Thứ 5, 02/05/2024, 18:58[GMT+7]

Chủ động tưới, tiêu mùa mưa bão

Thứ 5, 10/06/2021 | 08:24:40
939 lượt xem
Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng Thái Bình, năm 2021 gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn, nắng nóng cục bộ. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình đã chủ động đầu tư cơ sở vật chất, lên phương án tưới tiêu, phòng, chống lụt bão phù hợp với thực tế, sẵn sàng nhân lực, vật lực 24/7 tại các đơn vị chủ chốt, kịp thời ứng phó trong mọi tình huống.

Vận hành chạy thử trạm bơm Đông Tây Sơn (thành phố Thái Bình).

Trạm bơm Đông Tây Sơn (thành phố Thái Bình) có 9 máy bơm, tổng công suất 22.000m3/giờ, phụ trách tưới cho 100ha, tiêu cho gần 1.000ha đất nông nghiệp của các xã: Vũ Đông, Vũ Lạc (thành phố), Vũ Lễ, Tây Sơn (Kiến Xương). Để chủ động phòng, chống thiên tai, úng lụt, trước mùa mưa bão, trạm bơm được tu sửa, bảo dưỡng và vận hành thử máy. 

Ông Trần Văn Tuấn, trạm trưởng trạm bơm Đông Tây Sơn cho biết: Ngày 2/6, chúng tôi đã tiến hành chạy thử 9/9 máy bơm đồng thời phối hợp với ngành điện kiểm tra, tu bổ, sửa chữa máy biến áp, đường dây tải điện và các thiết bị phục vụ công tác tiêu úng; thường xuyên dỡ bỏ ách tắc và tổ chức vớt bèo, rác tại các cửa cống. Đến nay, trạm bơm đã sẵn sàng vận hành khi có lệnh.

Vụ mùa, vụ đông năm 2021, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình tưới, tiêu cho 31.204ha lúa, 3.634ha thủy sản, gần 13.000ha cây vụ đông. 

Ông Bùi Văn Tuân, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Để đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2021 và an toàn công trình trong mùa mưa bão, Công ty đã chỉ đạo, triển khai tới các phòng, ban chuyên môn và các xí nghiệp trực thuộc tổ chức kiểm tra, lập kế hoạch và thực hiện tu bổ, sửa chữa 21 cống dưới đê, 14 cống đập nội đồng chính, 10 trạm bơm; cắm cừ dự phòng 5 cống xung yếu thuộc hai huyện Kiến Xương, Tiền Hải, lập phương án bảo vệ cống qua đê. Công ty đã tiến hành bảo dưỡng toàn bộ các máy bơm, cống đập hiện có. Từ cuối tháng 5, đầu tháng 6, Công ty đã tổ chức chạy thử tất cả các trạm bơm tiêu úng để kịp thời phát hiện những hư hỏng phát sinh, có kế hoạch sửa chữa bảo đảm phục vụ có hiệu quả trong công tác chống úng; kiểm tra, đôn đốc và phối hợp cùng địa phương tổ chức khơi thông dòng chảy trên các trục tiêu, bảo đảm tiêu thoát nước nhanh khi mưa úng xảy ra. Các xã, HTX cũng đã tiến hành kiểm tra, nạo vét kênh mương, tôn cao, khép kín các bờ vùng, sửa chữa máy bơm dầu, bơm điện để sẵn sàng chống úng bảo vệ lúa, hoa màu. Công ty đã thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và xây dựng phương án phòng, chống úng chi tiết cho từng vùng, trong đó chú trọng các vùng úng trọng điểm.

Căn cứ lịch thời vụ gieo cấy lúa mùa của tỉnh và các huyện, thành phố trong hệ thống, lịch triều cường trong vụ, Công ty đã xây dựng phương án điều tiết nước phục vụ sản xuất theo từng thời điểm. Hiện các địa phương tập trung thu hoạch lúa xuân đồng thời tiến hành gieo mạ dược cho diện tích lúa mùa sớm - cây vụ đông ưa ấm, Công ty tiến hành lấy nước tập trung theo phương châm “lấy nhanh, rút nhanh” để thu hoạch lúa xuân thuận lợi nhất, đồng thời cấp đủ nước giữ lấm làm đất. Tháng 7, 8, 9 là thời gian tập trung mạnh nhất của bão, áp thấp nhiệt đới và mưa lớn. Vì vậy, để bảo vệ lúa mới cấy, Công ty xác định lấy công tác phòng úng là chính, chủ động tiêu kiệt nước hệ thống để phòng úng khi có dự báo mưa lớn; thời tiết thuận lợi, đồng loạt mở các cống lấy nước tăng nhanh diện tích tưới tự chảy sau đó tiêu nhanh, giữ mực nước sông trục ở chế độ phòng mưa úng.

Mặc dù đã chuẩn bị kỹ về cơ sở vật chất, lên kế hoạch, phương án bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi, phòng, chống lụt bão nhưng tình trạng vi phạm, lấn chiếm công trình thủy lợi ngày càng gia tăng; vấn đề khơi thông dòng chảy ở các sông trục cấp III của một số địa phương chưa thực sự coi trọng làm co hẹp mặt cắt sông, ách tắc dòng chảy, làm ảnh hưởng lớn tới khả năng dẫn, thoát nước của hệ thống. Công ty đã chỉ đạo các xí nghiệp trực thuộc thường xuyên kiểm tra vi phạm và vật cản trên các tuyến sông trong hệ thống; báo cáo, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền giải quyết; chủ động giải tỏa rau bèo, vật cản trên các trục sông do đơn vị quản lý.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày