Thứ 5, 02/05/2024, 19:51[GMT+7]

Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và một số văn bản hướng dẫn thi hành (Phần 9)

Thứ 2, 30/03/2020 | 10:32:11
914 lượt xem

Ảnh minh họa.

Câu 57. Mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng được áp dụng đối với hành vi vi phạm nào về phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh?
Trả lời: 
Theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP thì mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (đối với cá nhân); mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng (đối với tổ chức) được áp dụng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Từ chối tiếp nhận người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
b) Không thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm bệnh đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Ngoài bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiếp nhận người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

Câu 58. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế bị xử phạt như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP thì cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế bị xử phạt như sau:
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân (phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức) đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải thực hiện việc cách ly y tế theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 2 dưới đây;
b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 dưới đây;
c) Không lập danh sách và theo dõi sức khỏe của những người tiếp xúc với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật;
d) Thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại địa điểm không đủ điều kiện thực hiện cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân (phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức) đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với hành vi quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1, Khoản 2 nêu trên.

Câu 59. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng được áp dụng đối với hành vi vi phạm nào về áp dụng biện pháp chống dịch?
Trả lời
: Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP thì phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với cá nhân (phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 600.000 đồng đối với tổ chức) đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế;
b) Không thông báo Ủy ban nhân dân và cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về các trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật.

Câu 60. Mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng được áp dụng đối với hành vi vi phạm nào về áp dụng biện pháp chống dịch?
Trả lời: 
Theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP thì mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân (phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức) đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch;
b) Không thực hiện hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch.
Ngoài bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi không thực hiện hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch.

 (còn nữa)

Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp Thái Bình 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày