Thứ 5, 02/05/2024, 14:34[GMT+7]

Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV: Đổi mới, chất lượng, hiệu quả

Thứ 5, 19/11/2020 | 08:44:46
4,679 lượt xem
Sau 19 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần dân chủ, đổi mới và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Nhân dịp này, phóng viên Báo Thái Bình phỏng vấn đồng chí Phạm Văn Tuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về kết quả kỳ họp và những đóng góp của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tại kỳ họp.

Phóng viên: Xin đồng chí đánh giá về những đổi mới của kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV?

Đồng chí Phạm Văn Tuân: Đây là kỳ họp thứ hai được Quốc hội kết hợp giữa họp trực tuyến và tập trung. Đợt 1 (ngày 20 - 27/10) họp trực tuyến tiến hành liên tục trong nhiều ngày nhưng vẫn diễn ra thông suốt, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Việc bố trí khoảng thời gian giữa 2 đợt họp đã tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến, hoàn thiện các dự thảo luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội biểu quyết thông qua. Tổng thời gian làm việc của cả 2 đợt họp ngắn hơn so với các kỳ họp trước nhưng vẫn hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình kỳ họp với nhiều nội dung cấp thiết, quan trọng trong bối cảnh cả nước đang quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép”, nhất là các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn do thiên tai và đại dịch Covid-19 gây ra, được các vị đại biểu Quốc hội, dư luận và cử tri đánh giá cao.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 7 dự án luật, 13 nghị quyết, cho ý kiến về 4 dự án luật khác; tham gia ý kiến về dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV, xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác.

Phóng viên: Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh góp phần vào thành công của kỳ họp như thế nào thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Văn Tuân: Tại kỳ họp, các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn cùng với đại biểu Quốc hội trong cả nước đã tích cực tham gia thảo luận các nội dung của kỳ họp, biểu quyết quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã đóng góp 18 lượt ý kiến phát biểu về các lĩnh vực như kinh tế - xã hội, thảo luận về các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội. Trong đó có 6 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường; 12 lượt ý kiến phát biểu tại tổ; 6 lượt đại biểu với 9 ý kiến chất vấn trực tiếp Bộ trưởng các bộ: Công an; Lao động - Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Thông tin và Truyền thông; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Nội dung các ý kiến đều đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân trong tỉnh, đồng thời thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của đại biểu Quốc hội với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Phóng viên: Đồng chí đánh giá như thế nào về phiên chất vấn và trả lời chất vấn?

Đồng chí Phạm Văn Tuân: Tại kỳ họp, Quốc hội đã dành 2,5 ngày để tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là phiên chất vấn cuối cùng về hoạt động chất vấn của Quốc hội khóa XIV để đánh giá lại một cách toàn diện kết quả triển khai các yêu cầu của Quốc hội được nêu trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Cách thức tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn không theo nhóm chuyên đề mà đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn tất cả các vấn đề, lĩnh vực nào thì Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, người đứng đầu các cơ quan liên quan sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp trả lời theo điều hành của chủ tọa kỳ họp.

Tiếp tục phát huy ứng dụng của công nghệ thông tin, lần này, việc đăng ký chất vấn và tranh luận của đại biểu Quốc hội được thực hiện thông qua App Quốc hội. Chủ tọa điều hành theo hướng mỗi lượt chất vấn mời 3 - 5 đại biểu đặt câu hỏi; các vị đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá 1 phút và người trả lời chất vấn cũng không quá 3 phút đối với mỗi nội dung trong câu hỏi của đại biểu. Thời gian tranh luận cho mỗi đại biểu là 2 phút, mỗi đại biểu tranh luận không quá 2 lần.

Tổng cộng đã có 121 lượt đại biểu Quốc hội chất vấn, 41 lượt đại biểu tranh luận. Các thành viên Chính phủ, trong đó có 3 Phó Thủ tướng Chính phủ và 15 Bộ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình. Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo làm rõ, cụ thể thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời chất vấn của các đại biểu. Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội cũng đã trả lời trực tiếp chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Việc chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thể hiện tinh thần trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung được cử tri và nhân dân quan tâm đã được Quốc hội giám sát, ra nghị quyết yêu cầu thực hiện. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi để làm rõ thêm những vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm. Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào nội dung chất vấn. Các thành viên Chính phủ, các vị trưởng ngành cơ bản đã trả lời rõ, thẳng thắn về kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân, nhận trách nhiệm và có giải pháp cụ thể để khắc phục. Tuy nhiên, cũng có vấn đề trả lời còn chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu, chưa làm rõ được trách nhiệm nên còn có ý kiến tranh luận, trao đổi lại.

Đồng chí Phạm Văn Tuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì thảo luận tổ.

Phóng viên: Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng. Thời gian tới, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ triển khai các hoạt động gì để đưa nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển?

Đồng chí Phạm Văn Tuân: Ngay sau khi kết thúc kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động tiếp xúc với cử tri trong toàn tỉnh để báo cáo toàn bộ nội dung kết quả của kỳ họp thứ mười, các báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri trong tỉnh đã gửi đến kỳ họp và kết quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh năm 2020. Đồng thời, gắn với việc tiếp tục hoàn thành các nội dung trong kế hoạch hoạt động của Đoàn đã đề ra từ đầu năm. Các vị đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trong phạm vi, quyền hạn của mình sẽ tích cực chủ động trong công tác phổ biến pháp luật, tiếp tục thông tin, tuyên truyền và giám sát việc triển khai thi hành các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua. Tích cực, chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để phản ánh, kiến nghị kịp thời với Quốc hội, Chính phủ.  

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày