Chủ nhật, 24/11/2024, 08:37[GMT+7]

Tình yêu Bác được trao truyền từ cha

Thứ 2, 11/05/2020 | 09:21:50
5,189 lượt xem
Trong tâm trí của mình, người họa sĩ nay đã ở tuổi “thất thập” vẫn còn nhớ như in giây phút trước lúc cha về cõi vĩnh hằng. Người cha già chỉ mong được một lần trong đời nhìn thấy bức vẽ Bác Hồ của chính con trai ông. Và hơn 40 năm sau, người con trai ấy đã hoàn thành tâm nguyện mở triển lãm tranh ghép gốm của riêng mình về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đó không chỉ là mong mỏi cả cuộc đời của riêng ông - họa sĩ Hoàng Công Tản dành cho cha mình mà còn là món quà dâng lên Bác kính yêu nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Người.

Niềm đam mê tranh ghép gốm

Bước vào căn nhà nhỏ của họa sĩ Hoàng Công Tản những ngày này, ai cũng đều cảm thấy như đang bước vào một triển lãm tranh thu nhỏ, mà trong đó, điều gây ấn tượng nhất là vẻ đẹp lấp lánh từ mỗi bức tranh. Không giống những thể loại tranh khác, những bức tranh ghép gốm với hàng nghìn mẩu men có độ bóng, dễ bắt sáng và lấp lánh như những vì sao, góp phần tôn lên sự tỏa sáng của bức chân dung. Họa sĩ Hoàng Công Tản thừa nhận đã “tự làm khó mình” với thể loại tranh ghép gốm khá kén người làm và còn xa lạ với công chúng, nhưng bởi niềm đam mê từ hơn 40 năm trước nên ông đã quyết định đi trên con đường không có “bạn đồng hành”.

Nhớ lại, họa sĩ Hoàng Công Tản vẫn không nguôi xúc động về những ngày quyết định thực hiện bộ tranh ghép gốm chân dung Bác Hồ. Năm 1992, ông quyết định nghỉ chế độ và sử dụng toàn bộ số tiền được chi trả cùng với số tiền vay mượn thêm từ người thân, bạn bè để đầu tư lò nung, máy cắt, men màu... Cuộc hành trình với niềm đam mê đã ấp ủ suốt 27 năm công tác của ông bắt đầu. Họa sĩ Hoàng Công Tản tâm sự, nghỉ công tác, cứ ngỡ đã qua “thời bận bịu”, vậy nhưng ông vẫn chưa một ngày được nghỉ ngơi đúng nghĩa. Bởi một khi đã dấn thân vào con đường sáng tác nghệ thuật vì đam mê thì nếu không miệt mài trong xưởng chế tác tranh, ông lại rong ruổi trên mọi nẻo đường để đi kiếm tìm những mảnh gốm với sắc màu hiếm có. Vất vả, bận mải là vậy nhưng niềm hạnh phúc đối với ông khi không chỉ có sự đồng hành từ gia đình mà còn từ những người xa lạ, chưa một lần quen biết. Trong đó có sự ủng hộ từ Công ty Gốm sứ Long Hầu đã giúp ông lựa chọn được những mảnh gốm phù hợp nhất cho từng bức tranh.

Họa sĩ Hoàng Công Tản thừa nhận, niềm đam mê với tranh ghép gốm khiến cho gian nhà lúc nào cũng bề bộn dù xưởng chế tác đã chiếm tới quá nửa diện tích căn nhà. Chỗ này là những mảnh gốm đang ghép dở, chỗ kia là ít bột pha màu, chỗ khác nữa lại ngổn ngang bản phác thảo... Với ông, một bức tranh khi đã bắt tay vào thực hiện thì ông sẽ làm ngày làm đêm, mày mò nghiên cứu những mảnh gốm với sắc màu chính xác nhất, ấn tượng nhất bởi cái khó của thể loại tranh này là nếu dùng sai tông màu chỉ cần ở một chi tiết là có thể ảnh hưởng đến cả tổng thể, thất bại trong quá trình thực hiện rất dễ xảy ra. Những ngày dài triền miên làm việc từ sáng sớm tới thâu đêm, có đợt nhiều tháng trời, ông phải vào bệnh viện để theo dõi sức khỏe.

Họa sĩ Hoàng Công Tản trong xưởng chế tác tranh.

Tâm huyết cả cuộc đời với những bức tranh về Bác

Dù đã có hàng trăm tác phẩm nghệ thuật được các họa sĩ nổi tiếng sáng tác về Bác nhưng với niềm tự hào Thái Bình là địa phương có 5 lần được đón Bác Hồ về thăm cùng với kỷ niệm trước lúc lâm trung của người cha quá cố nên ngay khi bắt đầu sự nghiệp tranh ghép gốm, họa sĩ Hoàng Công Tản đã ấp ủ một triển lãm tranh riêng về Bác với mong muốn truyền cảm hứng về tinh thần của Bác cho các thế hệ sau.

Làm tranh chân dung đã khó, làm tranh ghép gốm chân dung lại càng khó hơn, đặc biệt là thể hiện chân dung một người vĩ đại như Bác Hồ. Chân dung khó làm vì phải diễn tả được thần thái nên phải suy tính sao cho đường nét của các mảnh gốm khi ghép với nhau được uyển chuyển, sống động hơn. Nhưng dường như việc càng khó thì càng tạo cho ông thêm động lực để chinh phục. Theo họa sĩ Hoàng Công Tản, việc một bức tranh mất chừng năm đến bảy tháng mới hoàn thành là chuyện bình thường. Nhưng làm xong rồi, lột ra để ghép lại cũng không có gì lạ nên “phải thật yêu, thật đam mê mới có thể gắn bó được lâu dài với dòng tranh này”.

Họa sĩ Hoàng Công Tản tâm sự, nhiều khi ông tự hỏi tại sao lại dấn thân vào công việc khó khăn này? Tại sao lại dành cả cuộc đời để chinh phục dòng tranh ghép gốm kén người làm và còn xa lạ với công chúng? Nhưng ông tin, những bức tranh của mình với độ bền tới hàng trăm năm sẽ là những tác phẩm nghệ thuật trường tồn với thời gian và đó cũng chính là “gạch nối” giúp thế hệ mai sau hiểu hơn, yêu hơn về những câu chuyện, những dấu mốc lịch sử, nhất là với những con người đã làm rạng danh quê hương, đất nước Việt Nam.

Tú Anh