Thứ 7, 21/12/2024, 21:45[GMT+7]

Thái Thụy: Chủ động bảo vệ thủy sản mùa mưa bão

Thứ 5, 27/08/2020 | 09:04:42
2,962 lượt xem
Hiện nay đang vào mùa mưa bão, thời tiết, nhiệt độ thay đổi tạo điều kiện cho dịch bệnh phát tán, lây lan, ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của thủy sản. Không những vậy, mưa bão còn gây nguy cơ tràn bờ, thất thoát thủy sản; do đó, để tránh thiệt hại, các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Thái Thụy đã và đang chủ động các biện pháp bảo vệ, chăm sóc thủy sản.

Hộ nuôi trồng thủy sản xã Thái Thượng gia cố, tôn cao bờ ao nuôi thủy sản.

Là một trong những hộ nuôi tôm công nghệ cao tại khu nuôi trồng thủy sản (NTTS) ngoài đê biển xã Thái Thượng với diện tích 1ha, ông Nguyễn Văn Quyết đang chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho diện tích nuôi tôm của gia đình. 

Ông Quyết chia sẻ: Hiện nay đang trong mùa mưa bão nên thường xuyên xảy ra mưa lớn kéo dài. Mưa nhiều nên độ pH và độ mặn trong nước giảm khiến các loại vi khuẩn, nhất là các loại gây bệnh đốm trắng phát triển mạnh, làm tăng nguy cơ tôm chết hàng loạt. Do đó, trong mùa mưa bão, tôi luôn chú ý theo dõi và bổ sung oxy hợp lý bằng quạt nước, điều này cũng giúp tránh phân tầng nước trong ao nuôi. Sau những cơn mưa, tôi tiến hành kiểm tra ngay môi trường nước và tình trạng của tôm để có biện pháp xử lý kịp thời.

Ngoài những biện pháp tức thời để bảo vệ thủy sản trong mùa mưa bão, một số doanh nghiệp, hộ nuôi tôm công nghệ cao tại xã Thái Thượng đã áp dụng khoa học, công nghệ vào nuôi trồng để giảm nguy cơ dịch bệnh, tăng hiệu quả sản xuất. Trong đó, đầu tư xây dựng ao nuôi có hệ thống thu gom nước mưa xung quanh ao, không để nước mưa đổ dồn xuống; áp dụng hệ thống đo, tự động cung cấp oxy và có thể thay nước hàng ngày phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của tôm. Từ đó giúp người nuôi có thể thả tôm với mật độ dày nhưng vẫn ít nguy cơ nhiễm bệnh do thời tiết cực đoan.

Hộ nuôi trồng thủy sản xã Thụy Xuân (Thái Thụy) kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển của tôm nuôi.

Theo ông Phạm Đức Thiết, Chủ tịch UBND xã Thái Thượng: Vùng NTTS ngoài đê biển của xã có tổng diện tích hơn 270ha, trong đó có hơn 30ha nuôi tôm công nghệ cao. Do vùng NTTS của xã nằm ngoài đê biển nên chịu ảnh hưởng trực tiếp của những cơn bão. Vì vậy, công tác bảo đảm an toàn cho vùng NTTS hàng năm được xã quan tâm, chú trọng, nhất là bảo vệ các công trình cống đầu mối, tuyến đê bao, hệ thống kênh mương dẫn nước vào khu nuôi trồng. Trong trường hợp mưa bão gây sạt lở, hư hỏng các công trình cống, đê bao trong khu NTTS, xã luôn chủ động nhân lực, vật lực để xử lý kịp thời. Như trong cơn bão số 2 vừa qua, do mưa to, gió mạnh kết hợp với triều cường dâng đã làm tràn 500m bờ đầm khu NTTS và sạt lở đất bên mang cống vùng NTTS của xã. Ngay sau khi sự cố xảy ra, UBND xã đã phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng khẩn trương xử lý khắc phục sự cố, tránh thiệt hại cho các hộ NTTS tại đây.

Toàn huyện Thái Thụy hiện có 4.331ha NTTS, trong đó nước mặn và nước lợ 2.731ha, nước ngọt 1.600ha. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp huyện, thời gian qua, công tác chăm sóc, bảo vệ thủy sản đã được các địa phương phối hợp với cơ quan chuyên môn thực hiện bảo đảm theo yêu cầu nên thủy sản nuôi phát triển tốt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 2 vừa qua, mưa to kết hợp với triều cường gây ảnh hưởng đến NTTS, nhất là tại các khu NTTS tập trung ngoài đê tại một số xã. 

Theo ông Bùi Huy Tập, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Để hạn chế thấp nhất thiệt hại về NTTS trong mùa mưa bão, Phòng đã tham mưu UBND huyện tăng cường công tác chỉ đạo các xã, thị trấn, HTX NTTS tích cực đôn đốc, hướng dẫn các hộ NTTS thực hiện các biện pháp chăm sóc, bảo vệ. Theo đó, đôn đốc các hộ nuôi tiến hành thu hoạch đối tượng nuôi thủy sản đã đạt kích cỡ thương phẩm nhằm tránh rủi ro, thất thoát; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để có biện pháp chủ động phòng tránh. Ngoài ra, Phòng cũng chỉ đạo cán bộ phụ trách, chuyên môn phối hợp cùng chính quyền địa phương rà soát những điểm có nguy cơ ngập úng cao, hướng dẫn các hộ NTTS thực hiện các biện pháp tiêu úng, xử lý môi trường nước, kỹ thuật chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh trước, trong và sau mưa lớn xảy ra. Đặc biệt, tại những vùng NTTS ngoài đê dễ bị ảnh hưởng của nước thủy triều dâng khuyến cáo các hộ có biện pháp bảo vệ như tôn cao bờ, tu sửa cống đầu mối, nạo vét kênh mương chính, mương nhánh dẫn nước vào ao nuôi; nếu chưa kịp xử lý thì nên di chuyển thủy sản chưa đạt kích cỡ thương phẩm vào ao nuôi phía trong có bờ cao hơn đỉnh triều trong nhiều năm. Đối với diện tích nuôi ngao ngoài bãi triều, hướng dẫn người dân tiến hành tu sửa chân vây, chòi canh, vệ sinh và san phẳng bãi nuôi; sau bão cần huy động nhân lực để cào, san thưa những chỗ ngao bị dồn để ngao phát triển bình thường...

Trần Tuấn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày