Thứ 3, 14/01/2025, 09:04[GMT+7]

Nhiều nội dung quan trọng được thảo luận trước kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khoá XVI

Thứ 5, 09/07/2020 | 17:37:48
5,764 lượt xem
Chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVI, chiều ngày 9/7, HĐND tỉnh chia tổ thảo luận, làm rõ và thống nhất nội dung các báo cáo, tờ trình trước khi trình kỳ họp.

Đại biểu HĐND tỉnh, tổ Hưng Hà thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Tâm

Audio: 1007_nhieu_noi_dung.mp3

Các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; Đàm Văn Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực phụ trách hoạt động của HĐND tỉnh dự phiên thảo luận tổ. 

Dự thảo luận tổ có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy;Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đoàn thể của tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh.

Trong phiên thảo luận tổ, đa số các đại biểu đồng tình với nội dung các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp. Các đại biểu đánh giá cao trong 6 tháng đầu năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 gắn với đẩy mạnh phát triển  kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Tỉnh đã chủ động huy động các nguồn lực hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo chính sách của Chính phủ, của tỉnh. Công tác an sinh xã hội được triển khai thực hiện kịp thời, từ đó tạo sự phấn khởi, đoàn kết, tin tưởng của nhân dân vào sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương.

Đại biểu HĐND tỉnh, tổ Kiến Xương thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Tâm 

Tuy đã đạt được kết quả tích cực, song theo đánh giá của các đại biểu trong bối cảnh kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 thì việc thực hiện mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả năm 2020 sẽ rất nặng nề. Do vậy, các đại biểu đề nghị Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thì mới đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra. Trước mắt, tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các đề án, chương trình, kế hoạch trong sản xuất nông nghiệp; làm tốt công tác phòng, chống thiên tai để bảo đảm sản xuất vụ mùa thắng lợi; mở rộng diện tích trồng cây vụ đông với các loại cây có giá trị kinh tế cao gắn với thị trường tiêu thụ nhằm lấy giá trị sản xuất nông nghiệp bù cho công nghiệp. Khẩn trương thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất, chuyển đổi những diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các cây cho hiệu quả kinh tế cao hơn; có giải pháp để khôi phục chăn nuôi lợn bảo đảm an toàn, hiệu quả. 

Một số đại biểu cho rằng tiến độ thực hiện một số dự án, các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh còn chậm, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, trong điều kiện nguồn ngân sách hạn chế, UBND tỉnh rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư, tạm dừng đầu tư đối với các dự án, công trình chưa thực sự cấp bách, cần thiết mà dồn nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Quan tâm hơn tới đời sống, việc làm của những lao động trong các doanh nghiệp, dự báo trước những khó khăn khi những lao động này mất việc làm để có biện pháp giải quyết hiệu quả. Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành thời gian qua chưa thực sự hiệu quả, do đó cần chỉ đạo quyết liệt hơn để các nghị quyết này đi vào cuộc sống. Công tác quản lý, sử dụng đất và bảo vệ môi trường ở một số nơi còn buông lỏng, còn để xảy ra sai phạm trong quản lý đất đai, gây lãng phí tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ở các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề. Các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn trong việc thu hút đầu tư để xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung quy mô cấp huyện bảo đảm an toàn về môi trường khu vực nông thôn.

Các đại biểu đề nghị tỉnh cần có giải pháp hữu hiệu tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khôi phục, ổn định sản xuất kinh doanh; khẩn trương thực hiện hỗ trợ người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo chính sách hỗ trợ của Chính phủ; quan tâm nắm tình hình tư tưởng trong nhân dân, giải quyết tốt các đơn, thư khiếu nại tố cáo, kiến nghị của nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo tiền đề tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Cùng với đó, các cấp, các ngành tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, có giải pháp xử lý hoạt động “tín dụng đen”, không để các đối tượng xã hội đen lộng hành, ảnh hưởng đến anh ninh chính trị và đời sống nhân dân.

Phóng viên Báo Thái Bình đã lược ghi một số ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh tại phiên thảo luận tổ chiều ngày 9/7:

Đại biểu Phạm Văn Nghiêm, tổ Tiền Hải

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên 6 tháng đầu năm, GRDP của tỉnh chỉ tăng 4,62% so với cùng kỳ năm 2019. Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2020 thì 6 tháng cuối năm GRDP của tỉnh cần đạt mức tăng trưởng khoảng 14,8%. Rõ ràng đây là mục tiêu vô cùng khó khăn, cần giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện. Do vậy, tôi đề nghị tại kỳ họp này, HĐND tỉnh cần thảo luận thật kỹ lưỡng, đề ra các giải pháp cụ thể, ban hành nghị quyết sát, đúng với tình hình thực tiễn, thực hiện được mục tiêu, kế hoạch đề ra. Trước mắt, tỉnh ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp. Chú trọng các giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, ưu tiên nguồn lực đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh, nhất là Khu kinh tế Thái Bình và tuyến đường bộ ven biển. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm các thủ tục hành chính tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp khi đầu tư vào địa bàn. Cùng với đó là quan tâm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, cán bộ không tái cử nhiệm kỳ tới; quan tâm chăm lo đời sống cho người dân, nhất là người dân khu vực nông thôn, lao động bị mất việc làm bị ảnh hưởng của  dịch Covid-19.


Đại biểu Phạm Văn Dụng, tổ Thái Thụy

 Đến nay, Thái Bình đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, mục tiêu trong giai đoạn 2020-2025 là tập trung cho xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Tuy nhiên, trong điều kiện nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 như hiện nay và nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới chưa được giải quyết thì việc thực hiện mục tiêu đề ra sẽ rất khó khăn. Do vậy, trong thời gian tới các cấp, các ngành, nhất là các địa phương cần tập trung cao cho nhiệm vụ này. Trước mắt, ưu tiên mọi nguồn lực giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản của giai đoạn trước; huy động nguồn lực trong nhân dân, đặc biệt là trí tuệ, sức sáng tạo, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Xác định rõ tiềm năng, lợi thế về đất đai trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung, sản xuất hàng hoá gắn với tìm thị trường tiêu thụ, hướng đến sản xuất hiệu quả, bền vững và thực hiện mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao đời sống của người dân nông thôn.

Đại biểu Lê Hồng Sơn, tổ Hưng Hà

Qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh, hầu hết cử tri bày tỏ sự phấn khởi trước thành công của tỉnh trong công tác cách ly, điều trị, kiểm soát dịch Covid-19, không để dịch lây lan trong cộng đồng, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các cử tri vẫn băn khoăn, kiến nghị về tình trạng sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt, do phát triển chăn nuôi; một số dự án lớn chậm tiến độ ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Vì vậy, HĐND tỉnh bổ sung nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là tập trung triển khai hiệu quả đề án phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý, sử dụng đất đai, xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm; thu hút đầu tư để xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung quy mô cấp huyện bảo đảm an toàn về môi trường khu vực nông thôn.

Đại biểu Vũ Xuân Hùng, tổ Quỳnh Phụ

Thời gian qua, toàn tỉnh đã huy động và bố trí nguồn lực lớn đầu tư nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường tỉnh, huyện, xã, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, góp phần giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, hiện nay một số tuyến đường có mật độ giao thông cao đang xuống cấp; có tuyến dù đã được HĐND tỉnh bố trí ngân sách để thực hiện song nhiều năm qua vẫn chưa được triển khai ảnh hưởng đến việc đi lại và lưu thông hàng hóa, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, làm ảnh hưởng đến chất lượng hạ tầng huyện, xã nông thôn mới. Nhiều cử tri kiến nghị HĐND, UBND tỉnh sớm có chủ trương tiếp tục bố trí kinh phí đầu tư sửa chữa, khắc phục kịp thời trong mùa mưa bão; nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường liên xã, liên huyện. Kịp thời công bố thông tin về các dự án quy hoạch các tuyến tỉnh lộ ở các địa phương cho nhân dân biết.

Đại biểu Vũ Huy Đông, tổ Hưng Hà

 Thời gian qua, việc thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài vào tỉnh gặp không ít khó khăn. Một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến các doanh nghiệp, các dự án phải ngừng hoặc tạm ngừng hoạt động, thêm nữa thủ tục chấp thuận đầu tư của tỉnh dù đã được cắt giảm gọn, nhanh hơn trước song vẫn còn phức tạp, rườm rà, bất thuận cho các nhà đầu tư. Tôi đề nghị tại kỳ họp này, HĐND tỉnh thảo luận, UBND tỉnh nghiên cứu điều chỉnh lại cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào tỉnh, nhất là với các nhà đầu tư nước ngoài; trong đó tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư; nghiên cứu, điều chỉnh lại một số ngành nghề không được phép sản xuất kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào tỉnh. Bên cạnh việc chú trọng thu hút đầu tư, tỉnh cũng cần quan tâm hỗ trợ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn để doanh nghiệp khắc phục ảnh hưởng của dịch Coivid-19 ổn định sản xuất kinh doanh có lãi.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Mến, tổ Tiền Hải

 Hiện nay, nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngày càng tăng và yêu cầu cao hơn, nhất là ở tuyến y tế cơ sở. Tuy nhiên, ở các bệnh viện đa khoa tuyến huyện và trạm y tế các xã, thị trấn cơ sở vật chất phục vụ việc khám, chữa bệnh chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là các trang thiết bị phục vụ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn còn ít và thiếu, đặc biệt là thiếu bác sĩ. Mặc dù thời gian qua, tỉnh đã tạo điều kiện để các bác sĩ về tuyến cơ sở làm việc nhưng với cơ sở vật chất như hiện nay và chế độ đãi ngộ chưa thoả đáng thì các bệnh viện tuyến huyện và các trạm y tế các xã, thị trấn khó có thể tiếp nhận được những bác sĩ có chuyên môn giỏi. Do vậy, tôi kiến nghị với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh hàng năm ưu tiên bố trí nguồn kinh phí đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho tuyến y tế cơ sở; có chính sách ưu tiên đặc thù trong đào tạo, tuyển dụng, đãi ngộ xứng đáng đối với các bác sĩ về các cơ sở y tế tuyến huyện và tuyến xã làm việc, có như vậy mới đáp ứng tốt việc chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, tổ Thái Thụy

Hiện nay, giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản là vấn đề cấp thiết đối với các địa phương, tuy nhiên lại rất khó khăn trong việc tìm nguồn để trả nợ. Do vậy, tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt, tìm các giải pháp để giải quyết vấn đề này bảo đảm ổn định tình hình an ninh nông thôn, tạo điều kiện để các địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều địa phương cũng kiến nghị trong điều kiện khó khăn như vậy thì với những diện tích đất xen kẹp trong khu dân cư của các xã, tỉnh tạo điều kiện để quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất, đồng thời điều tiết phần lớn nguồn thu cho địa phương để sớm giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản.

Đại biểu Bùi Mạnh Hà, tổ Kiến Xương

Hiện nay, việc xử lý rác thải sinh hoạt ở nông thôn trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Với lượng rác thải ra ngày càng nhiều thì các lò đốt rác mini không còn phù hợp và cũng không còn đáp ứng được việc xử lý rác hiện nay mà còn gây ô nhiễm môi trường. Tôi đồng tình với chủ trương của tỉnh là ưu tiên xây dựng khu xử lý rác thải tập trung  quy mô cấp huyện, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả. Tuy nhiên để thực hiện chủ trương này, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh cần ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù cho các doanh nghiệp khi vào đầu tư khu xử lý rác thải tập trung với công nghệ hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường như chính sách xây dựng các nhà máy cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn mà Thái Bình đã thực hiện. Các ngành, địa phương cần vào cuộc tích cực, thẩm định kỹ lưỡng năng lực nhà đầu tư nhưng khi đã chọn được nhà đầu tư rồi phải tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để khẩn trương triển khai thực hiện dự án. Các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi các dự án xử lý rác thải tập trung được triển khai trên địa bàn.

Thu Hiền - Nguyễn Hình