Thứ 4, 01/05/2024, 14:43[GMT+7]

Thảo luận tổ trước phiên khai mạc kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh khóa XVII

Thứ 2, 12/07/2021 | 17:47:17
2,993 lượt xem
Chiều ngày 12/7, HĐND tỉnh chia tổ thảo luận nội dung các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết và các nội dung, chương trình của kỳ họp thứ hai.

Đại biểu tổ Thành phố thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Tâm

Audio: 1207-thoiA-thao_luan_to_hdnd_mixdown.mp3

Dự thảo luận tổ có các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh.

Tham gia ý kiến tại các tổ, đại biểu cơ bản thống nhất với báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021. Các đại biểu ghi nhận, đánh giá trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, sự vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân, 6 tháng đầu năm 2021 kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt kết quả rất đáng khích lệ. 

Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị tỉnh cần có đánh giá cụ thể hơn về kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 để rút ra các bài học kinh nghiệm, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ sát tình hình thực tiễn, có tính khả thi cao với các giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu tăng trưởng (GRDP) 9,1% đã đề ra cho năm 2021. 

Ngoài ra, các đại biểu đề nghị tỉnh cần tiếp tục có giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu kinh tế Thái Bình; chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Có phương án bảo đảm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, tránh tính trạng “được mùa mất giá”; có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện để các sản phẩm OCOP của tỉnh mở rộng thị trường. Tập trung tối đa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt khó để phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án lớn. Tiếp tục có các giải pháp hiệu quả nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; có giải pháp sắp xếp lại quy mô mạng lưới trường lớp sau sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã; hỗ trợ các lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm…

Đại biểu tổ Vũ Thư thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Tâm

Thảo luận về nội dung các tờ trình tại kỳ họp, các đại biểu cho rằng nội dung các tờ trình đều là vấn đề cấp thiết, cử tri và nhân dân toàn tỉnh rất quan tâm như: phân cấp nguồn thu, tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu tiền sử dụng đất giữa các cấp ngân sách địa phương giai đoạn từ 2022-2025; cơ chế chính sách hỗ trợ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt đối với các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025; chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025; quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội áp dụng trên địa bàn tỉnh Thái Bình; quy định mức học phí tại các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm học 2021 - 2022… Nếu các nghị quyết của HĐND tỉnh được ban hành, thực hiện sẽ giúp cơ sở tháo gỡ những khó khăn, phục vụ tốt đời sống dân sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đào Quyên

Ý kiến đại biểu HĐND tỉnh tại phiên thảo luận tổ chiều ngày 12/7

Đại biểu Phan Văn Dương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Kiến Xương

Tôi đánh giá rất cao công tác chuẩn bị của kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Mặc dù trong thời gian rất ngắn nhưng các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng. Trong đó, báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 đã đánh giá toàn diện những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình trong thực hiện mục tiêu kép: phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2021 là 9,1% cần sự nỗ lực rất lớn. Vì vậy, tôi mong muốn tại kỳ họp này HĐND tỉnh sẽ thảo luận kỹ lưỡng, quyết định các giải pháp bảo đảm sát thực tiễn, tính khả thi cao để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch đề ra; đặc biệt là phải có giải pháp ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Nguyễn Như Quang, Bí thư Đảng ủy thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy)

Dự kiến, tại kỳ họp này HĐND tỉnh sẽ ban hành một số nghị quyết liên quan đến những vấn đề mà cử tri và nhân dân rất quan tâm như: hỗ trợ việc thu gom rác thải; xây dựng nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu; trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ gúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội... Đặc biệt, Nghị quyết về phê duyệt chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai thực hiện sẽ giúp các địa phương quy hoạch lại hệ thống nghĩa trang nhân dân hiện nay, giúp tỉnh thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng các khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu, tiết kiệm được đất đai, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn nghiên cứu kỹ các quy hoạch Khu kinh tế, quy hoạch của các địa phương để hướng dẫn các nhà đầu tư đầu tư xây dựng các nghĩa trang; cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần vào cuộc thực hiện quyết liệt và có sự đồng thuận cao của người dân...

Đại biểu Nguyễn Thị Hường, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP 9,1% đề ra cho năm 2021 thì GRDP 6 tháng cuối năm phải tăng 13%. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, vì vậy UBND tỉnh cần chỉ đạo rà soát, điều chỉnh kịch bản tăng trưởng theo từng ngành, lĩnh vực và từng quý, bảo đảm sát với tình hình và khả năng thực tế; chỉ đạo các ngành chuyên môn rà soát tổng thể các nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành, nghị quyết nào đã hết giai đoạn mà cơ chế, chính sách đó vẫn cần tiếp tục thực hiện thì kịp thời đề nghị để ban hành nghị quyết mới đáp ứng yêu cầu thực tế; đặc biệt quan tâm đến việc quản lý và sử dụng tài sản công, nhất là trong việc cho thuê hoặc dùng tài sản công để liên doanh, liên kết; ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý tài sản công, lĩnh vực tài chính và đầu tư công để thuận lợi cho việc theo dõi, đánh giá. Qua ý kiến của cử tri, tôi đề nghị Sở Giao thông Vận tải xem xét bố trí trạm dừng xe buýt tại khu trung tâm y tế để thuận lợi cho nhân dân đi khám chữa bệnh.

Đại biểu Trần Văn Trà, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen

Thời gian qua, tỉnh đã kịp thời ban hành và triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, bảo đảm theo quy định của Chính phủ và tình hình thực tế của địa phương. Công tác cải cách hành chính cũng được quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Tỉnh cũng thường xuyên phối hợp với các sở, ngành tổ chức các hội nghị đối thoại, trên cơ sở đó tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh; đồng thời, đôn đốc chủ đầu tư các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh khẩn trương hoàn thành việc xây dựng hạ tầng, sẵn sàng đón các nhà đầu tư thứ cấp đến tìm hiểu, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã lựa chọn đầu tư vào Thái Bình. Tuy nhiên, việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ các dự án; một số thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp; chưa tạo được môi trường thu hút lao động chất lượng cao... Tôi đề nghị, trong thời gian tới, bên cạnh những cơ chế, chính sách đã có, tỉnh tiếp tục có những cơ chế, chính sách mới hiệu quả để khuyến khích, thu hút đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả công tác dân vận, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đại biểu Trần Văn Toản, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh

6 tháng đầu năm 2021, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt kết quả tốt, nhất là trồng trọt, năng suất lúa cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, xây dựng cánh đồng lớn, cánh đồng có liên kết được triển khai tích cực. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn còn tình trạng manh mún, hiệu quả thấp; chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn; liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; sản phẩm OCOP chưa mang lại giá trị cao; đầu ra sản phẩm không ổn định, nông sản vẫn còn rơi vào cảnh “mất giá” cần “giải cứu”. Tôi đề nghị tỉnh tiếp tục chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Có cơ chế, chính sách tổng thể, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực chế biến nông sản, từ đó góp phần ổn định đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp; có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện để các sản phẩm OCOP của tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ.

Mạnh Cường - Anh Đào

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày