Thứ 7, 23/11/2024, 04:51[GMT+7]

Song An: Không còn những cánh đồng dưa lê

Thứ 3, 14/07/2020 | 08:56:04
1,726 lượt xem
Từng được coi là “vựa” dưa lê của tỉnh thế nhưng những năm gần đây diện tích dưa lê vụ hè của xã Song An (Vũ Thư) ngày càng giảm mạnh. Những cánh đồng dưa lê bạt ngàn dần bị “xóa sổ” đồng nghĩa với việc người dân mất đi nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Đây là thực tế đang xảy ra tại địa phương.

Những hộ bám trụ được với cây dưa lê hầu hết là những hộ có lao động cao tuổi.

Dưa lê từng phủ kín đồng đất

Những năm trước kia, Song An được coi là “vựa” dưa lê của tỉnh. Thời điểm sau khi thu hoạch lúa xuân trà sớm, màu xanh của cây dưa lê trải rộng trên hầu hết các xứ đồng của xã. Ông Nguyễn Văn Kiểm, Giám đốc HTXNN xã cho biết: Được đưa vào trồng ở đồng đất Song An từ hơn 20 năm trước, nhiều năm qua, dưa lê trở thành cây trồng truyền thống ở địa phương. Với ưu điểm là có thể tận dụng quỹ đất trồng xen canh tăng vụ sau khi thu hoạch lúa xuân, thời gian trồng ngắn, quay vòng nhanh, lại cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần cấy lúa nên trước kia, cây dưa lê được nông dân địa phương rất ưa chuộng. Thậm chí, nông dân coi trọng vụ dưa lê hè hơn cả vụ lúa xuân chính. Trước kia, ở vụ dưa lê hè, trung bình mỗi hộ trồng từ 3 - 5 sào, nhiều hộ trồng từ 1 - 2 mẫu dưa lê. Trong khoảng 2 tháng, mỗi hộ có thu nhập gần chục triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng từ cây dưa lê hè. Khoảng 10 năm về trước, mỗi vụ hè, xã Song An có khoảng 130 - 150ha dưa lê. Tính bình quân 3 triệu đồng/sào dưa lê hè, cho giá trị trên 80 triệu đồng/ha, như vậy, cây dưa lê hè mang lại tổng nguồn thu từ 10 - 12 tỷ đồng mỗi vụ hè cho nông dân địa phương. Đây được coi là nguồn thu lớn, cao hơn hẳn thu nhập từ cây lúa nên bà con rất phấn khởi.  

Bà Phạm Thị Sâm, thôn Quý Sơn cho biết: Những năm trước, gia đình tôi thường trồng khoảng 1 mẫu dưa lê mỗi vụ hè, tùy năng suất và giá cả dưa lê mỗi năm nhưng thông thường thu về 20 - 30 triệu đồng/vụ. Không riêng gia đình bà Sâm mà hầu hết các hộ trong thôn, trong xã đều rất tích cực trồng dưa lê. Không khí trên cánh đồng dưa lê mùa thu hoạch luôn tấp nập xe cộ, nông dân trảy hái dưa, thương lái khắp nơi đến thu mua, rất sôi nổi, khí thế. Nguồn thu từ cây dưa lê giúp nông dân dễ dàng trang trải chi phí cho sản xuất nông nghiệp cả vụ và tích cực đóng góp, ủng hộ các phong trào của địa phương; nhiều hộ tích góp, làm giàu nhờ trồng dưa lê.

Không còn những cánh đồng dưa lê bạt ngàn

Đứng giữa cánh đồng Bắc Hồng, thôn Gián Nghị, bà Khiếu Thị Khắc, một nông dân trong thôn tiếc nuối: Ngày trước, cả cánh đồng thẳng cánh cò bay này chỉ có một màu xanh ngút ngàn của dưa lê, thế nhưng mấy năm gần đây, chỉ có lác đác vài ruộng dưa lê. Cả thôn chỉ còn hơn chục hộ duy trì trồng dưa lê vụ hè. Những năm trước, gia đình tôi thường trồng từ 5 - 7 sào, có năm trồng gần 1 mẫu dưa lê trên diện tích thu hoạch lúa xuân sớm. Nhưng mấy năm nay, gia đình tôi chỉ trồng gần 2 sào do cây dưa lê hay bị nhiễm bệnh không rõ nguyên nhân khiến cây dưa chết đồng loạt hoặc cho năng suất rất thấp. Dưa lê đòi hỏi nhiều công lao động, trồng thời điểm chính giữa vụ hè nên thời tiết khắc nghiệt, rất vất vả, lớp lao động cao tuổi như tôi không có thu nhập gì khác ngoài đồng ruộng nên bắt buộc phải trồng dưa lê, chứ lớp trẻ không chịu nổi cực khổ là bỏ cây dưa lê.

Ông Nguyễn Văn Thanh, thôn Kiều Thần cho biết: Thửa ruộng 3,5 sào trên cánh đồng màu mỡ, đất tơi xốp, cạnh đường giao thông, thuận lợi cho vận chuyển, thu mua sản phẩm của gia đình tôi trước kia là “đất quý” để trồng dưa lê. Mấy năm nay, cùng với các ruộng xung quanh, thửa ruộng của gia đình tôi cũng bị bỏ trống, vì đã cao tuổi, không kham nổi việc trồng dưa. Tôi mời gọi, cho bà con làng xóm mượn đất trồng dưa miễn phí nhưng vận động nhiều mà không ai mượn nên đành bỏ trống ruộng.

Song An từng được coi là “vựa” dưa lê của tỉnh nhưng hiện nay diện tích dưa lê đã giảm nhiều.

Đồng chí Phạm Đắc Công, Bí thư Đảng ủy xã Song An cho biết: Có nhiều nguyên nhân khiến nông dân địa phương không mặn mà với cây dưa lê hè - loại cây truyền thống và đã từng được bà con rất ưa chuộng và duy trì trong nhiều năm. Nguyên nhân chính là những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm nguồn nước và thường xuyên sử dụng phân bón vô cơ, khiến cây dưa dễ bị nhiễm bệnh trên diện rộng, gây tình trạng chết cây hàng loạt, bà con thất thu hoặc năng suất thấp. Giá dưa lê hè mấy năm nay bấp bênh, phải cạnh tranh với nhiều loại hoa quả mùa hè nên cũng thường xuyên bị rớt giá, nông dân chịu rủi ro cao khi trồng dưa lê hè. Nguyên nhân khác đó là hầu hết lao động nông thôn hiện nay đã tập trung làm trong các doanh nghiệp, chỉ còn lại lao động cao tuổi ở nhà, nguồn nhân lực cho trồng cây dưa lê hè rất khó khăn. Trong khi đó, cây dưa lê hè đòi hỏi công lao động lớn, chăm sóc, thu hoạch trong điều kiện thời tiết nắng nóng, vất vả nên ngày càng nhiều nông dân bỏ cây dưa lê hè. Mấy năm gần đây, diện tích dưa lê hè của xã ngày càng giảm sâu, rõ rệt qua các năm. Đến nay, hầu hết các cánh đồng dưa lê rộng lớn ở các thôn đã bị “xóa sổ”. Qua khảo sát, diện tích dưa lê hè của xã Song An ở vụ hè năm 2020 là 23ha (bằng 15 - 17% diện tích dưa lê hè của xã những năm cao điểm); trong đó, dưa lê trồng trên đất chuyên màu chiếm 1/2 diện tích. Với diện tích dưa lê hè bị giảm này, ước tính, mỗi vụ hè, nông dân địa phương mất đi nguồn thu 7 - 9 tỷ đồng.

“Tuy có nhiều yếu tố tác động khiến nông dân có tâm lý không mặn mà với cây dưa lê hè, tuy nhiên có thể thấy ưu điểm lớn là dưa lê hè cho thu hoạch nhanh, hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa, nhanh chóng mang lại thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân. Địa phương đã chỉ đạo HTXNN xã tích cực tuyên truyền, vận động, chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến, khuyến khích nông dân sử dụng phân bón hữu cơ thay cho các loại phân bón vô cơ nhằm tăng cường sức đề kháng, kháng bệnh của dưa lê. HTXNN phối hợp với các ngành chuyên môn, doanh nghiệp tìm, cung ứng các loại thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả để phòng, trừ sâu bệnh cho dưa lê. Mặt khác, vận động HTXNN và nông dân tích cực tiếp thu các giống dưa lê mới cho năng suất, chất lượng cao, kháng bệnh tốt để đưa vào sản xuất. Xã vận động các hộ có điều kiện nhân lực tích cực mượn ruộng để trồng dưa lê, xã sẽ quy hoạch vùng trồng dưa lê trên các xứ đồng để thuận lợi cho việc phục vụ tưới, tiêu, diệt chuột và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch. Những giải pháp này khó có thể khôi phục lại những cánh đồng dưa lê bạt ngàn như trước kia, tuy nhiên chúng tôi mong muốn có thể duy trì bền vững cây dưa lê trên đồng đất Song An” - đồng chí Phạm Đắc Công, Bí thư Đảng ủy xã cho biết thêm.

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày