Thứ 4, 09/10/2024, 14:56[GMT+7]

“Giải cứu” bắp cải

Thứ 5, 11/03/2021 | 08:57:18
3,408 lượt xem
Đang loay hoay với 12.000 cây bắp cải đã quá lứa nhưng chưa thu hoạch vì khó tiêu thụ, ông Nguyễn Văn Khiêm, thôn A Mễ, xã Quỳnh Trang (Quỳnh Phụ) vui mừng vì được các đoàn thể, đơn vị chung tay “giải cứu”.

Trung tâm Ngoại ngữ Headway thu mua giúp ông Nguyễn Văn Khiêm 600kg bắp cải.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng loạt bếp ăn tập thể trong các công ty, trường học, nhà hàng tạm ngừng hoạt động khiến nguồn nông sản rơi vào bế tắc, khó tiêu thụ. Nguy cơ mất trắng vốn liếng khiến người nông dân “đứng ngồi không yên”. Nằm chơ vơ giữa cánh đồng, bao quanh là những thửa ruộng cấy lúa đã bén rễ hồi xanh, mảnh ruộng trồng bắp cải rộng 1,2 mẫu của gia đình ông Nguyễn Văn Khiêm đang nứt nổ do quá lứa thu hoạch khiến ai cũng xót xa. Trước đây, nhìn cánh đồng bị bỏ hoang không cấy lúa do kém hiệu quả, ông Khiêm tiếc đất, thuê, mượn để cấy lúa, trồng màu từ năm 2019 với tổng diện tích 17 mẫu. Vụ đông năm 2020, ông trồng gần 16 mẫu khoai tây, 1,2 mẫu bắp cải, trong đó khoai tây được công ty thu mua, bắp cải ông bán tự do. 

Ông Khiêm cho biết: 16 mẫu khoai tây tôi trồng liên kết bao tiêu với công ty. Tuy nhiên, không rõ nguyên nhân do thời tiết, kỹ thuật hay giống mà khoai thu hoạch bị nứt, công ty không thu mua, thiệt hại trên 100 triệu đồng. Riêng với bắp cải, theo tính toán ban đầu, 1,2 mẫu tôi trồng 12.000 cây, “trừ hao” do sâu bệnh, chuột cắn phá còn thu khoảng 10.000 cây. Với giá bán trung bình 5.000 đồng/cây sẽ thu 50 triệu đồng, trừ mọi chi phí còn lãi trên 20 triệu đồng. Nhưng đó là khi không có dịch bệnh. Hiện tại, tôi chỉ mong sao bán được và thu hồi 22 triệu đồng tiền vốn đã đầu tư.

Đáng ra, bắp cải thu bán phục vụ dịp tết Nguyên đán nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến tiêu thụ khó khăn nên rau vẫn nằm trên ruộng “chờ” người mua. Hiện tại, khoảng 30% số bắp cải bị nứt nổ do quá lứa, 10% bị chuột cắn phá.

Chia sẻ với những khó khăn của nông dân, hội viên, tại Đại hội đại biểu phụ nữ xã An Ấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức ngày 7/3, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quỳnh Phụ đã phát động hội viên chung tay ủng hộ giúp tiêu thụ trên 300 cây bắp cải với trọng lượng trên 400kg. 

Chị Đinh Thị Hồng Thái, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quỳnh Phụ cho biết: Mỗi cây bắp cải là một tấm lòng chia sẻ, bù đắp phần nào thiệt hại giúp hội viên, nông dân vượt qua khó khăn, tái sản xuất, ổn định cuộc sống. Thời gian tới, Hội sẽ rà soát các trường hợp hội viên gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, tiếp tục tuyên truyền, vận động các chi hội cơ sở chung tay chia sẻ khó khăn cho hội viên, nông dân.

Cũng trong ngày 7/3, Trung tâm Ngoại ngữ Headway (thành phố Thái Bình) đã thu mua giúp gia đình ông Khiêm 600kg bắp cải. Chia sẻ về ý tưởng “giải cứu” nông sản cho bà con nông dân, chị Phạm Thị Nguyệt, Giám đốc Trung tâm cho biết: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết không chỉ tại các vùng có dịch Covid-19 mà ngay tại Thái Bình nhiều hộ nông dân sản xuất với quy mô lớn cũng đang chật vật với khối lượng lớn rau màu ứ đọng. Mỗi đơn vị, tổ chức thu mua một ít, khó khăn sẽ giảm đi rất nhiều cho bà con. Buổi sáng chúng tôi xuống cùng bà con thu hoạch, vận chuyển và lập điểm bán ngay tại Trung tâm, cuối ngày đã tiêu thụ được gần 400kg. Nếu việc tiêu thụ thuận lợi, chúng tôi sẽ tiếp tục thu mua giúp người dân, tránh tình trạng rau màu bị hỏng trên ruộng.

Cùng với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quỳnh Phụ, Trung tâm Ngoại ngữ Headway, ngày 5/3 vừa qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí thu mua 2.500 cây, tương đương gần 5 tấn rau bắp cải với mức trợ giá 2.000 đồng/cây. Hiện còn khoảng 3.000 cây trên ruộng.

Ông Nguyễn Văn Khiêm cho biết thêm: Đã có lúc tiêu cực, tôi định đưa máy xuống ủi hết số bắp cải làm phân bón để gieo cấy lúa xuân cho kịp thời vụ. May mắn nhờ các đoàn thể, đơn vị chia sẻ, giúp đỡ nên sản lượng bán ra cũng khá hơn. Tôi mừng lắm.

Từ câu chuyện “giải cứu” bắp cải ở trên hay việc giá rau củ giảm mạnh gần một tháng qua khiến nông dân không muốn thu hoạch đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết trong sản xuất nông nghiệp. Tích tụ ruộng đất để sản xuất với quy mô lớn là chủ trương đang được ngành Nông nghiệp và các địa phương khuyến khích. Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất cần phải có định hướng, xuất phát từ nhu cầu thị trường, tạo dựng các chuỗi liên kết. Có như vậy mới hạn chế được việc phải “giải cứu” nông sản như hiện nay.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày