Thứ 2, 20/05/2024, 11:53[GMT+7]

Quản lý, khai thác bền vững khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy

Thứ 2, 31/08/2020 | 08:10:52
2,647 lượt xem
Với tiềm năng, giá trị to lớn, việc thành lập khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy là cơ hội để huyện Thái Thụy nói riêng, tỉnh ta nói chung khai thác hiệu quả, bền vững hệ sinh thái đất ngập nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Khu đất ngập nước ven biển xã Thụy Trường nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy.

Theo các nhà nghiên cứu, vùng đất ngập nước ven biển Thái Thụy là một trong những đại diện hiếm hoi của hệ sinh thái ven biển nhiệt đới với môi trường phức tạp và đa dạng trong vùng đồng bằng châu thổ, được hình thành giữa động lực sông và biển, có các cửa sông và những nhánh sông bao quanh bởi những cồn cát chắn. Khu vực này ghi nhận có trên 1.000 loài động vật sống trong các hệ sinh thái rừng ngập mặn, bãi triều và vùng nước cửa sông ven bờ. Đây cũng là nơi tập trung chim nước di cư hàng năm từ tháng 10 năm nay đến tháng 4 năm sau với số lượng hàng vạn cá thể. Trong số đó, có một số loài chim nước di cư được ghi trong danh mục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đến trú ngụ và kiếm ăn như: cò thìa, mòng bể mỏ ngắn, rẽ mỏ thìa, quắm đầu đen... Do có tầm quan trọng quốc tế trong công tác bảo tồn các loài chim di trú nên vùng đất ngập nước Thái Thụy đã được công nhận là một trong những vùng chim quan trọng của Việt Nam.

Với ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của vùng đất ngập nước Thái Thụy, đóng góp thiết thực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đặc biệt là môi trường và tạo nguồn lợi, sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Những năm qua, các sở, ngành chức năng tỉnh, huyện Thái Thụy đã tăng cường công tác quản lý, bảo tồn vùng đất ngập nước huyện Thái Thụy, đồng thời tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai việc thành lập khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy.  Sau 4 năm triển khai, với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực của các nhà khoa học, toàn thể nhân dân và chính quyền các cấp, ngành trong tỉnh, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy đã được UBND tỉnh phê duyệt thành lập theo Quyết định số 2514/QĐ-UBND ngày 6/9/2019. Ngày 24/6/2020, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lễ công bố thành lập khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy. Khu bảo tồn có diện tích 6.560ha với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 1.500ha; phân khu phục hồi sinh thái là 4.800ha; phân khu dịch vụ, hành chính 260ha. Vị trí nằm ngoài đê biển số 8, kéo dài trên các xã Thụy Trường, Thụy Xuân, Thụy Hải và thị trấn Diêm Điền. Mục tiêu là bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học ở vùng đất ngập nước ven biển Thái Thụy, nhất là bảo tồn các loài chim di cư trú đông bị đe dọa cấp toàn cầu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc quản lý, khai thác và sử dụng khôn khéo các dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước trong khu vực, bảo đảm tính kết nối với các sinh cảnh liên kết.

Người dân khai thác nguồn lợi thủy sản trong khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy.

Việc thành lập khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy là sự kiện có ý nghĩa quan trọng của tỉnh. Thời gian qua, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ về bảo tồn, khai thác và phát triển khu bảo tồn. Trong đó, đã ban hành quyết định thành lập Ban Quản lý khu bảo tồn trên cơ sở kiện toàn Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo ông Bùi Văn Tính, Giám đốc Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Bình: Để quản lý, khai thác bền vững khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy, thời gian tới, Ban sẽ tích cực phối hợp với huyện Thái Thụy phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, khắc phục những khó khăn, hạn chế, tận dụng những cơ hội phát triển mới có tính đột phá, tập trung bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng khôn khéo các dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước ven biển, bảo đảm môi trường sống cho loài sinh vật trong khu vực; tăng cường tính kết nối với các sinh cảnh liên kết trong khu vực đồng bằng sông Hồng nhằm bảo tồn và sử dụng hợp lý các giá trị của hệ sinh thái đất ngập nước trong vùng. Qua đó phục hồi, phát triển các quần thể thủy sản có giá trị kinh tế, gia tăng trữ lượng và khả năng khai thác; gia tăng lợi ích thu được từ các dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước của khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy. Cùng với đó là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đồng lòng thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ xây dựng khu bảo tồn, bảo vệ rừng ngập mặn và môi trường ven biển...

Trần Tuấn