Thứ 7, 18/05/2024, 01:07[GMT+7]

Sức bật ở vùng đất trũng

Thứ 4, 23/06/2021 | 07:19:12
746 lượt xem
Những năm qua, xã Bình Thanh (Kiến Xương) đã khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các liên kết chuỗi giá trị; đồng thời tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các ngành nghề dịch vụ tạo diện mạo mới cho địa phương.

Hợp tác xã SXKD DVNN xã Bình Thanh (Kiến Xương) tổ chức thu mua thóc tươi ngay tại ruộng cho nông dân.

Phát huy thế mạnh là xã duyên giang, những năm qua người dân Bình Thanh đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo ra luồng sinh khí mới trên vùng đất trũng. Tại vùng chuyển đổi của xã có 82 hộ tham gia nuôi trồng thủy sản trên diện tích 70ha với thu nhập bình quân mỗi năm đạt 160 triệu đồng/ha. 

Ông Đoàn Văn Sỹ cho biết: Với 1,5 mẫu ao, mỗi năm xuất bán 2 lứa cá truyền thống với khoảng 4 tấn cá, trừ chi phí tôi cũng thu lãi được 70 triệu đồng. 

Ông Bùi Văn Bổng với diện tích 2ha, ngoài nuôi cá truyền thống, từ năm 2020 ông đã đầu tư 1,7 tỷ đồng vào chuồng nuôi vịt theo hình thức CP, mỗi năm xuất bán 5 lứa vịt, mỗi lứa 5.000 con thu lãi 500 triệu đồng/năm. Không chỉ mạnh ở lĩnh vực chăn nuôi, trong sản xuất nông nghiệp, Bình Thanh còn thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp từ hàng chục năm qua. Những năm đầu diện tích liên kết chỉ từ 15 - 20ha/vụ, song những năm trở lại đây diện tích tăng lên 70ha, riêng vụ lúa xuân năm 2021 tăng lên 112ha liên kết với 3 doanh nghiệp với 1.300 hộ tham gia. 

Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Tính đến ngày 15/6, HTX đã tiêu thụ 120 tấn thóc cho bà con, lợi nhuận tăng thêm 15% so với bán thóc thường. Để đáp ứng nhu cầu thu mua thóc khô của doanh nghiệp và nhu cầu của người dân, năm 2019 HTX đã đầu tư trên 400 triệu đồng xây dựng hệ thống lò sấy, bình quân mỗi vụ sấy 250 tấn thóc cho người dân. 

Bà Đào Thị Hiến, thôn Khả Phú cho biết: Với diện tích 1,3 mẫu lúa TBR225 tôi đã thu về 3,5 tấn thóc, thông qua HTX đã được doanh nghiệp thu mua 100%, trừ chi phí thu lãi 25 triệu đồng. Đó là lý do tôi tham gia cấy trong vùng lúa liên kết từ năm 2012 đến nay. 

Bên cạnh đó, Bình Thanh luôn chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Không chỉ thu hút doanh nghiệp về làng mà một số người dân đã mạnh dạn du nhập nghề mới về địa phương. Đến nay, toàn xã có 6 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lớn, trong đó riêng nghề may công nghiệp đã tạo việc làm thường xuyên cho 450 lao động ở địa phương với thu nhập bình quân từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. 

Điển hình như xưởng may của anh Hoàng Văn Sự, thôn Lập Ấp đã tạo việc làm cho hơn 30 lao động trong thôn, trong đó phần lớn là những lao động trung tuổi. Họ đều là những lao động vốn chỉ quen với công việc đồng áng, thì nay đã trở thành những công nhân may lành nghề với thu nhập ổn định. Không chỉ nghề may, Bình Thanh còn phát triển mạnh nghề đan thủ công mỹ nghệ, làm hương xuất khẩu. 

Ông Hoàng Văn Tuấn, chủ cơ sở đan thủ công mỹ nghệ Tuấn Thành, thôn Khả Phú cho biết: Nhận thấy nghề đan bèo bồng là công việc phù hợp với mọi lứa tuổi, nhất là những người độ tuổi trung niên, người già nên năm 2020 tôi đã nhập nguyên liệu của công ty lớn đồng thời tự thu mua cây bèo bồng trong dân để phát triển nghề đan, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 1.000 lao động ở trong và ngoài xã. Với mô hình này mỗi tháng doanh thu của gia đình tôi đạt trên 1 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động đạt 100.000 đồng/người/ngày. 

Bà Tô Thị Hồi, thôn Khả Phú phấn khởi cho biết: Đã 72 tuổi song hàng ngày tôi vẫn có việc làm thường xuyên, mỗi khi rảnh rỗi là tôi đan bèo bồng, tính ra cũng được từ 60.000 - 80.000 đồng/ ngày. 

Cùng với đó, lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng phát triển đa dạng. Tận dụng lợi thế có quốc lộ 37B chạy qua nên Bình Thanh đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, phát triển chợ. Đến nay, toàn xã có trên 200 hộ kinh doanh buôn bán dịch vụ trên địa bàn xã. 5 năm 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bình Thanh đạt 10,5%; đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,2%, số hộ giàu, khá chiếm khoảng 50%, thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng/năm. 

Về định hướng phát triển kinh tế của xã trong thời gian tới, ông Lê Thanh Quang, Chủ tịch UBND xã cho biết: Địa phương sẽ quy hoạch 80ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao. Xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung khoảng 200ha để hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo Bình Thanh. Xã sẽ quy hoạch 70ha đất chuyển sang sản xuất, kinh doanh để phát triển lĩnh vực công nghiệp. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương cũng như các hạng mục trong tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao để phấn đấu về đích trong năm 2021. 

Với sự phát triển trên, Bình Thanh phấn đấu tới năm 2025, tổng giá trị sản xuất đạt trên 278 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2020 - 2025 bình quân đạt 12,7%/năm.

Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày