Chủ nhật, 24/11/2024, 23:13[GMT+7]

Vì môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em

Thứ 2, 30/11/2020 | 09:48:24
3,907 lượt xem
Những năm qua, tình trạng phụ nữ và trẻ em bị bạo hành, xâm hại có chiều hướng gia tăng. Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh xảy ra trên 100 vụ bạo hành phụ nữ và 8 - 10 vụ trẻ em bị xâm hại, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự cũng như tâm lý, cuộc sống của phụ nữ và trẻ em. Vì vậy, nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em là một trong những việc cần được quan tâm đẩy mạnh thực hiện.

Cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tuyên truyền kiến thức phòng, chống xâm hại trẻ em cho học sinh Trường Tiểu học và THCS Minh Tân (Kiến Xương).

Số vụ bạo hành, xâm hại phụ nữ, trẻ em tăng

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2017 đến năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 523 vụ bạo lực gia đình (năm 2017 có 146 vụ, năm 2018 có 199 vụ, năm 2019 có 178 vụ). Các loại bạo lực gồm: thể xác, tình dục, tinh thần, kinh tế và kiểm soát hành vi. Còn theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2011 - 2014 trên địa bàn tỉnh có 58 trẻ em bị xâm hại (41 trẻ bị xâm hại tình dục, 17 trẻ bị bạo lực). Giai đoạn từ năm 2015 đến tháng 6/2019 có 74 trẻ bị xâm hại (52 trẻ bị xâm hại tình dục, 21 trẻ bị bạo lực, 1 trẻ bị mua bán) và đây cũng là giai đoạn số trẻ em bị bạo lực tăng 4 vụ, trẻ bị xâm hại tình dục tăng 11 vụ và tăng 1 vụ mua bán trẻ em. Hầu hết trẻ em bị xâm hại tình dục đều là nữ và ở độ tuổi từ 13 - 16 tuổi. Đây chỉ là số vụ được chính quyền địa phương báo cáo, ngoài ra còn những phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, xâm hại mà người bị hại không dám lên tiếng.

Nguyên nhân sâu xa của bạo lực gia đình là do xã hội vẫn tồn tại những quan niệm về định kiến giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ; tình trạng chồng nghiện rượu, sa vào cờ bạc, con cái vi phạm pháp luật... dẫn đến vợ chồng lục đục, kinh tế khó khăn, mâu thuẫn vợ chồng gay gắt và khi đó xảy ra bạo lực trong gia đình. Với các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em, xuất phát từ việc trẻ chưa được hướng dẫn đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục; các em khi bị xâm hại tình dục đa phần đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti nên không dám chia sẻ, không dám tố giác kẻ phạm tội. Cha mẹ ít dạy con kỹ năng tự bảo vệ và đôi khi vì e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên cũng không tố giác kẻ phạm tội.

Cộng đồng cùng lên tiếng

Xây dựng môi trường sống an toàn, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là thước đo cho sự tiến bộ, là trách nhiệm chung của toàn xã hội và mỗi người dân. Do đó, cộng đồng tiếp tục chung tay, thể hiện sự quyết tâm hơn nữa trong xây dựng môi trường sống an toàn cho tất cả chúng ta, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Thời gian qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tích cực phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em thông qua các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về chăm sóc, bảo vệ phụ nữ, trẻ em cũng như các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em cho mọi tầng lớp nhân dân. 

Trong 5 năm (2015 - 2019), các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tổ chức 240 chiến dịch truyền thông về công tác chăm sóc, bảo vệ phụ nữ, trẻ em; in ấn, treo trên 10.000 pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, biển báo; in và phát trên 730.000 tờ rơi, tờ gấp, sách hỏi đáp về phòng, chống bạo lực gia đình. 

Từ đầu năm đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức 350 lớp truyền thông cho trên 43.000 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ kiến thức pháp luật về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội...; phối hợp với Hội Luật gia tỉnh tổ chức 30 lớp phổ biến pháp luật cho 3.600 phụ nữ thuộc 30 cơ sở hội. Hội liên hiệp phụ nữ các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn phối hợp tổ chức 303 lớp tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em..., thu hút trên 27.000 lượt hội viên, phụ nữ tham gia. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm nay diễn ra từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”. Theo ông Phí Ngọc Thành, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cùng với việc triển khai các hoạt động theo kế hoạch của UBND tỉnh như tập trung đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; vận động toàn xã hội chủ động, tích cực hành động nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em…, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều hoạt động theo hướng nâng cao năng lực cho phụ nữ và trẻ em để họ có khả năng tự bảo vệ và xây dựng môi trường sống, làm việc an toàn cho chính mình và gia đình. Đồng thời đẩy mạnh việc lên tiếng trong các vụ việc xâm hại quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em, tham gia giám sát và phản biện xã hội đối với các quy định pháp luật liên quan đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Song song với tuyên truyền, nhiều mô hình về phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em đã được xây dựng, nhân rộng, góp phần nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em.

Nguyễn Cường