Thứ 4, 04/12/2024, 15:27[GMT+7]

Một số biện pháp kỹ thuật canh tác để hạn chế bệnh lùn sọc đen phát sinh gây hại lúa mùa 2021

Thứ 6, 11/06/2021 | 08:34:29
1,777 lượt xem
Bệnh lùn sọc đen hại trên cây lúa do vi rút gây ra và hiện nay chưa có thuốc phun trừ khi vi rút đã xâm nhiễm vào cây lúa. Môi giới truyền bệnh là rầy lưng trắng. Qua theo dõi của ngành chuyên môn, vụ xuân năm 2021, trên đồng ruộng Thái Bình có gần 7% tỷ lệ mẫu rầy dương tính với vi rút lùn sọc đen. Vì vậy, để chủ động phòng tránh bệnh lùn sọc đen có thể phát sinh và làm thiệt hại đến sản xuất lúa vụ mùa 2021 cần thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật sau:

Ảnh minh họa.

1. Khâu vệ sinh đồng ruộng: Thời gian chuyển từ vụ xuân sang vụ mùa rất ngắn, nếu không làm tốt khâu này có thể rầy sẽ tồn tại ngay trên gốc lúa, tàn dư đồng ruộng... và làm lây nhiễm bệnh sang vụ mùa. Vì vậy, thu hoạch lúa xuân đến đâu cần tranh thủ đưa nước vào ruộng và làm đất ngay đến đó. Khẩn trương cày lồng dập rạ ngâm ngập nước kết hợp với vệ sinh đồng ruộng...  

2. Sử dụng một số loại phân vi sinh, vôi bột hoặc một số chế phẩm xử lý tàn dư thực vật (Sumitri, AT YTB...) để rắc, vừa làm thối ngấu tàn dư vừa phá bỏ nơi lưu trú của sâu bệnh hại, đặc biệt là đối tượng rầy.

3. Bố trí thời vụ hợp lý theo khuyến cáo của địa phương; lựa chọn và sử dụng giống lúa kháng hoặc ít nhiễm rầy để gieo cấy.

Ảnh minh họa.

4. Đối với cây mạ:

Nên sử dụng một số loại thuốc để xử lý hạt giống như Cruiser Plus 312.5FS, Enaldo 440 FS... theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Nên trộn khoảng 0,5kg phân vi sinh cho giá thể gieo mạ (diện tích mạ để cấy 1 sào) để kích thích cây ra rễ và tăng khả năng chống chịu của cây.

Mạ trước khi đưa ra ruộng cấy từ 3 - 5 ngày phải tiến hành phun thuốc trừ rầy cho 100% diện tích bằng các loại thuốc nội hấp, lưu dẫn như Actara 25WG, Midan 10WP, Penalty 40WP, Oshin 100SL..., vừa tiết kiệm chi phí vừa ngăn chặn nguồn rầy lây lan ra ruộng.

5. Khuyến cáo áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến như cấy hàng rộng, hàng hẹp; cấy thưa hợp lý; bón phân hữu cơ vi sinh, dùng NPK chuyên dùng... để giúp cây lúa khỏe, tăng sức đề kháng và tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh hại cũng như điều kiện thời tiết bất thuận.

6. Thường xuyên kiểm tra, thăm đồng, khi phát hiện thấy cây lúa có biểu hiện của bệnh lùn sọc đen phải báo ngay cho cơ quan chuyên môn hoặc địa phương; tiến hành xử lý theo khuyến cáo của ngành chuyên môn như: tiêu hủy khóm lúa, dảnh lúa bị bệnh, tiến hành phun thuốc trừ rầy kịp thời để hạn chế nguồn môi giới truyền bệnh.

Trung tâm khuyến nông thái Bình

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày