Thứ 7, 23/11/2024, 02:30[GMT+7]

Không chỉ là thú chơi

Thứ 6, 21/08/2020 | 08:45:30
5,818 lượt xem
Những năm gần đây, thú chơi chó bản địa với 4 dòng chủ yếu: H’Mông cộc đuôi, Dingo, Bắc Hà, Phú Quốc ngày càng phát triển mạnh ở hầu khắp các địa phương trong cả nước. Tại Thái Bình đã xuất hiện những câu lạc bộ nuôi chó bản địa với số lượng thành viên tham gia ngày càng đông cùng nhiều hoạt động sôi nổi, qua đó góp phần bảo tồn những giống chó quý hiếm của người Việt.

Chú chó có tên Hắc Hổ này đã đạt được nhiều giải thưởng tại những cuộc thi do Hiệp hội những người nuôi Chó giống Việt Nam tổ chức.

Tới thăm gia đình anh Đào Mạnh Hùng ở xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình), chúng tôi được tận mắt chứng kiến những giờ tập luyện của chú chó Hắc Hổ - giống H’Mông cộc đuôi, nay đã được 3 tuổi. Chiều nào cũng vậy, Hắc Hổ đã quen với việc rèn luyện cơ thể qua những bài tập chạy, tập đứng đúng dáng. Bởi chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp với luyện tập đều đặn nên tới nay Hắc Hổ đã đạt được nhiều giải thưởng tại những cuộc thi uy tín toàn quốc dựa trên các tiêu chí về khung xương, thân hình đẹp chuẩn, bước chạy, thần thái... do Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam tổ chức.


Anh Đào Mạnh Hùng chia sẻ: H’Mông cộc đuôi là 1 trong 4 quý khuyển của Việt Nam nên đã từ nhiều năm nay tôi cùng các anh em trong câu lạc bộ nuôi chó bản địa Thái Bình quyết tâm chinh phục. Điều đáng tự hào, trong câu lạc bộ đã có không ít thành viên có những chú chó đạt các giải thưởng lớn tại các cuộc thi toàn quốc dành riêng cho chó bản địa. Chính bởi vậy, đã có nhiều cuộc giao lưu giữa câu lạc bộ nuôi chó bản địa Thái Bình với các câu lạc bộ khác trong cả nước để trao đổi kinh nghiệm, nâng cao hiểu biết về việc huấn luyện, chăm sóc chó bản địa đúng cách hay như việc nhân giống và phòng bệnh thường gặp... để từ đó có thể chung tay bảo tồn giống chó quý hiếm này.


H’Mông cộc đuôi là giống chó bản địa cổ xưa của người dân tộc H’Mông vùng miền núi phía Bắc Việt Nam. Từ xa xưa, giống chó này được sử dụng là chó săn, chó canh gác và cho tới ngày nay vẫn đảm nhiệm tốt vai trò này. Vì chó H’Mông cộc đuôi có khả năng thích nghi nhanh, mềm dẻo với các điều kiện sinh thái khác nhau nên từ nhiều năm qua người miền xuôi lựa chọn đưa giống chó này về nuôi với mục đích giữ nhà. Anh Nguyễn Thanh Hải, phường Kỳ Bá (thành phố Thái Bình) chia sẻ, đã nuôi qua nhiều dòng chó tây nhưng hơn 10 năm nay anh quyết định nuôi giống chó H’Mông cộc đuôi bởi giống chó này không yêu cầu quá cao trong việc chăm sóc, không cần cắt tỉa lông thường xuyên, đều đặn như một số giống chó tây, ăn uống thì đơn giản và vệ sinh rất sạch sẽ. Anh Nguyễn Xuân Hòa, phường Đề Thám (thành phố Thái Bình) cho rằng, chó H’Mông cộc đuôi rất phù hợp nuôi ở thành phố, đặc biệt trong điều kiện các gia đình có không gian nhỏ bởi thân hình của giống chó này vừa phải cùng tính cách rất nghe lời chủ và không ăn thức ăn từ người lạ nên ít sợ bị lạc hay bị bắt trộm. Ngoài ra, chó H’Mông cộc đuôi trông nhà rất tốt bởi bản năng bảo vệ lãnh thổ. Chính bởi những ưu điểm đó mà anh em ở mọi lứa tuổi, ngành nghề có cùng đam mêm, sở thích đã hội tụ thành một nhóm để cùng bảo tồn giống chó cổ xưa.


Anh Đồng Đạo Cường, người hiện đang có trang trại nuôi chó bản địa tại Sóc Sơn, Hà Nội và đã góp phần đưa giống chó này đến với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước cho biết: Giống chó này “tạo cơn sốt” với người nuôi bởi chúng có điểm nổi bật trong tính cách về mức độ hoạt động thần kinh, tính nhiệt tình và khả năng làm việc rất cao. Chó cộc đuôi có hệ thần kinh cân bằng và linh động, với các phản xạ kìm hãm và kích động xảy ra mạnh. Giống chó này luôn chủ động và mạnh dạn trong các hành vi ứng xử nhưng thận trọng với người lạ.


Với giá thành trung bình từ vài triệu đồng tới vài chục triệu đồng, việc nuôi chó bản địa hiện nay bên cạnh việc là một thú chơi nhưng cũng mang lại kinh tế cho người nuôi. Qua đó vừa tạo nên mối liên hệ giữa những người yêu chó trên mọi miền Tổ quốc vừa giúp duy trì nguồn gen quý hiếm.


Tú Anh