Thứ 5, 26/12/2024, 23:56[GMT+7]

Quốc hội Việt Nam: Những dấu ấn nổi bật Quốc hội khóa VIII (1987 - 1992)

Thứ 2, 12/04/2021 | 08:56:43
8,046 lượt xem
Quốc hội khóa VIII là Quốc hội của giai đoạn khởi đầu sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra nhằm ổn định tình hình kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ quốc tế, đưa đất nước sớm ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, vững bước tiến lên trên con đường xã hội chủ nghĩa.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII (tháng 6/1987). Ảnh tư liệu

Quốc hội khóa VIII được bầu ngày 19/4/1987 và bầu 496 đại biểu. Cơ cấu, thành phần của Quốc hội: công nhân 20%, nông dân 21%, trí thức 24,9%, đảng viên 93%, cán bộ chính trị 20,2%, dân tộc thiểu số 14%, quân đội 9,9%, phụ nữ 18%, thanh niên 11,2%. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã bầu đồng chí Lê Quang Đạo làm Chủ tịch Quốc hội; 5 Phó Chủ tịch Quốc hội; thành lập Hội đồng Quốc phòng, Hội đồng Dân tộc và 7 ủy ban: Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Kinh tế, Kế hoạch và Ngân sách; Ủy ban Văn hóa và Giáo dục; Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật; Ủy ban Y tế và Xã hội; Ủy ban Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; Ủy ban Đối ngoại.

Để đáp ứng yêu cầu quản lý đất nước bằng pháp luật, trong nhiệm kỳ 5 năm với 11 kỳ họp, Quốc hội khóa VIII đã thông qua 2 bộ luật, 25 đạo luật và Hội đồng Nhà nước đã ban hành 39 pháp lệnh. Trong đó có Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã mở đường cho việc đẩy mạnh đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty... là những đạo luật quan trọng thể chế hóa đường lối phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần ở nước ta. Lần đầu tiên các luật này thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và quyền thành lập công ty và doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra, Quốc hội còn ban hành các luật về thuế như: Luật Thuế doanh thu, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Hàng không dân dụng... Hội đồng Nhà nước đã ban hành hàng loạt pháp lệnh điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, Quốc hội khóa VIII đã sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1980 một cách cơ bản, toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới. Ngoài việc thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân, Hiến pháp 1992 đã thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và tạo cơ sở pháp lý đưa đất nước phát triển trong giai đoạn mới.

Trong việc thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban thường trực của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đã có nhiều cố gắng, quan tâm đến những vấn đề nóng bỏng, cấp bách về kinh tế - xã hội và thi hành pháp luật nhằm nâng cao vai trò của Quốc hội, từng bước thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân. Trong nhiệm kỳ, ngoài việc thảo luận, ra nghị quyết về các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, Quốc hội đã xem xét, quyết định sáp nhập các bộ và thay đổi, bổ sung nhân sự cấp cao của Nhà nước. So với các nhiệm kỳ trước, cách bàn bạc và biểu quyết của Quốc hội khóa VIII được thực hiện dân chủ và cởi mở hơn, thể hiện được trách nhiệm của Quốc hội và đại biểu Quốc hội với cử tri cả nước.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII, nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng: Kinh tế phát triển, văn hóa, giáo dục đạt được nhiều kết quả tốt. Việc xây dựng và tăng cường nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân có bước phát triển mới. Quan hệ đối ngoại được mở rộng. Quốc phòng, an ninh được củng cố.

Quốc hội khóa VIII, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình có 15 đại biểu. Các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tổng hợp các vấn đề cử tri quan tâm, bức xúc, vấn đề phát sinh từ thực tiễn địa phương cũng như cả nước chuyển tới Quốc hội, đưa ra bàn thảo, chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội; đồng thời, tham gia tích cực vào hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội cũng đem hết năng lực, trí tuệ của mình cùng với Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (năm 1991); tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, từng bước xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyễn Hình - Thu Hiền

(tổng hợp)