Thứ 6, 22/11/2024, 00:07[GMT+7]

Bốn luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2021

Thứ 4, 30/06/2021 | 15:18:56
1,288 lượt xem
Bốn luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021 là các dự luật đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9 và 10.

Ảnh minh họa: VGP.

Từ ngày 1/7/2021, 4 luật có hiệu lực thi hành, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Cư trú năm 2020; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật Thỏa thuận quốc tế. Đây là các dự luật đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9 và 10.

Huy động nguồn lực phòng, chống thiên tai, bảo vệ đê điều

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9. Luật khắc phục những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong công tác phòng, chống thiên tai, huy động nguồn lực cho phòng, chống thiên tai nhằm nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế trước tình hình thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, bất thường, gây hậu quả nghiêm trọng.

Một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai được sửa đổi, bao gồm: Loại hình thiên tai; công trình phòng, chống thiên tai; nguồn nhân lực phòng, chống thiên tai; vật tư, phương tiện, trang thiếu bị phòng, chống thiên tai; ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai; quỹ phòng, chống thiên tai trung ương; bổ sung 2 điều mới: điều tra cơ bản, khoa học và công nghệ phòng, chống thiên tai.

Ngoài ra, luật nêu rõ nhiệm vụ đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai; huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ; cơ quan tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh. Luật bổ sung quy định đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai trong giai đoạn quản lý, sử dụng công trình tại Điều 18a và sửa đổi, bổ sung quy định bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong giai đoạn đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp khu đô thị, điểm, khu du lịch, khu công nghiệp, điểm dân cư nông thôn; công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực và công trình hạ tầng kỹ thuật tại Điều 19 (khoản 11 và khoản 12).

Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Luật Đê điều, như: hoạt động nạo vét luồng lạch trong phạm vi bảo vệ đê điều phải có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đảm bảo an toàn đối với các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt; bỏ quy định xây dựng cầu qua sông có đê phải có cầu dẫn trên bãi sông. Trong quá trình thực hiện, một số cầu mới được xây dựng ở những vị trí có khoảng cách giữa hai tuyến đê lớn không nhất thiết phải làm cầu dẫn trên bãi sông, mà vẫn phải có các giải pháp kỹ thuật khác, đảm bảo an toàn đê điều, thoát lũ.

Tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân

Luật Cư trú năm 2020 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9; gồm 7 chương, 38 điều và có một số nội dung mới, sửa đổi, bổ sung so với Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013). Việc xây dựng, ban hành Luật Cư trú năm 2020 nhằm bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới; thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng lý, quản lý cư trú; đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú, trọng tâm nhằm xây dựng, quản lý cư trú qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đáng chú ý, chương IV của Luật quy định việc đăng ký, quản lý thường trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin, thông qua việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Phần mềm quản lý cư trú thuộc hệ thống phần mềm Cơ sở dữ liệu về cư trú do Bộ Công an xây dựng, thiết kế, cung cấp cho các cơ quan để đăng ký cư trú, cập nhật, khai thác sử dụng và quản lý thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú. Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.

Bốn luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2021 - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa: Dân trí)

Theo khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Bên cạnh đó, Luật Cư trú năm 2020 bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân, bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013.

Đảm bảo dự phòng lây nhiễm HIV

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10; sửa đổi, bổ sung 15 điều và bãi bỏ 2 điều.

Đáng lưu ý, Luật bổ sung các đối tượng được thông báo kết quả HIV dương tính và tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV. Người nhiễm HIV phải có nghĩa vụ thông báo cho vợ, chồng, người chuẩn bị kết hôn, người sống chung như vợ, chồng của người nhiễm HIV, nhằm đảm bảo dự phòng lây nhiễm HIV cho các đối tượng trên.

Ngoài ra, độ tuổi của trẻ được quyền tự nguyện đề xuất xét nghiệm HIV giảm từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi, nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế và sự gia tăng số trẻ em nhiễm HIV trong giai đoạn hiện nay. Phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí như quy định hiện hành và có thêm nguồn chi trả từ bảo hiểm y tế đối với người có thẻ bảo hiểm y tế theo yêu cầu chuyên môn. Luật bổ sung quy định, người được xét nghiệm HIV cung cấp chính xác địa chỉ nơi cư trú và số chứng minh thư nhân dân hoặc số thẻ căn cước công dân của mình cho cơ sở xét nghiệm trước khi thực hiện xét nghiệm khi muốn nhận kết quả xét nghiệm khẳng định HIV dương tính.

Bốn luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2021 - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Luật điều chỉnh, mở rộng sự tham gia của người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao được tham gia một số biện pháp phòng, chống HIV/AIDS như: Cung cấp dịch vụ xét nghiệm sàng lọc HIV, sinh phẩm tự xét nghiệm sàng lọc HIV cho người có nguy cơ cao tại cộng đồng theo quy định của pháp luật; giới thiệu, tư vấn sử dụng và tuân thủ điều trị, chuyển gửi người nguy cơ cao tham gia điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV.

Mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế

Luật Thỏa thuận quốc tế được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10; gồm 7 chương, 52 điều, thay thế Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007.

Đáng chú ý, Luật Thỏa thuận quốc tế đã mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc ký kết thỏa thuận quốc tế của các chủ thể chưa được quy định trong Pháp lệnh năm 2007 như tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh; UBND cấp huyện, UBND cấp xã ở khu vực biên giới; cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp.

Luật Thỏa thuận quốc tế mở rộng phạm vi điều chỉnh đến cả các thỏa thuận nhân danh Nhà nước, Chính phủ nên Luật đã bổ sung điều khoản quy định rõ tính chất của thỏa thuận quốc tế để phân biệt với điều ước quốc tế và các hợp đồng, thỏa thuận về giao dịch dân sự, kinh tế, tài chính, đầu tư.

Bên cạnh đó, Luật bổ sung một chương mới quy định về trình tự, thủ tục rút gọn với những tiêu chí, điều kiện cụ thể để áp dụng trong trường hợp cần xử lý gấp do yêu cầu về chính trị, đối ngoại, cứu trợ khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. Luật quy định hai hình thức rút gọn, bao gồm rút gọn về quy trình và rút gọn về thời hạn, hồ sơ.

Luật bổ sung một số điều khoản về thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân dân nhiều cơ quan, tổ chức; thỏa thuận quốc tế liên quan đến quốc phòng, an ninh, đầu tư, trong đó, yêu cầu các cơ quan, tổ chức phải xin ý kiến của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn đối với nhóm thỏa thuận quốc tế.

Theo vtv.vn