Thứ 4, 08/05/2024, 23:54[GMT+7]

Kiến Xương chủ động phòng, chống thiên tai

Thứ 2, 04/05/2020 | 09:16:45
1,615 lượt xem
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, những năm qua, huyện Kiến Xương chủ động thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

Cống Dục Dương trên tuyến đê hữu Trà Lý thuộc địa phận xã Quốc Tuấn được xây mới trước mùa lũ, bão năm 2020.

Hàng năm, Kiến Xương đều kiểm tra, đánh giá về hiện trạng các công trình đê điều, thủy lợi trước mùa lũ, bão. Mùa lũ, bão năm nay hệ thống đê, kè, cống có nhiều công trình đã xuống cấp khó có thể chống đỡ với những trận bão to, gió lớn kết hợp triều cường. Xuất hiện nhiều đoạn đê xung yếu, nhiều đoạn mặt đê bê tông bị phá vỡ kết cấu xuống cấp nghiêm trọng, khi có lũ báo động 2 trở lên kéo dài, bão vào thời điểm triều cường, lũ, bão trùng hợp đê có khả năng xảy ra sạt trượt mái đê phía sông, mái đê phía đồng, thẩm lậu nước trong, nước đục, xuất hiện lỗ rò ở mái đê phía đồng... Nhiều địa phương còn để xảy ra tình trạng vi phạm Luật Đê điều như làm nhà, vượt thổ, xây các công trình phụ, nhà tạm lên mái đê không bảo đảm cho công tác phòng, chống thiên tai. Đặc biệt, hệ thống các cống dưới đê do huyện và Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình quản lý, vận hành đã lâu, có thân cống ngắn, thiếu thiết bị đóng mở, đã xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn phòng, chống lũ, bão. Một số cống nằm trên đê bối cũng xuống cấp nghiêm trọng, điển hình như cống Đạc Bảy, xã Trà Giang, cống ông Uân thuộc vùng đê bối Đại Thắng địa phận xã Hồng Tiến. Một số điếm gác nước xây dựng từ lâu đã xuống cấp không thể sử dụng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Trước thực trạng trên, huyện Kiến Xương đã chủ động xây dựng các phương án để ứng phó với mọi tình huống diễn biến của thời tiết theo phương châm “4 tại chỗ”. Ngay từ đầu tháng 4, huyện đã thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Tổ chức cắm cừ dự phòng các cống xung yếu dưới đê và tre vè cảnh báo, phân loại các trọng điểm xung yếu đê, kè, cống. Giao UBND các xã có trách nhiệm chuẩn bị các loại vật tư sẵn sàng huy động khi có lệnh sử dụng. Theo đó, giao chỉ tiêu các xã duyên giang chuẩn bị 27.450 cây tre, trên 54.000 chiếc bao tải; các xã nội đồng chuẩn bị hơn 30.000 cây tre, gần 60.000 bao tải. Ngoài số vật tư dự trữ trên, huyện cũng giao các xã huy động vật tư trong nhân dân, kể cả vật tư, thiết bị của các doanh nghiệp, cơ quan đóng trên địa bàn.

Bên cạnh đó, huyện Kiến Xương  yêu cầu các xã tăng cường bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi; chủ động kiểm tra, phân loại các trọng điểm đê, kè, cống, các công trình tiêu úng, công trình công cộng, từng hộ nhà dân xung yếu, có phương án di dân, chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ. Huy động nguồn lực của địa phương chủ động xử lý những sự cố đê điều, thủy lợi mới phát sinh đột xuất trước, trong mùa lũ, bão và tu bổ thêm các hạng mục cần thiết khác nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự cố có thể xảy ra. Đối với những công trình đang thi công cần tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành xong trước mùa lũ, bão và có phương án bảo đảm an toàn công trình khi lũ, bão xảy ra.

Thời điểm này, các địa phương đã kiện toàn ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, triển khai thực hiện rà soát, bổ sung các lực lượng xung kích, lực lượng tiếp vận, giao thông, y tế... Đến nay, nhiều xã đã đánh dấu tre, chuẩn bị bao tải, đất dự phòng cho các trọng điểm xung yếu. Điển hình như xã Hồng Tiến đã chủ động chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện phòng, chống lụt, bão gồm: 5.000 bao tải, trên 1.600 cây tre đánh dấu cùng với cuốc, xẻng, 2 xe tải, các xe thô sở khác và đất dự trữ. Thành lập lực lượng xung kích với khoảng 60 người, trong đó chủ yếu là đoàn thanh niên, dân quân tự vệ sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống; đồng thời củng cố, tu bổ một số công trình xuống cấp trước mùa mưa bão. Thời gian tới, địa phương rà soát và lên phương án di dời các hộ dân khi cần thiết và huy động lực lượng giải tỏa dòng chảy, tháo dỡ các vật cản trên sông như đăng đó, vó bè, bèo bồng...

Việc chuẩn bị sớm và đầy đủ mọi nguồn lực là yếu tố quan trọng trong  phòng, chống thiên tai ở Kiến Xương. Cùng với đó, huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phương châm “4 tại chỗ” để cán bộ và các tầng lớp nhân dân chủ động các phương án ứng phó, nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra.

Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày