Thứ 2, 06/05/2024, 06:58[GMT+7]

Vũ Thư: 3 mục tiêu trong phòng, chống thiên tai

Thứ 2, 25/05/2020 | 09:44:13
2,024 lượt xem
Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, nếu chủ quan có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Bước vào mùa mưa bão năm nay, huyện Vũ Thư và các xã, thị trấn trên địa bàn chủ động chuẩn bị sớm và sẵn sàng mọi mặt nhằm đạt 3 mục tiêu: giữ vững an toàn đê để chống lũ, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất trong chống bão và linh hoạt trong phòng, chống úng.

Diễn tập công tác hộ đê tại xã Nguyên Xá (Vũ Thư).

Đồng chí Phạm Văn Khảng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Những năm gần đây, Vũ Thư luôn nỗ lực huy động các nguồn kinh phí dành cho công tác xây dựng, nâng cấp, tu bổ các công trình phục vụ công tác phòng, chống thiên tai. Điển hình năm 2019, huyện đã huy động tổng kinh phí 120 tỷ đồng (tăng 43,5 tỷ đồng so với năm 2018) xây dựng, tu bổ các công trình phục vụ phòng, chống thiên tai như đắp, mở rộng mặt cắt, cứng hóa, gia cố mặt đê với tổng chiều dài trên 21,5km tuyến đê tả Hồng Hà II và đê hữu Trà Lý; xây dựng một số kè đá hộ bờ... Huyện tăng cường quản lý chặt chẽ đê điều, nâng cao ý thức bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai cho nhân dân. Năm 2019, đã phát hiện và xử lý nghiêm 5 vụ vi phạm Luật Đê điều, 3 vụ vi phạm công trình thủy lợi.


Bước vào mùa mưa bão năm 2020, huyện vẫn còn nhiều công trình phòng, chống thiên tai đã xuống cấp với mức độ khác nhau. Đến thời điểm hiện tại, có ít nhất 13 điếm gác nước trên các tuyến đê như điếm gác nước Thanh Hương (xã Đồng Thanh), điếm gác nước Thanh Bản (xã Xuân Hòa), điếm gác nước số 35 xã Hòa Bình, điếm gác nước Đông Phú (xã Song Lãng)... đã xây dựng lâu năm, hư hỏng nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn cho việc gác nước khi có mưa lũ. Kè đê bối xã Vũ Vân bị sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ đổ tường chắn sóng, tuy nhiên tỉnh, huyện đều chưa có kinh phí xử lý. Khảo sát toàn bộ hệ thống công trình trước mùa mưa bão năm 2020, hiện toàn huyện có 9 công trình trọng điểm xung yếu cần đặc biệt chú trọng, nâng cấp bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai như cống An Điện (xã Đồng Thanh), kè đê bối (xã Vũ Vân), kè Mễ Sơn (Tân Phong), đê Phú Chử, kè Hướng Điền (xã Việt Hùng).


Ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Vũ Vân cho biết: Địa bàn xã có 3,8km đê quốc gia chạy dọc xã, chia xã làm 2 phần, một phần trong nội đồng và một phần ở vùng bãi. Xã có 5km đê bối bảo vệ dân cư vùng bãi và hơn 7km đê bao bảo vệ đồng màu. Toàn xã có 7 cống qua đê, đất canh tác có nhiều vùng úng trũng, hệ thống tưới, tiêu hầu hết phụ thuộc vào tự chảy. Bước vào mùa mưa bão năm 2020, kè bảo vệ đê bối (địa bàn thôn Thái Sa) bị sạt lở nghiêm trọng, dễ xảy ra nguy cơ vỡ đê bối nếu có mưa lũ, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của toàn bộ dân cư vùng bãi. Trước thực tế này, để làm tốt công tác phòng, chống thiên tai, xã tuyên truyền, nâng cao ý thức của nhân dân về cảnh giác, chủ động sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra. Đảng ủy, UBND xã đã sớm ban hành nghị quyết, xây dựng kế hoạch, triển khai công tác phòng, chống thiên tai; kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, xây dựng đề án phòng, chống thiên tai, chỉ đạo các cơ sở thôn chủ động chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện, vật tư nhất là phục vụ công tác hộ đê, phòng, chống lũ. Cùng với nỗ lực của địa phương, Vũ Vân kiến nghị, đề xuất các cấp, các ngành của tỉnh, huyện bố trí kinh phí, khẩn trương tu bổ, gia cố, nâng cấp kè trước mùa mưa bão để bảo vệ an toàn đê, từ đó bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân địa phương.


Đồng chí Đặng Hồng Kỳ, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện cho biết: Vũ Thư có 101km đê. Hệ thống đê sông ngày càng xuống cấp, vi phạm công trình bảo vệ đê điều, thủy lợi ngày càng diễn biến phức tạp; hạ tầng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai của huyện còn hạn chế, trong khi đó ngày càng có nhiều loại hình thiên tai cực đoan xảy ra. Do vậy, bước vào mùa mưa bão năm nay, Vũ Thư đã sớm kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, thành lập các tiểu ban, các cụm phòng, chống thiên tai, phân công các đồng chí lãnh đạo, cán bộ chủ chốt trực tiếp chỉ đạo, phụ trách công tác phòng, chống thiên tai ở các cụm. Huyện cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn; thông báo sớm chế độ phụ cấp điếm gác nước, đơn giá vật tư, tiền công trong phòng, chống thiên tai năm 2020 làm cơ sở để các địa phương triển khai công tác phòng, chống thiên tai hiệu quả hơn. Cùng với cấp huyện, các địa phương được quán triệt tinh thần chủ động công tác phòng, chống thiên tai, huyện đặc biệt phê bình, kiểm điểm đối với các địa phương có tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống thiên tai. Các xã, thị trấn thực hiện việc kiểm tra, bảo vệ, xử lý kịp thời các sự cố, hành vi vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện theo chỉ tiêu giao để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai. Vũ Thư đang nỗ lực huy động nguồn kinh phí để đầu tư nâng cấp, tu bổ các công trình phòng, chống thiên tai trước mùa mưa bão, ưu tiên các công trình đê, kè trọng điểm xung yếu. Tuy nhiên, kinh phí của huyện rất khó khăn, huyện mong tỉnh và trung ương bố trí nguồn kinh phí để xử lý khẩn cấp một số công trình đê, kè trọng điểm xung yếu, nâng cấp một số đoạn trên tuyến đê Trà Lý, đẩy nhanh tiến độ nâng cấp tuyến đê từ Tịnh Xuyên đi Tân Đệ... giúp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai. Vũ Thư phấn đấu làm tốt công tác phòng, chống với mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân và giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày