Thứ 6, 22/11/2024, 08:34[GMT+7]

Không để ruộng bỏ hoang

Thứ 5, 11/06/2020 | 18:41:00
5,049 lượt xem
Thay vì bỏ ruộng hoang do trồng lúa với năng suất thấp tại sao bà con nông dân không làm giàu sáng tạo ngay trên diện tích đất nông nghiệp có sẵn? Với sự nhiệt huyết, cần mẫn bà Nguyễn Thi Thủy, nguyên là cán bộ khuyến nông hợp tác xã cơ sở An Vũ, huyện Quỳnh Phụ đã tiên phong trên con đường làm giàu chính đáng góp phần vào sự phát triển kinh tế ở địa phương.

Những bông sen nở rực rỡ vào tháng 6 thu hút lượng lớn du khách đến chụp ảnh.

Thái Bình được mệnh danh là quê hương của chị Hai Năm tấn nhưng hiện tại về Thái Bình bạn không khó để bắt gặp đâu đó cảnh đất nông nghiệp ở bị bỏ hoang không người trồng, chăm sóc; đất ruộng để cỏ mọc.

Trong khi nhiều nông dân bỏ ruộng hoang thì bà Thủy lựa chọn trồng cây sen cao sản ngay trên diện tích trồng lúa không năng suất, đem lại thu nhập cao trên những mảnh ruộng chiêm trũng. Do năng suất trồng lúa thấp, nhiều người dân chán nản bỏ ruộng, bà Thủy đã thuê lại toàn bộ diện tích ruộng đó để trồng sen với hy vọng cây trồng mới này sẽ mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình. Cánh đồng trồng sen với diện tích gần 3ha ngay chân cầu Môi (giáp ranh giữa xã An Vũ và thị trấn An Bài) được biết đến là cánh đồng sen rộng và đẹp nhất khu vực này. 

 Bà Thủy hái hoa cho du khách để chụp ảnh.

Cánh đồng được tận dụng từ ruộng cấy lúa không năng suất.

Thu nhập của cánh đồng sen không chỉ đến từ việc bán lá sen, hoa sen, củ sen, ngó sen, hạt sen... Ngày rằm, mùng 1 cánh đồng sen của bà cung cấp ra thị thường từ 150 – 200 bông hoa sen. Theo bà Thủy, vì cây sen tận dụng được hết các thành phần “chẳng bỏ cái gì” nên có thể tận dụng triệt để, cho hiệu quả cao. Hạt sen vào vụ chính, mỗi ngày bà có thể thu hoạch từ 45 – 50kg, giá ổn định. Hoa sen được bà bán lẻ và bán sỉ cho thương lái ngay tại đầm. Gần đây, nắm bắt nhu cầu thị trường bà Thủy còn mở cửa đầm cho du khách vào chụp ảnh. 

“Ngày nào cũng có khách, nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Thứ 7, chủ nhật, lượng khách tăng vọt, ba chiếc cầu cho khách chụp ảnh mà khách vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.” bà Thủy cười nói -  “Sau một vụ sen, trừ đi chi phí tôi thu về được hơn 100 triệu đồng. So với cấy lúa trước đây thì thu nhập tăng gấp đôi.”

 Ở độ tuổi 60 bà Thủy vẫn rất nhiệt huyết với công việc chăm sóc cánh đồng sen. “Cây sen sử dụng rất ít phân và đặc biệt không dùng thuốc trừ sâu, diệt cỏ, nhưng phải chăm cẩn thận mới được. Chăm làm cỏ và chú ý mực nước vào ruộng. Ruộng ít cạn nước sen sẽ cằn.” Một mình bà bận bịu từ sau Tết Nguyên đán đến tận tháng 6 để có một mùa sen rực rỡ. 

“Sen ở ruộng của bà Thủy bông to hơn những ruông khác trong khu vực. Bà rất vui tính, cởi mở nên mình thường rủ bạn bè tới” – Chị Đinh Thị Minh Hạnh, khách đến chụp ảnh sen chia sẻ.

Bà Thủy đã tạo ra mô hình trồng cây sen giá trị cao không chỉ từ kinh nghiệm làm việc thực tế mà còn là từ khát khao muốn tiếp tục phát triển mảnh đất nông nghiệp, không để đất ruộng trở thành đất hoang. Hướng trồng sen như cách bà Thủy đang làm đã mở ra một hướng đi triển vọng cho phát triển kinh tế địa phương, nhất là đối với diện tích đất chiêm trũng cấy lúa không hiệu quả tại địa phương.  

Thanh Doan – Phạm Ngọc
(Sinh viên thực tập)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày