Thứ 7, 20/04/2024, 20:57[GMT+7]

Quyết tâm, cụ thể, sáng tạo hơn trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội

Thứ 6, 10/04/2020 | 14:44:11
4,314 lượt xem
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó với dịch Covid-19 vào sáng ngày 10/4.

Các đồng chí: Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

Audio: 1004_thoia__quyet_tam_cu_the_sang_tao_hon__hnghi_truc_tuyen_mixdown.mp3

Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có các đồng chí: Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành và các huyện Tiền Hải, Thái Thụy.

Quý I/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên mặc dù đạt mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực nhưng GDP của Việt Nam chỉ đạt 3,82%, bằng hơn 1/2 so với kế hoạch đề ra, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019 và là mức thấp nhất từ năm 2014 đến nay. Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong đó hướng tới các đối tượng là các doanh nghiệp, người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng, từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện Chỉ thị số 11, đến nay, Chính phủ đã cho phép tăng chi khoảng 16.500 tỷ đồng để phòng, chống dịch, trong đó ngân sách trung ương đã trích từ quỹ dự phòng ra gần 2.700 tỷ đồng để bổ sung kinh phí phòng, chống dịch; các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với dư nợ gần 18.000 tỷ đồng, đồng thời tích cực triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường từ 0,5 - 3%/năm; các bộ, ngành chức năng cũng nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh như: gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19…

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài chính báo cáo các giải pháp về chính sách tài khóa, gia hạn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo các giải pháp về chính sách tiền tệ, lãi suất; lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19; lãnh đạo Bộ Công an báo cáo phương án bảo đảm an ninh trật tự trong bối cảnh dịch Covid-19. Đại diện các địa phương cũng phát biểu tham luận về các giải pháp đã triển khai thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội ứng phó với dịch Covid-19; đồng thời, cam kết sẽ cùng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nỗ lực phấn đấu để đạt được kết quả cao nhất trong phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong thời điểm hiện nay cả nước ta sẽ quyết tâm chống dịch, tiếp tục giãn khoảng cách xã hội một cách nghiêm túc theo đúng tinh thần của Chỉ thị số 16; cùng chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ để sớm đẩy lùi dịch Covid-19; tập trung sức lực hơn nữa, chấm dứt tình trạng trì trệ ở một số ngành, địa phương. Thủ tướng cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta trong quý I/2020 rất đáng khích lệ trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng vẫn còn quá thấp, do đó cần phải có quyết tâm, cụ thể, sáng tạo hơn trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội trên tinh thần biến nguy cơ thành thời cơ với những giải pháp mạnh mẽ trong từng ngành, từng lĩnh vực và từng địa phương; tích cực tìm kiếm thị trường mới, đổi mới cách làm, đẩy mạnh sản xuất ở tất cả các lĩnh vực đặc biệt là sản xuất công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp, cùng với xuất khẩu phải chú trọng hơn nữa thị trường trong nước; phải xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ, tích trữ hàng hóa; chú ý hơn nữa đến công tác đối ngoại; tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất; đổi mới hơn nữa công tác thông tin, truyền thông. 

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương xây dựng kịch bản đưa nền kinh tế phục hồi nhanh sau dịch; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp để đưa vào một số lĩnh vực của nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19; đồng thời, có văn bản trả lời các đề xuất, kiến nghị của các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp tạo cơ sở để triển khai thực hiện.

Minh Hương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày