Thứ 2, 20/05/2024, 05:09[GMT+7]

Tiếp sức sản xuất vụ đông

Thứ 6, 30/10/2020 | 08:57:29
1,378 lượt xem
Vụ đông có thời gian ngắn, sản phẩm đa dạng, tạo khối lượng nông sản lớn, giá trị cao, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của ngành Nông nghiệp. Để đạt và vượt mục tiêu diện tích gieo trồng, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích nông dân mở rộng diện tích gieo trồng.

Nông dân huyện Kiến Xương thu hoạch cây vụ đông sớm.

Trong lễ phát động phong trào trồng cây vụ đông ưa lạnh do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vừa qua, ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Trong bối cảnh nước ta và các nước trên thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 làm suy giảm nghiêm trọng tốc độ tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống dân sinh thì việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất vụ đông nói riêng sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đề án sản xuất vụ đông xuân năm 2020 - 2021 phấn đấu mục tiêu gieo trồng trên 36.000ha cây vụ đông. 

Với sự tập trung chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, các ngành và nỗ lực của bà con nông dân, đến nay, toàn tỉnh đã trồng trên 21.000ha cây màu vụ đông, đạt 60% kế hoạch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7 làm trên 10.000ha bị thiệt hại; trong đó gần 5.000ha bị thiệt hại từ 30 - 70%, gần 6.000ha bị thiệt hại trên 70%. Nếu không khẩn trương, tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp gieo trồng cây vụ đông ưa lạnh thì nguy cơ không đạt được các mục tiêu theo kế hoạch trong khi thời vụ gieo trồng không còn nhiều.

Để đạt và vượt mục tiêu diện tích vụ đông đồng thời vực dậy phong trào sản xuất vụ đông, với chủ trương mở rộng tối đa diện tích gieo trồng; sử dụng giống có phẩm cấp, chất lượng tốt gắn với đầu tư thâm canh, bảo đảm đúng khung thời vụ; khuyến khích thuê, mượn ruộng để sản xuất tập trung; các cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện tập trung hỗ trợ phát triển một số cây trồng chủ lực, vùng chuyên canh quy mô lớn.

Sản xuất vụ đông vốn là thế mạnh của huyện Quỳnh Phụ với nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Mặc dù vậy, huyện vẫn luôn quan tâm, tạo điều kiện để người dân sản xuất vụ đông. Với nhiều người dân Quỳnh Phụ, cấy 2 vụ lúa là để lấy gạo ăn, còn muốn làm giàu thì phải trồng vụ đông. Duy trì diện tích trên 6.500ha vụ đông mỗi năm, các cây trồng có giá trị kinh tế cao được nông dân Quỳnh Phụ mở rộng như: ớt, ngô, dưa bao tử, cà rốt... trong đó diện tích được liên kết, tiêu thụ đạt 1.800ha. Vụ đông năm 2019 được đánh giá là vụ giành thắng lợi về diện tích, giá trị kinh tế. 

Ông Nguyễn Đình Triệu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Vụ đông năm nay, toàn huyện phấn đấu gieo trồng trên 6.500ha, đến nay đã trồng được trên 5.000ha. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 7 đã làm  500ha cây màu ưa ấm bị ảnh hưởng, trong đó gần 100ha chủ yếu là ngô, ớt thiệt hại nặng. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND huyện điều chỉnh cơ chế hỗ trợ vụ đông, chuyển từ nhóm cây ưa ấm (bí đỏ, ngô) sang phát triển cây ưa lạnh (cải ngọt) đồng thời chỉ đạo các xã mở rộng tối đa diện tích trồng cây ưa lạnh: khoai tây, rau các loại.

Làm đất chuẩn bị trồng khoai tây vụ đông tại xã Vũ An (Kiến Xương).

Với huyện Kiến Xương, vụ đông cũng được xem là vụ sản xuất chính trong năm của ngành trồng trọt, diện tích duy trì tương đối ổn định gần 4.000ha (bằng 33% diện tích đất sản xuất nông nghiệp) tập trung nhóm các cây ưa lạnh trên đất 2 lúa như: khoai tây, dưa chuột, dưa gang, đậu tương, ngô giống... Đặc biệt, khoai tây là cây trồng có thế mạnh của huyện. Toàn huyện hiện có 13 kho lạnh với công suất bảo quản 1.000 tấn khoai giống/năm. Huyện đã có kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu khoai tây với diện tích khoảng 3.500ha, sản lượng khoảng 49.000 tấn để kêu gọi đầu tư dự án xây dựng nhà máy chế biến khoai tây. 

Ông Nguyễn Văn Dực, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Cùng với cơ chế hỗ trợ của tỉnh, để thúc đẩy sản xuất vụ đông năm 2020, huyện đã ban hành cơ chế hỗ trợ, trong đó tập trung cho cây trồng chủ lực là khoai tây và rau ưa lạnh, hỗ trợ các vùng liên kết sản xuất rau màu tập trung theo chuỗi với tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến 1,6 tỷ đồng.

Ngành Nông nghiệp đang cùng các địa phương tiếp nhận, cấp phát 8.450kg hạt giống rau các loại do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ đồng thời phân công cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện tốt khâu gieo trồng, chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh, thu hoạch các loại cây trồng bảo đảm cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao nhất.

Ngoài tạo điểm tựa vững chắc cho người dân bằng cách hỗ trợ trong khâu sản xuất thì việc khơi thông đầu ra sản phẩm là yếu tố quyết định giúp sản xuất vụ đông khởi sắc. Điều này không chỉ đòi hỏi sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành mà cần sự thay đổi trong tư duy sản xuất của chính người nông dân.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày