Thứ 3, 21/05/2024, 00:29[GMT+7]

Các tổ chức tín dụng: Chủ động phòng, chống dịch Covid-19

Thứ 6, 21/05/2021 | 09:28:24
483 lượt xem
Do đặc thù hoạt động là thực hiện các giao dịch với lượng khách hàng lớn nên trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch nhằm bảo đảm hoạt động an toàn và hiệu quả.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên trong tháng 5/2021 Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh duy trì 257/260 điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn. Trong ảnh: Hoạt động giao dịch của Ngân hàng CSXH tại xã Đông Hoàng (Đông Hưng).

Nếu như trước đây, hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh được thực hiện tại 260 điểm trực giao dịch xã, phường, thị trấn thì ngay sau khi tỉnh xuất hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2 vào đầu tháng 5/2021, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã chủ động đề xuất hoãn giao dịch tại ba xã: Hồng Dũng (Thái Thụy) vào ngày 22, Bình Minh (Kiến Xương) vào ngày 19 và An Thái (Quỳnh Phụ) vào ngày 18 trong tháng 5 do ba xã có các thôn bị phong tỏa. 

Ông Phí Anh Tuấn, Phó Giám đốc Chi nhánh cho biết: Ngoài việc đề xuất trung ương hủy phiên giao dịch tháng 5 tại ba xã Hồng Dũng, Bình Minh và An Thái, để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn đồng thời bảo đảm an toàn cho khách hàng và cán bộ ngân hàng, Chi nhánh còn yêu cầu Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện chỉ đạo cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn chủ động sắp xếp, phân chia thời gian giao dịch của từng tổ tiết kiệm và vay vốn sao cho phù hợp với từng xã; thông báo thời gian giao dịch cụ thể của từng tổ tiết kiệm và vay vốn tới UBND xã, tổ chức chính trị - xã hội, tổ tiết kiệm và vay vốn, khách hàng biết từ đó chủ động trong việc đến trụ sở để giao dịch, bảo đảm không tập trung quá 20 người trong cùng phòng tại cùng một thời điểm. Cùng với đó, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh cũng yêu cầu mỗi cán bộ trong tổ giao dịch phải nêu cao ý thức phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của cơ quan y tế; đồng thời, thực hiện triệt để các biện pháp phòng tránh lây nhiễm trong quá trình giao dịch như: đeo khẩu trang đúng cách trong suốt quá trình giao dịch, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, kiểm tra thân nhiệt khi vào khu vực giao dịch, bố trí khoảng cách an toàn giữa các giao dịch viên và giữa giao dịch viên với khách hàng, yêu cầu các tổ giao dịch thông báo để những người có những triệu chứng như sốt, ho, khó thở, đau họng không đến giao dịch.

Đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Thái Bình (Vietcombank Thái Bình), công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện rất nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn cho cán bộ, nhân viên, nhất là bộ phận giao dịch và khách hàng. Cùng với việc thành lập tiểu ban ứng phó khẩn cấp với dịch Covid-19, Chi nhánh còn xây dựng các phương án đồng thời chuẩn bị và dự phòng đầy đủ vật tư cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch. Chi nhánh đã trang bị đầy đủ khẩu trang y tế dùng hàng ngày cho cán bộ, nhân viên và khách hàng đến giao dịch; thực hiện đo thân nhiệt toàn bộ cán bộ, nhân viên và khách hàng đến làm việc, giao dịch tại trụ sở chính và các phòng giao dịch; trang bị kính chắn giọt bắn cho bộ phận trực tiếp tiếp xúc với khách hàng; trang bị găng tay y tế cho cán bộ làm công tác ngân quỹ, giao dịch viên có tiếp xúc với tiền mặt; thường xuyên khử khuẩn chứng từ, tiền mặt bằng tia cực tím qua tủ khử khuẩn và đèn chiếu tia cực tím trong kho tiền; thực hiện khử khuẩn hàng ngày xe chở tiền bằng dung dịch sát khuẩn dạng sương mù; đồng thời, thực hiện khử khuẩn hàng tuần toàn bộ trụ sở Chi nhánh, các phòng giao dịch và các cây ATM. Cùng với đó, Chi nhánh cũng bố trí không gian giao dịch khách hàng thông thoáng, thực hiện phân luồng khách hàng, không quá 20 khách hàng/lượt giao dịch tại trụ sở Chi nhánh và không quá 15 khách hàng/lượt giao dịch tại các phòng giao dịch. Ngoài ra, để hạn chế khách hàng đến giao dịch trực tiếp, Vietcombank Thái Bình còn tập trung phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại, đặc biệt là ngân hàng số VCB Digibank, từ đó đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng.

Các bộ phận thực hiện giao dịch với khách hàng đều được Ngân hàng TMCP Ngoại thương Chi nhánh Thái Bình trang bị kính chắn giọt bắn.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 26 ngân hàng và 85 quỹ tín dụng nhân dân hoạt động; trong đó, các ngân hàng đã thành lập 8 chi nhánh cấp huyện và thành phố, 93 phòng giao dịch; 45 quỹ tín dụng nhân dân mở rộng địa bàn sang 64 xã và 260 điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH tại các xã, phường, thị trấn. Ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, đặc biệt là khi trên địa bàn tỉnh xuất hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của tỉnh về công tác phòng, chống dịch; rà soát các vị trí công việc, các nhiệm vụ đang triển khai thực hiện, trên cơ sở đó bố trí cán bộ, nhân viên làm việc cho phù hợp. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng thường xuyên phun khử khuẩn trụ sở, khu vực giao dịch với khách hàng, các phòng làm việc; chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ phòng, chống dịch; đồng thời, yêu cầu bộ phận bảo vệ thực hiện nghiêm túc việc đo thân nhiệt, sát khuẩn đối với khách hàng đến giao dịch, nếu phát hiện trường hợp sốt, ho, khó thở đề nghị khách hàng liên hệ ngay với cơ sở y tế và báo cáo cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Minh Hương