ủy ban bầu cử các cấp cần quan tâm chỉ đạo và có kế hoạch cấp kinh phí, chế độ kịp thời cho các tổ bầu cử theo định mức quy định để động viên các thành viên làm nhiệm vụ ở các tổ bầu cử.

 

6. Triển khai, kiểm tra, đánh giá, bảo đảm tốt nhất các phương án phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn, có phương án dự phòng các thiết bị chiếu sáng, máy phát điện... phục vụ cho các tổ bầu cử kiểm phiếu sau khi kết thúc bỏ phiếu; xây dựng phương án đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử, nắm chắc địa bàn, đặc biệt chú ý những địa bàn có vấn đề phức tạp để có biện pháp xử lý kịp thời, trong đó:

 

- Công an tỉnh tăng cường lực lượng để bảo đảm an ninh trật tự tại các khu vực bỏ phiếu, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, các hành vi và thủ đoạn nhằm phá hoại cuộc bầu cử;

 

- Sở Giao thông Vận tải tăng cường các biện pháp bảo đảm giao thông;

 

- Sở Thông tin và Truyền thông có kế hoạch và chủ động thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm hệ thống thông tin, liên lạc thuận lợi, thông suốt;

 

- Công ty Điện lực Thái Bình có trách nhiệm bảo đảm hệ thống mạng lưới điện ổn định, liên tục 24/24 giờ trong phạm vi toàn tỉnh của các ngày từ ngày 20/5 đến ngày 27/5/2016.

 

7. Thực hiện tốt kế hoạch tổng hợp kết quả bầu cử và quy định về chế độ thông tin, báo cáo trước, trong và sau ngày bầu cử theo kế hoạch và quy định của Ủy ban Bầu cử tỉnh.

 

8. Tiếp tục phát động và chỉ đạo thực hiện tốt phong trào thi đua lập thành tích chào mừng cuộc bầu cử, đồng thời cần có cơ chế để khuyến khích các địa phương, cơ sở, tổ bầu cử tổ chức các phong trào thi đua phù hợp và hiệu quả. Trước ngày bầu cử tổ chức làm vệ sinh môi trường sạch sẽ, nhất là ở các khu vực bỏ phiếu...

 

9. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần tăng cường các biện pháp để vận động cử tri, đoàn viên, hội viên hăng hái đi bỏ phiếu, bầu đủ số lượng, bầu được người tiêu biểu có đức, có tài để ngày 22/5/2016 thực sự là ngày hội của toàn dân.

 

Nhận văn bản này, yêu cầu ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, ủy ban bầu cử các cấp, các tổ chức phụ trách bầu cử, các ban, ngành, cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện; trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Văn phòng Ủy ban Bầu cử tỉnh (Sở Nội vụ) để tổng hợp báo cáo Ủy ban Bầu cử tỉnh xem xét, giải quyết.

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày