Thứ 2, 29/07/2024, 01:28[GMT+7]

19 nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021 (Tiếp theo)

Chủ nhật, 07/01/2018 | 16:41:21
885 lượt xem

Lễ hội chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư).

NGHỊ QUYẾT QUY ĐỊNH NỘI DUNG, MỨC CHI BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT, PHẢN BIỆN XÃ HỘI CỦA ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM VÀ CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

KHÓA XVI KỲ HỌP THỨ NĂM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Thông tư số 337/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Xét Tờ trình số 202/TTr-UBND ngày 13 tháng 11 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quy định nội dung, mức chi bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Bình; Báo cáo thẩm tra số 47/BC-KTNS ngày 05 tháng 12 năm 2017 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quy định nội dung, mức chi bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Bình như sau:

1. Chi công tác phí cho các đoàn công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, khảo sát những vấn đề có liên quan phục vụ hoạt động giám sát, phản biện xã hội:  Thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 09/2017/NQ-HĐND ngày 14 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị;

2. Chi tổ chức hội nghị:

a) Thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 09/2017/NQ-HĐND ngày 14 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị;

b) Đối với hội nghị đối thoại, tọa đàm, hội thảo, ngoài các khoản chi theo quy định tại Nghị quyết số 09/2017/NQ-HĐND được chi một số khoản sau:

- Chủ trì cuộc họp: Cấp tỉnh, cấp huyện 120.000 đồng/người/cuộc họp; cấp xã 100.000 đồng/người/cuộc họp;

- Thành viên tham dự cuộc họp: Do cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức 100.000 đồng/người/cuộc họp; do cấp xã tổ chức 70.000 đồng/người/cuộc họp;

- Chi báo cáo tham luận theo đơn đặt hàng: Hội nghị ở cấp tỉnh 200.000 đồng/bài viết; cấp huyện, cấp xã 100.000 đồng/bài viết.

3. Chi thuê chuyên gia thẩm định, chuyên gia tư vấn độc lập trong trường hợp nội dung giám sát, phản biện xã hội thuộc lĩnh vực chuyên môn phức tạp.

a) Đối tượng áp dụng: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh.

b) Số lượng thuê chuyên gia: Không quá 05 chuyên gia;

c) Mức chi: 1.000.000 đồng/01 báo cáo kết quả thẩm định hoặc tư vấn.

4. Chi bồi dưỡng thành viên tham gia đoàn giám sát, phản biện xã hội ngoài chế độ thanh toán công tác phí theo quy định tại Nghị quyết số 09/2017/NQ-HĐND ngày 14 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị:

Thành viên chính thức của đoàn giám sát: 100.000 đồng/người/ngày; các thành viên khác: 70.000 đồng/người/ngày.

5. Chi Xây dựng báo cáo kết quả giám sát, phản biện xã hội, văn bản kiến nghị (báo cáo theo định kỳ, báo cáo kết quả giám sát, phản biện xã hội theo chuyên đề được giao; tính cho sản phẩm cuối cùng, bao gồm cả tiếp thu, chỉnh lý):

a) Cấp tỉnh: 2.000.000 đồng/01 báo cáo hoặc văn bản;

b) Cấp huyện: 1.000.000 đồng/01 báo cáo hoặc văn bản;

c) Cấp xã: 500.000 đồng/01 báo cáo hoặc văn bản.

6. Các khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội: Trong phạm vi kinh phí phục vụ công tác giám sát, phản biện xã hội được cơ quan có thẩm quyền giao, căn cứ tình hình thực tế triển khai công việc, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định việc chi tiêu cho các nội dung công việc thực tế phát sinh, đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành và đảm bảo tiết kiệm hiệu quả.

Điều 2. Nguồn kinh phí để thực hiện

1. Ngân sách các cấp cân đối trong dự toán của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.

2. Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết.

Điều 4. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân tỉnh Thái Bình Khóa XVI, Kỳ họp thứ năm thông qua ngày 8 tháng 12 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2018.

NGHỊ QUYẾT PHÊ DUYỆT DANH MỤC DỰ ÁN CẦN THU HỒI ĐẤT ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÌ LỢI ÍCH QUỐC GIA, CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH NĂM 2018

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
KHÓA XVI KỲ HỌP THỨ NĂM


Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai;
Căn cứ Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6 tháng 1 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Xét Tờ trình số 225/TTr-UBND ngày 28 tháng 11 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt danh mục dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2018; Báo cáo thẩm tra số 47/BC-KTNS ngày 5 tháng 12 năm 2017 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.


QUYẾT NGHỊ:


Điều 1. Phê duyệt danh mục 2.623 dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2018; diện tích đất cần thu hồi là 5.737,1 ha (có danh mục chi tiết dự án cần thu hồi đất kèm theo).


Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết.


Điều 3.
Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình Khóa XVI, Kỳ họp thứ năm thông qua ngày 8 tháng 12 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 18 tháng 12 năm 2017.

NGHỊ QUYẾT PHÊ DUYỆT VIỆC CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG ĐẤT TRỒNG LÚA, ĐẤT RỪNG PHÒNG HỘ ĐỂ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH NĂM 2018


HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
KHÓA XVI KỲ HỌP THỨ NĂM


Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6 tháng 1 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Xét Tờ trình số 226/TTr-UBND ngày 28 tháng 11 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2018; Báo cáo thẩm tra số 47/BC-KTNS ngày 5 tháng 12 năm 2017 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.


QUYẾT NGHỊ:


Điều 1.
Phê duyệt việc chuyển mục đích sử dụng 1.229,07ha đất (đất trồng lúa 1.225,50ha, đất rừng phòng hộ 3,57ha) để thực hiện 1.182 dự án trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2018 (có danh mục chi tiết các dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ kèm theo).


Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết.


Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVI, kỳ họp thứ năm thông qua ngày 8 tháng 12 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 18 tháng 12 năm 2017.

NGHỊ QUYẾT CHẤP THUẬN CHỦ TRƯƠNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG CỦA DỰ ÁN NÂNG BÃI ỔN ĐỊNH ĐÊ BIỂN SỐ 8 TỪ KM 26 + 700 ĐẾN KM 31 + 700 HUYỆN THÁI THỤY KẾT HỢP TẠO MẶT BẰNG ĐỂ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP - DỊCH VỤ 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
KHÓA XVI KỲ HỌP THỨ NĂM


Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đất đai năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 47/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất;
Xét Tờ trình số 224/TTr-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc chấp thuận chủ trương triển khai thực hiện Đề án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của Dự án Nâng bãi ổn định đê biển số 8 từ km 26+700 đến km 31+700 huyện Thái Thụy kết hợp tạo mặt bằng để phát triển công nghiệp - dịch vụ; Báo cáo thẩm tra số 47/BC-KTNS ngày 5 tháng 12 năm 2017 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp,


QUYẾT NGHỊ:


Điều 1. Chấp thuận chủ trương triển khai thực hiện Đề án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của Dự án Nâng bãi ổn định đê biển số 8 từ km 26+700 đến km 31+700 huyện Thái Thụy kết hợp tạo mặt bằng để phát triển công nghiệp - dịch vụ, với các nội dung sau:
1. Tên Đề án: Bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng Dự án Nâng bãi ổn định đê biển số 8 từ km 26 +700 đến km 31+700 huyện Thái Thụy kết hợp tạo mặt bằng để phát triển công nghiệp - dịch vụ.

2. Nguyên tắc chỉ đạo:
- Việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng phải tuân thủ theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước;
- Bảo đảm đúng và đầy đủ các quyền lợi hợp pháp của các đối tượng bị thu hồi đất khi thực hiện giải phóng mặt bằng;

- Thông qua cơ chế bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để tạo sự đồng thuận của người dân khi thực hiện thu hồi đất; đồng thời tạo điều kiện, cơ hội việc làm và thu nhập ổn định cho các đối tượng bị ảnh hưởng.

3. Mục tiêu của Đề án: Lập phương án bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất nuôi trồng thủy sản ven biển để xây dựng chính sách đặc thù trong giải phóng mặt bằng Dự án Nâng bãi ổn định đê biển số 8 huyện Thái Thụy để  tạo quỹ đất phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ trên diện tích bãi triều của 2 xã Thụy Xuân, Thụy Hải, tạo điều kiện ổn định đời sống, việc làm cho các đối tượng bị thu hồi đất.

4. Nội dung chính của Đề án: Dự án sẽ thu hồi 151,76ha đất nuôi trồng thủy sản của 355 hộ dân xã Thụy Xuân và xã Thụy Hải (Thụy Xuân 57 hộ, Thụy Hải 298 hộ) và liên quan đến việc làm của 869 lao động (Thụy Xuân       164 người, Thụy Hải 705 người).

5. Đối tượng, kinh phí bồi thường hỗ trợ Kinh phí để thực hiện Đề án: Dự kiến khoảng 199,1 tỷ đồng với đối tượng hỗ trợ và các khoản chi phí cụ thể như sau:

a) Đối tượng, kinh phí bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành khi nhà nước thu hồi 151,76ha đất nuôi trồng thủy sản của 355 hộ dân xã Thụy Xuân và xã Thụy Hải khoảng 137 tỷ đồng, bao gồm:
- Chi phí bồi thường công trình giao thông, thủy lợi và công trình khác: 97,8 tỷ đồng;
- Chi phí bồi thường tài sản trên đất: 18,8 tỷ đồng;
- Chi phí bồi thường vật nuôi thủy sản: 20,2 tỷ đồng;
- Chi phí hoàn trả lại tiền thuê đất còn lại của 15 hộ (7 năm) đối với 9ha: 0,2 tỷ đồng.

b) Đối tượng, kinh phí hỗ trợ khác khi nhà nước thu hồi 151,76ha đất nuôi trồng thủy sản của 355 hộ dân xã Thụy Xuân và xã Thụy Hải khoảng 39,2 tỷ đồng, bao gồm:
- Hỗ trợ gạo ổn định đời sống và sản xuất: 5,7 tỷ đồng;
- Hỗ trợ đào tạo: 7,4 tỷ đồng;
- Hỗ trợ Bảo hiểm y tế: 3,6 tỷ đồng;
- Hỗ trợ 20% tài sản trên đất đối với 340 hộ đã hết thời hạn thuê đất: 4,5 tỷ đồng;
- Hỗ trợ 50% vật nuôi là thủy sản đối với 340 hộ đã hết thời hạn thuê đất: 18 tỷ đồng.  

c) Kinh phí tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng: Khoảng 5,3 tỷ đồng;

d) Kinh phí dự phòng: Khoảng 17,6 tỷ đồng.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc tổ chức triển khai, thực hiện  Nghị quyết.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tham gia giám sát và động viên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVI, kỳ họp thứ năm thông qua ngày 8 tháng 12 năm 2017.

NGHỊ QUYẾT QUY ĐỊNH MỨC KINH PHÍ HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN THANH TRA NHÂN DÂN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
KHÓA XVI KỲ HỌP THỨ NĂM


Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Thông tư số 63/2017/TT-BTC ngày 19 tháng 6 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân;
Xét Tờ trình số 200/TTr-UBND ngày 9 tháng 11 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quy định mức kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn; Báo cáo thẩm tra số 47/BC-KTNS ngày 5 tháng 12 năm 2017 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quy định mức kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thái Bình như sau: Mức hỗ trợ 06 triệu đồng/Ban/năm (Trong đó: Hỗ trợ thêm 04 triệu đồng/Ban/năm ngoài mức hỗ trợ đã được kết cấu trong định mức phân bổ chi thường xuyên hoạt động quản lý hành chính nhà nước cấp xã theo ý b1 Điểm b Khoản 10 Mục D Phần II Phụ lục kèm theo Nghị quyết số 47/2016/NQ-HĐND ngày 13 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017 các cấp ngân sách của chính quyền địa phương).

Nguồn kinh phí thực hiện: Cân đối trong dự toán chi ngân sách cấp xã theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân tỉnh Thái Bình Khóa XVI, Kỳ họp thứ năm thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

NGHỊ QUYẾT THÔNG QUA VIỆC ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TỈNH THÁI BÌNH ĐẾN NĂM 2020 ĐÃ ĐƯỢC PHÊ DUYỆT TẠI NGHỊ QUYẾT SỐ 31/2011/NQ - HĐND NGÀY 14 THÁNG 12 NĂM 2011 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
KHÓA XVI KỲ HỌP THỨ NĂM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Nhà ở ngày 25 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở;
Căn cứ Thông tư số 19/2016/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Luật nhà ở và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở;
Xét Tờ trình số 233/TTr-UBND ngày 1 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về việc thông qua “Điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thái Bình đến năm 2020 đã được phê duyệt tại Nghị quyết số 31/2011/NQ-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh”; Báo cáo thẩm tra số 47/BC-KTNS ngày 5 tháng 12 năm 2017 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua việc điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thái Bình đến năm 2020 đã được phê duyệt tại Nghị quyết số 31/2011/NQ-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh, cụ thể như sau:
1. Điều chỉnh tên gọi “Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thái Bình đến năm 2020” thành: “Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.”

2. Điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2011 - 2020 đã phê duyệt tại Nghị quyết số 31/2011/NQ-HĐND, ngày 14 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành “Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”, với các chỉ tiêu được điều chỉnh, bổ sung như sau:

a) Diện tích nhà ở bình quân đến năm 2020, định hướng đến năm 2025

(Đơn vị tính: m²/người)

Khu vực
Diện tích nhà ở bình quân đến năm 2020 (theo NQ số 31/2011/NQ-HĐND ngày 14/12/2011)
Điều chỉnh diện tích nhà ở bình quân đến năm 2020
Định hướng diện tích nhà ở bình quân đến năm 2025
Toàn tỉnh
25,0
28,1
33,1
Đô thị
29,0
31,8
37,2
Nông thôn
22,0
26,5
31,3


c) Diện tích tăng thêm của các loại hình nhà ở:
- Đến năm 2020: Tổng diện tích các loại nhà ở trên địa bàn toàn tỉnh tăng thêm là: (59.131.720 - 43.508.638) = 15.623.082m2;
- Định hướng đến năm 2025 (từ năm 2021 đến năm 2025): Tổng diện tích các loại nhà ở trên địa bàn toàn tỉnh tăng thêm là:
(76.329.474 - 59.131.720) = 17.197.754m2.
(Chi tiết tại Phụ lục 01 kèm theo)

d) Quỹ đất tăng thêm
- Đến năm 2020: Tổng diện tích đất thực hiện dự án phát triển nhà ở trên địa bàn toàn tỉnh là: 5.935ha (làm tròn), trong đó: Đô thị 2.007,44ha, nông thôn 3.927,12ha.
- Đến năm 2025 (từ năm 2021 đến năm 2025): Tổng diện tích đất thực hiện dự án phát triển nhà ở trên địa bàn toàn tỉnh là: 6.771ha (làm tròn), trong đó:  Đô thị 2.290,38ha, nông thôn 4.480,63ha.
(Chi tiết tại Phụ lục 02 kèm theo)

đ) Nhu cầu về nguồn vốn phát triển nhà ở
- Đến năm 2020, dự kiến vốn đầu tư xây dựng các loại nhà ở của toàn tỉnh  là 136.551 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến nguồn vốn như sau:
Vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công là 712,3 tỷ đồng.
Vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo là 11,8 tỷ đồng;
Còn lại là vốn xã hội hóa của doanh nghiệp và người dân.
- Đến năm 2025, dự kiến vốn đầu tư xây dựng các loại nhà ở của toàn tỉnh  là 151.152 tỷ đồng. Do giai đoạn này chưa có chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng theo chương trình mục tiêu nên chưa tính đến vốn ngân sách.

e) Chỉ tiêu phát triển nhà ở của các đơn vị hành chính đến năm 2020 định hướng đến năm 2025.
(Chi tiết tại Phụ lục 03 kèm theo)

g) Các chỉ tiêu khác: Thực hiện theo Chương trình phát triển nhà ở được  phê duyệt tại Nghị quyết số 31/2011/NQ-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

3. Định hướng và các giải pháp chủ yếu

a) Định hướng phát triển nhà ở
Định hướng phát triển nhà ở theo thứ tự ưu tiên: Thành phố Thái Bình là đô thị trung tâm toàn vùng; các đô thị được quy hoạch đô thị loại IV, các đô thị thuộc vùng quy hoạch phát triển khu công nghiệp và khu kinh tế, đô thị trung tâm cấp huyện và nhà ở tại khu vực nông thôn.
- Đối với thành phố Thái Bình là đô thị trung tâm toàn vùng, định hướng xây dựng mới một số khu nhà ở thương mại cao tầng kết hợp nhà ở thấp tầng tạo điểm nhấn và định hướng chi tiết cho phát triển không gian đô thị chung. Thực hiện di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực đô thị.
- Đối với các khu đô thị thuộc vùng quy hoạch phát triển khu công nghiệp và khu kinh tế định hướng phát triển nhà ở thương mại thấp tầng với hạ tầng đồng bộ đi kèm nhà ở xã hội cho lực lượng lao động dịch chuyển và nhà ở xã hội cho công nhân thuê.
- Đối với thị trấn Diêm Điền và khu du lịch Đồng Châu, Cồn Vành có tính chất chuyên ngành là đô thị công nghiệp, thương mại, dịch vụ, vận tải, hàng hải, du lịch sinh thái cảnh quan và các ngành kinh tế thu lợi từ biển. Định hướng phát triển nhà ở khu vực này phát triển các dự án nhà ở thấp tầng, nhà ở kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
- Đối với các khu đô thị khác thực hiện theo quy hoạch vùng tỉnh, Chương trình phát triển đô thị và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

b) Các giải pháp chủ yếu
Tiếp tục thực hiện các giải pháp đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 31/2011/NQ-HĐND, ngoài ra cần tăng cường các giải pháp sau:
* Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách: Ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nhà ở thương mại và nhà ở xã hội theo quy định của Nhà nước.
* Giải pháp về đất ở:
- Dành quỹ đất cho việc phát triển nhà ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng được phê duyệt, bảo đảm quỹ đất, quỹ nhà ở để bố trí tái định cư phục vụ cho nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị.
- Quỹ đất phát triển nhà ở xã hội do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt gắn với quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch sử dụng đất của địa phương.
* Giải pháp về quy hoạch kiến trúc:
- Về quy hoạch xây dựng:
Đẩy nhanh việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, đảm bảo quy hoạch đi trước một bước, phát triển nhà ở đô thị, điểm dân cư nông thôn một cách hài hòa, kết hợp hiện đại và truyền thống trên cơ sở quy hoạch chung được phê duyệt.
Đối với khu vực quy hoạch phát triển đô thị chú trọng phát triển nhà ở theo dự án, bảo đảm việc phát triển nhà ở được xây dựng đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Tại các điểm dân cư nông thôn: Từng bước thực hiện phát triển nhà ở theo quy hoạch; hình thành các điểm dân cư nông thôn có đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, đảm bảo phù hợp mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
- Về kiến trúc nhà ở:
Việc phát triển nhà ở tại các đô thị phải tuân thủ các quy định về thiết kế đô thị được phê duyệt và các quy định hiện hành về quản lý đô thị.
Đối với nhà ở nông thôn: Chú trọng kiến trúc truyền thống.
* Giải pháp về khoa học công nghệ:
 Khuyến khích áp dụng công nghệ xây dựng hiện đại và sử dụng các loại vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, vật liệu tái chế thích hợp, nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành nhà ở và rút ngắn thời gian xây dựng; lựa chọn mô hình nhà ở sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng.
* Giải pháp về vốn:
- Cân đối nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, nguồn thu từ giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất phát triển nhà ở.
- Các sở, ngành chức năng và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động đề xuất, trình cấp có thẩm quyền chấp thuận dự án phát triển nhà ở có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ để lựa chọn các nhà đầu tư thực hiện dự án.
- Chú trọng vận động và xây dựng kế hoạch hợp lý để huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư tham gia đầu tư xây dựng các tuyến hạ tầng kỹ thuật ở khu phố, khu dân cư.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVI, kỳ họp thứ năm thông qua ngày 8 tháng 12 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 18 tháng 12 năm 2017.

NGHỊ QUYẾT PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH THÁI BÌNH ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
KHÓA XVI KỲ HỌP THỨ NĂM


Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Du lịch số 44/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 1 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;
Xét Tờ trình số 229/TTr-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông qua Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra số 11/BC-HĐND ngày 04 tháng 12 năm 2017 của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển du lịch Thái Bình bảo đảm theo hướng bền vững, hiệu quả, chuyên nghiệp, chất lượng, có chiều sâu, có sức hấp dẫn cao để góp phần đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế khác và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển các sản phẩm đặc trưng, khai thác các lợi thế về truyền thống văn hóa, đặc điểm sinh thái địa phương.
- Phát triển du lịch Thái Bình đặt trong mối liên hệ chặt chẽ với du lịch các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, đặc biệt với các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình… để phát huy lợi thế về vị trí cũng như những giá trị đặc trưng về sản phẩm du lịch.
- Duy trì phát triển du lịch tâm linh để tăng cường thu hút khách du lịch nội địa; đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với văn minh lúa nước sông Hồng; mở rộng phát triển du lịch sinh thái biển để đa dạng hóa sản phẩm du lịch và tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế.
- Phát triển du lịch phải dựa trên sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, sự ủng hộ của cộng đồng để phát huy nội lực cho phát triển du lịch. Quá trình phát triển du lịch phải gắn liền với nâng cao nhận thức về du lịch trong tất cả các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư.  

2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu chung:
Phát triển du lịch đạt tốc độ nhanh, phấn đấu đến năm 2030, du lịch Thái Bình trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ; sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng về văn hóa, sinh thái và biển, có thương hiệu, mang bản sắc văn hóa của Thái Bình, thân thiện với môi trường.
2.2. Mục tiêu cụ thể:
2.2.1. Về phát triển ngành:
- Tăng cường thu hút khách du lịch, tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch.
- Tăng nhanh nguồn thu từ du lịch. Phấn đấu đến năm 2020 tổng thu từ du lịch của tỉnh Thái Bình đạt khoảng 866 tỷ đồng; năm 2025 đạt khoảng 1.985 tỷ đồng; năm 2030 đạt khoảng 3.366 tỷ đồng.
- Đảm bảo phát triển số lượng cơ sở lưu trú phù hợp nhu cầu từng giai đoạn đi đôi với đẩy nhanh nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú.
- Phát triển sản phẩm chất lượng cao đi đôi với đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
+ Đến năm 2025, hoàn chỉnh Khu di tích Đền thờ và Lăng mộ các vua Trần, Khu di tích Chùa Keo thành điểm du lịch quốc gia và một số khu, điểm du lịch quan trọng khác như: Khu du lịch cộng đồng nông nghiệp nông thôn gắn với văn minh lúa nước sông Hồng, Cồn Đen, Cồn Vành để làm động lực phát triển du lịch toàn tỉnh.
+ Đến năm 2030, hoàn chỉnh hệ thống sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái theo định hướng phát triển không gian du lịch, góp phần khẳng định thương hiệu du lịch Thái Bình.

2.2.2. Về văn hóa - xã hội:
- Góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa và cảnh quan.
- Tạo thêm nhiều việc làm, góp phần giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
- Góp phần nâng cao dân trí và đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân, đặc biệt đối với cộng đồng dân cư vùng nông thôn.
2.2.3. Về môi trường: Phát triển du lịch “xanh”, du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm; gắn hoạt động du lịch với mục tiêu gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, sinh thái và bảo vệ môi trường.
2.2.4. Về quốc phòng, an ninh: Gắn phát triển du lịch với mục tiêu đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, góp phần ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh, đặc biệt đối với vùng biển và ven biển.


3. Nội dung quy hoạch
3.1. Phát triển thị trường khách du lịch:  
- Thị trường khách du lịch nội địa: Khách nội địa được định hướng là thị trường trọng điểm.
- Thị trường khách du lịch quốc tế: Tiếp tục duy trì thị trường khách truyền thống: Tây Âu; Úc; Bắc Mỹ. Đẩy mạnh phát triển thị trường gần, như: Đông Bắc Á và ASEAN. Mở rộng khai thác thị trường mới như: Bắc Âu, Đông Âu, Nam Âu và Newzealand…


3.2. Phát triển sản phẩm du lịch:
3.2.1. Các dòng sản phẩm ưu tiên phát triển:
- Tham quan, nghiên cứu di tích lịch sử  - văn hóa kết hợp giáo dục, tri ân.
- Lễ hội, tâm linh.
- Du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa gắn với văn minh lúa nước sông Hồng.
- Du lịch tham quan làng nghề truyền thống gắn với văn hóa ẩm thực và các đặc sản tự nhiên.
-  Du lịch cuối tuần kết hợp sinh thái, nghỉ dưỡng, tắm biển.
- Các loại hình du lịch khác.
3.2.2. Các sản phẩm du lịch đặc trưng:
- Điểm du lịch Đền Trần (khu mộ các vua Trần), khai thác gắn với cụm di tích Đình - Đền - Bến Tượng, A Sào.
- Điểm du lịch Chùa Keo (tham quan nghiên cứu kiến trúc, nghệ thuật).
- Khu du lịch cộng đồng trải nghiệm nông nghiệp gắn với văn minh lúa nước sông Hồng.
- Khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ mát, tắm biển cuối tuần cồn Đen.
- Khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ mát, tắm biển cuối tuần cồn Vành.


3.3. Tổ chức không gian du lịch:
3.3.1. Hệ thống điểm du lịch:
- Các điểm du lịch quốc gia, vùng: Khu di tích Đền thờ và Lăng mộ các vua Trần, Chùa Keo.
- Các điểm du lịch địa phương.
3.3.2. Hệ thống khu du lịch:
- Khu du lịch cộng đồng trải nghiệm nông nghiệp nông thôn văn minh lúa nước sông Hồng.
- Khu du lịch sinh thái Cồn Vành.
- Khu du lịch sinh thái Cồn Đen.
- Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn Thụy Trường.
3.3.3. Tổ chức các tuyến du lịch :
- Tuyến du lịch nội tỉnh.
- Tuyến du lịch liên tỉnh (thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc).
Ngoài ra có thể phát triển tuyến du lịch Thái Bình - Hải Dương - Bắc Giang - các tỉnh vùng Trung du miền núi Bắc Bộ theo quốc lộ 37.
3.3.4.  Nhu cầu sử dụng đất quản lý tài nguyên phát triển du lịch: Nhu cầu sử dụng đất quản lý tài nguyên phát triển du lịch tỉnh Thái Bình được xác định là mức tối thiểu để đáp ứng yêu cầu phát triển các điểm du lịch quốc gia, điểm du lịch địa phương và các khu du lịch khác dựa trên tiêu chí được quy định tại Luật du lịch và khả năng phát triển thực tế của từng điểm, khu du lịch.


3.4. Đầu tư phát triển du lịch:
3.4.1. Tổng nhu cầu đầu tư và cơ cấu nguồn vốn:
- Nhu cầu đầu tư phát triển du lịch Thái Bình đến năm 2030 khoảng 8.080 tỷ đồng, trong đó từ nay đến năm 2025 khoảng 4.350 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn như sau:
+ Vốn ngân sách nhà nước (bao gồm cả ODA và trái phiếu Chính phủ): Khoảng 810 tỷ đồng (tương đương 10%); trong đó từ nay đến năm 2025 khoảng 450 tỷ đồng.
+ Khu vực tư nhân (kể cả FDI): Khoảng 7.270 tỷ đồng, tương đương 90%, trong đó giai đoạn từ nay đến năm 2025 khoảng 3.900 tỷ đồng.
- Phân kỳ đầu tư:
+ Giai đoạn từ nay đến năm 2020: Nhu cầu vốn khoảng 1.330 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 135 tỷ đồng.
+ Giai đoạn từ năm 2021 - 2025: Nhu cầu vốn khoảng 3.020 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 315 tỷ đồng.
+ Giai đoạn sau năm 2025: Nhu cầu vốn khoảng 3.730 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 360 tỷ đồng.
3.4.2. Các lĩnh vực ưu tiên đầu tư:
- Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.
- Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch.
- Đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch.
- Đầu tư cho công tác nghiên cứu, triển khai.
- Đầu tư xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Thái Bình.
- Đầu tư phát triển tài nguyên và bảo vệ môi trường du lịch.
3.4.3. Các khu vực tập trung đầu tư: Thành phố Thái Bình và phụ cận; không gian du lịch dải ven biển; huyện Hưng Hà; các trung tâm phụ trợ như thị trấn Diêm Điền, Đồng Châu...
3.5. Hợp tác liên kết phát triển du lịch:
- Liên kết phát triển sản phẩm du lịch.
- Liên kết quảng bá, xúc tiến du lịch.
- Liên kết đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch bền vững.
- Hợp tác giữa các hiệp hội ngành nghề du lịch của các địa phương.
4. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư 

5. Giải pháp thực hiện quy hoạch
5.1. Nhóm giải pháp về tổ chức quản lý.
5.2. Nhóm giải pháp về bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch đảm bảo phát triển du lịch bền vững.
5.3. Nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực.
5.4. Nhóm giải pháp về phát triển sản phẩm.
5.5. Nhóm giải pháp về xúc tiến, quảng bá.
5.6. Nhóm giải pháp về ứng dụng khoa học, công nghệ và hợp tác, liên kết phát triển du lịch.
5.7. Nhóm giải pháp về đầu tư, tài chính.


Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết.


Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVI, kỳ họp thứ năm thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 18 tháng 12 năm 2017.


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày