Thứ 6, 29/03/2024, 04:02[GMT+7]

Nam Trung: Tiêm phòng vắc-xin bảo vệ đàn gia súc, gia cầm

Thứ 3, 06/04/2021 | 08:24:19
1,587 lượt xem
Nam Trung là một trong những xã có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn của huyện Tiền Hải. Do đó, để bảo vệ đàn vật nuôi, địa phương đã chủ động tiêm phòng vắc-xin phòng, chống dịch bệnh, góp phần bảo đảm chăn nuôi luôn phát triển ổn định.

Người dân xã Nam Trung tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho vật nuôi.

Tới thăm gia trại nuôi lợn của anh Trương Văn Tuấn, thôn Hải Định đúng vào lúc gia đình anh đang tiến hành rắc vôi bột vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại cho lứa lợn vừa tái đàn. 

Anh Tuấn chia sẻ: Gia đình tôi nuôi 34 con lợn. Để bảo đảm cho đàn lợn phát triển tốt, gia đình luôn coi trọng công tác phòng bệnh bằng nhiều biện pháp như tiêm vắc-xin, vệ sinh sạch sẽ khu vực chăn nuôi... Đặc biệt, thời điểm giao mùa việc tiêm phòng được tăng cường bởi đây là lúc các bệnh lở mồm long móng, dịch tả trên đàn lợn dễ bùng phát. Không chỉ có gia đình anh Tuấn thực hiện tốt việc phòng bệnh cho đàn vật nuôi, mà các hộ dân xã Nam Trung không chủ quan, lơ là việc tiêm vắc-xin - một trong những biện pháp cần thiết không để dịch bệnh xâm nhập vào đàn vật nuôi. 

Gia đình anh Đinh Văn Hà, thôn Hải Ngoại hiện đang nuôi trên 1.500 con gà. Quá trình nuôi, anh Hà luôn quan tâm nắm bắt đặc tính của đàn vật nuôi, đặc biệt coi công tác vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh là yếu tố sống còn đối với nghề chăn nuôi nên thường xuyên theo dõi kế hoạch phòng, chống dịch bệnh của xã để chủ động phòng ngừa dịch bệnh cho trang trại của gia đình.

Ông Trương Văn Chỉ, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Trung cho biết: Nhằm quản lý tốt đàn vật nuôi, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, thời gian qua xã Nam Trung  tích cực triển khai tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc, gia cầm. Tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi là một trong những biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả, đặc biệt là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm để bảo đảm phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững và cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái. Đến nay, Nam Trung có đàn lợn 1.270 con, trâu, bò 202 con, đàn gia cầm 65.000 con... Thực hiện kế hoạch tiêm phòng của huyện, xã Nam Trung được cấp 1.000 liều vắc-xin dịch tả, lở mồm long móng 350 liều, tụ huyết trùng trâu, bò 40 liều, tụ dấu 400 liều, vắc-xin dại 300 liều. Để tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm trong diện phải tiêm đạt hiệu quả cao, xã chỉ đạo Ban Chăn nuôi và Thú y thực hiện việc tiêm phòng đúng tiến độ, bảo đảm nhanh gọn, an toàn; việc quản lý và sử dụng vắc-xin đúng quy định, đúng đối tượng trong suốt thời gian thực hiện. Chỉ đạo các thôn rà soát chặt chẽ các hộ chăn nuôi, tuyên truyền để các hộ dân nắm chủ trương và thực hiện đầy đủ. 

Ngoài ra, xã cũng đẩy mạnh phun khử trùng, tiêu độc khu vực chuồng trại và môi trường xung quanh để ngăn ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong chăn nuôi. Khuyến cáo bà con nông dân cần quan tâm hơn nữa tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm nhằm hạn chế thiệt hại trong chăn nuôi. Đối với đàn trâu, bò, tiêm phòng bệnh lở mồm long móng, bệnh tụ huyết trùng; với đàn lợn, tiêm phòng bệnh dịch tả lợn, bệnh tụ huyết trùng, lợn nái, lợn đực giống tiêm phòng bệnh lở mồm long móng; đàn gà, vịt, tiêm phòng bệnh cúm gia cầm; đàn chó, mèo tiêm phòng bệnh dại... Sau tiêm phòng, người chăn nuôi cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp, nhất là đối với trâu, bò có giá trị kinh tế cao không nên chăn thả ngay mà cần nuôi nhốt, bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng cho gia súc.

Mạnh Thắng