Thứ 6, 22/11/2024, 17:51[GMT+7]

Quốc hội Việt Nam: Những dấu ấn nổi bật Quốc hội khóa XIII (2011 - 2016)

Thứ 2, 19/04/2021 | 08:13:38
6,678 lượt xem
Ngày 22/5/2011, lần đầu tiên cử tri cả nước đi bầu đồng thời đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong cùng một ngày. Đây là nhiệm kỳ đầu tiên Quốc hội cùng nhân dân cả nước thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được bổ sung, phát triển tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (2011).

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình dự kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII. Ảnh tư liệu

Quốc hội khóa XIII có 500 đại biểu. Trong đó, trung ương 33,4%, địa phương 66,6%, đại biểu tham gia lần đầu 66,6%, dân tộc thiểu số 15,6%, phụ nữ 24,4%, đại biểu ngoài Đảng 8,4%, đại biểu khóa XII tái cử 33,4%, đại biểu tự ứng cử 0,8%, đại biểu trẻ tuổi 12,4%, đại biểu có trình độ đại học và trên đại học 98,2%, đại biểu thuộc khối doanh nghiệp 4,26%, tôn giáo 2,84%.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã bầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 17 thành viên, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch Quốc hội. Tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội bầu bổ sung 1 ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quốc hội cũng đã thành lập Hội đồng Quốc phòng và An ninh; Hội đồng Dân tộc và 9 ủy ban. Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn duy trì 3 cơ quan chuyên môn trực thuộc là Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện và Viện nghiên cứu pháp luật.

Quốc hội khóa XIII tổ chức 11 kỳ họp. Thành tựu lớn nhất trong hoạt động lập hiến, lập pháp của Quốc hội trong nhiệm kỳ này là đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Đây là bản Hiến pháp thể hiện tinh thần đổi mới sâu sắc, tạo ra khuôn khổ pháp lý vững chắc cho sự vận hành toàn bộ đời sống xã hội trên nền tảng dân chủ, pháp quyền và tạo ra động lực mạnh mẽ để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Hiến pháp năm 2013 cũng thể hiện rõ tinh thần đề cao vai trò làm chủ của nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Quốc hội đã thông qua 85 văn bản luật, bộ luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 10 pháp lệnh. Nhiệm kỳ này cũng đánh dấu kỷ lục số lượng văn bản luật, nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật được Quốc hội thông qua tại một kỳ họp.

Hoạt động giám sát của Quốc hội trong nhiệm kỳ này không ngừng được tăng cường và đổi mới. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề cấp thiết và nổi cộm của cuộc sống. Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội tiếp tục được cải tiến, đổi mới theo hướng bảo đảm dân chủ, công khai, trách nhiệm, có tính tranh luận, đối thoại với tinh thần xây dựng. Cũng trong nhiệm kỳ, lần đầu tiên Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo Nhà nước được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Hoạt động này được nhân dân rất quan tâm, đã góp phần thúc đẩy các cơ quan nhà nước phát huy những thành tích, ưu điểm, khắc phục những thiếu sót, hạn chế để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Quốc hội khóa XIII đánh dấu thành công vượt bậc trong hoạt động đối ngoại với việc Quốc hội đăng cai tổ chức thành công kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 132 của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU 132) tại Hà Nội tháng 3/2015; Văn phòng Quốc hội đăng cai tổ chức thành công hội nghị của Hiệp hội các Tổng thư ký của Nghị viện Thế giới. Đây là những sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử ngoại giao hết sức to lớn, góp phần khẳng định đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa với phương châm Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trên thế giới.

Trong nhiệm kỳ, Quốc hội đã có nhiều cơ chế để cử tri có thể đóng góp ý kiến vào các quyết định của Quốc hội như đổi mới cách thức tiếp xúc cử tri, đăng tải dự thảo để cử tri đóng góp ý kiến qua trang thông tin trực tuyến; có cơ chế đối thoại giữa cử tri và đại biểu Quốc hội; tăng cường số lượng các phiên họp của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Đặc biệt, các ý kiến, phản ánh của cử tri đã được Quốc hội quan tâm và phản hồi nhanh chóng. Lần đầu tiên Quốc hội có một nghị quyết riêng về tổ chức bộ máy giúp việc và hoạt động của Quốc hội. Quốc hội cũng quyết định thành lập chức danh Tổng thư ký Quốc hội.

Quốc hội khóa XIII, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình có 9 đại biểu. Đoàn đã tổ chức 52 buổi hội thảo với 405 ý kiến tham gia đóng góp vào 55 dự án luật; phát biểu 391 lượt ý kiến tại hội trường, tại tổ tham gia thảo luận về các dự án luật. Qua 11 kỳ họp, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã nghiên cứu và tham gia 122 ý kiến tại hội trường, tại tổ đóng góp vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội và quyết định những chủ trương, chính sách lớn để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong nhiệm kỳ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức 15 cuộc giám sát chuyên đề, 28 cuộc khảo sát, nội dung tập trung vào chính sách đối với người có công, an toàn vệ sinh thực phẩm, giáo dục và đào tạo, cải cách hành chính... Qua giám sát, Đoàn đã có 62 kiến nghị yêu cầu, trong đó 43 ý kiến đã được xem xét, giải quyết. Tại các kỳ họp Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã có 34 ý kiến chất vấn. Trong nhiệm kỳ, các đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc cử tri 28 lần với 180 cuộc ở 1.105 lượt xã, phường, thị trấn, thôn, cơ quan với trên 25.000 lượt cử tri tham dự; đã tiếp thu, tổng hợp gửi các bộ, ngành, cơ quan 882 ý kiến, kiến nghị. Cũng trong nhiệm kỳ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã làm tốt công tác tiếp dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, tích cực thực hiện các hoạt động xã hội. Những hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trên nhiều lĩnh vực, thúc đẩy quá trình đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội và phong trào ở địa phương cũng như trong cả nước.

Nguyễn Hình - Đỗ Hiền
(tổng hợp)