Thứ 7, 18/05/2024, 20:56[GMT+7]

Trồng mít - hướng đi mới cho hiệu quả cao

Thứ 2, 15/06/2020 | 10:03:53
17,988 lượt xem
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là đối với những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, khó khăn về áp dụng máy móc và kỹ thuật mới sang trồng các loại cây rau màu, cây ăn trái khác là một biện pháp quan trọng để tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người nông dân. Mô hình trồng mít của anh Nguyễn Duy Dự, xã Thụy Thanh (Thái Thụy) là một điển hình về hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Thái siêu sớm đang là loại cây trồng phổ biến, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều gia đình.

Anh Dự cho biết, với kinh nghiệm làm vườn tích lũy được sau nhiều năm làm việc tại tỉnh Đắk Lắc, năm 2015, trở về Thái Bình sinh sống và lập nghiệp, anh luôn ấp ủ giấc mơ xây dựng một trang trại cây ăn quả. Nhận thấy tình trạng nông dân bỏ ruộng không canh tác ngày càng nhiều, anh Dự mạnh dạn thuê lại 3ha ruộng vùng úng trũng, cấy lúa kém hiệu quả để cải tạo, bơm cát, thuê máy móc đắp luống trồng cây ăn quả. Hiện anh đang trồng 600 cây mít thái siêu sớm và nhiều cây ăn quả khác: táo, chanh, cam, bưởi… trong đó khoảng 400 cây mít đã cho thu hoạch ổn định với giá trị đạt trên 1 triệu đồng/cây/năm. Tuy mới cho thu hoạch song chỉ tính riêng cây mít, mỗi năm anh thu về từ 400 - 500 triệu đồng.

Theo anh Dự, cây mít Thái siêu sớm là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, giá bán ổn định, năng suất cao nên cuộc sống gia đình khá giả hơn. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, nhu cầu của thị trường đối với mít Thái tăng cao, bởi vậy khâu tiêu thụ sản phẩm rất dễ dàng, thương lái đến tận vườn thu mua với giá ổn định đạt 20.000 đồng/kg. Hơn thế nữa, giống mít này phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương, chăm sóc tốt mít cho trái quanh năm, thời điểm nào vườn nhà anh cũng có mít bán nên cạnh tranh được về giá. Đối với cây mít, khi cây lớn bắt đầu cho quả thì anh tỉa cành, tỉa quả, tùy vào từng cây mà để số lượng quả ít hay nhiều, đồng thời phun xịt thuốc trừ sâu bệnh và bón phân cân đối để quả mau lớn. Sau mỗi lần thu hoạch quả phải cắt bỏ bớt cành thừa để cây nhận đủ ánh sáng giúp quả to và ngọt. Ngoài ra, việc tỉa bỏ những quả đầu cành, chỉ giữ lại những quả ôm thân và gần gốc để đạt chất lượng tốt nhất. Nếu thâm canh tốt, 1 cây mít khi ra trái ổn định sẽ cho thu nhập 1.500.000 đồng/năm còn nếu trồng quảng canh thì chỉ cho thu nhập 600.000 đồng/năm. Là người chăm chỉ, chịu khó, anh không ngừng tìm tỏi, học hỏi kiến thức, kỹ thuật qua sách báo, mạng internet. Anh tham gia hội làm vườn của huyện, tỉnh để trao đổi, học tập kinh nghiệm từ các hội viên.

Mít Thái siêu sớm đang là loại cây trồng phổ biến, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều gia đình. Trong kế hoạch chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn, mít là một trong những cây trồng được quy hoạch vùng, định hướng đưa vào thay thế trên các vùng gieo cấy lúa kém hiệu quả.

1. Thời vụ: Ở đồng bằng Bắc Bộ, mít được trồng vào vụ xuân, từ tháng 2 đến tháng 4 hoặc có thể trồng vụ thu, từ tháng 8 đến tháng 10.

2. Chân đất: chọn tầng đất canh tác dày; mực nước ngầm thấp dưới 1m. Ruộng cày phơi đất tới ải trắng; lên luống rộng 2 - 2,5m, cao 30 - 50cm; đường mương thoát nước phải sâu, tiêu thoát nhanh.

3. Gieo trồng và chăm sóc:
3.1. Chuẩn bị hạt giống, cây con: có hai phương thức nhân giống: từ hạt và giống ghép:
- Đối với nhân giống từ hạt, phải chọn quả ở những cây có chất lượng quả ngon, năng suất cao, ít sâu bệnh, chọn quả to đều, đẹp và không sâu bệnh; chọn hạt ở phía trên của quả giáp cuống, chọn những hạt tròn đều, căng bóng.
- Chọn cây giống ghép: chiều cao cây tối thiểu từ 35 - 40cm, đường kính gốc ghép 0,5cm, cây sinh trưởng khỏe, không sâu bệnh, không gãy ngọn.
3.2. Cách trồng, mật độ trồng:
- Trồng 22 - 23 cây/sào, khoảng cách cây cách cây 4m, hàng cách hàng 4m.
- Đào hố 40x40x40cm; phơi ải hố 5 - 7 ngày mới tiến hành lót phân lấp đất. Khi lấp hố đưa lớp đất mặt xuống đáy, lớp đất đáy trộn đều với phân bón lấp bên trên, không để rễ cây tiếp xúc trực tiếp với phân bón.
- Cách trồng: xé bỏ vỏ túi nilon bao bầu, cắt bỏ rễ cọc bị xoắn trong bầu (nếu có). Dùng cuốc khơi miệng hố đủ để đặt bầu cây, lấp đất, nén nhẹ, cắm cọc níu giữ cho cây giống thẳng. Tưới đủ ẩm, ủ gốc bằng rơm, rạ, trấu, bèo tây. Chú ý, đối với cây ghép khi trồng cần xoay mắt ghép hướng về chiều gió chính để tránh bị tách chồi ghép.
3.3.  Chăm sóc:
- Bón phân:
Năm thứ nhất: bón lót trước trồng 0,3 - 0,5kg vôi bột + 3kg phân gia cầm hoặc 5kg bã thải hầm biogas. Bón thúc 2 lần sau trồng 1 tháng và sau trồng 3 tháng, mỗi lần bón 0,3kg lân supe + 0,3kg NPK 2010-15+TE.
Năm thứ hai: bón phân 2 lần vào tháng 5 và tháng 11. Lượng bón 1 lần/1 gốc: 3kg phân hữu cơ vi sinh + 0,5kg NPK 2010-15+TE.
Từ năm thứ 3: bón theo nhu cầu của cây, cây khỏe bón ít, cây yếu bón nhiều, trung bình mỗi gốc bón 6kg phân gia cầm + 0,5kg vôi bột + 0,6kg kali clorua hoặc 5kg phân hữu cơ vi sinh + 1,5kg NPK 1616-8. Bón khi cây chuẩn bị ra trái và sau thu hoạch lúa quả đầu, bón theo rãnh đào dưới hình chiếu tán cây, lấp đất kín.
- Chăm sóc: Bảo đảm đủ ẩm thường xuyên cho vườn mít. Nhổ cỏ, cắt tỉa các cành sâu bệnh, cành gầy yếu, cành ở vị trí quá dày, tạo độ thông thoáng cho vườn mít, tránh hao phí dinh dưỡng, giảm thiểu sâu bệnh hại. Chú ý cắt không để vườn mít cao quá 3m, thuận tiện cho chăm sóc và thu hoạch, phòng đổ ngã khi mưa bão.

4. Sâu bệnh hại:
- Sâu đục thân: Đẻ trứng lên các lá non, trái non sau đó đục vào thân cành. Phát hiện kịp thời mùn gốc sâu đùn ra từ lỗ thân, gốc, dùng thuốc đặc hiệu đề trừ.
- Sâu đục quả: làm mít rụng quả non, sâu thường hại các vị trí tiếp giáp giữa quả với quả, quả với thân cây. Không nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun phòng trừ, tốt nên bao quả sớm bằng túi nilon ngay sau khi cây kết thúc rụng quả sinh lý.
 - Ruồi đục quả: thường đẻ trứng vào trái già, gây thối nhũn quả. Cần phòng trừ bằng túi nilon trắng (có đục lỗ thoát hơi) hoặc dùng bẫy sinh học.

5. Thu hoạch: cây mít trồng 3 năm đã cho quả. Từ khi ra hoa đến trái già khoảng 5 tháng. Quả mít già các gai quả sẽ nở căng, vỏ quả chuyển từ màu xanh non sang xanh vàng, nhựa mù lỏng và trong, vỗ tay vào mặt quả có tiếng bộp bộp. Nếu vận chuyển đi xa thì thu quả già, nếu thu quả ăn ngay thì đợi quả có mùi thơm mới cắt.

(Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)


Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày