Thứ 6, 22/11/2024, 08:07[GMT+7]

Kiểm soát dịch bệnh, phát triển kinh tế

Thứ 2, 26/07/2021 | 08:14:09
1,943 lượt xem
Ngày 25/7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ, QH dành cả ngày thảo luận ở hội trường về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Ảnh: QUANG HOÀNG.

Song hành “mục tiêu kép”

Phiên thảo luận buổi sáng, nhiều ý kiến tập trung vào đề xuất một số giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), nhận định thời gian qua nhiều địa phương đã có những giải pháp phòng, chống dịch sáng tạo, linh hoạt. Tuy vậy, cũng có địa phương áp dụng văn bản thái quá, mỗi tỉnh một quy định khiến vận tải hàng hóa bị ách tắc.

Đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ sớm chỉ đạo các địa phương này có sự điều chỉnh phù hợp, bảo đảm chống dịch nhưng không “ngăn sông cấm chợ”. Bên cạnh đó, thái độ dứt khoát cùng biện pháp mạnh trên cả nước đã khiến người dân không còn coi thường dịch bệnh, khai báo y tế đầy đủ…
 
Trong phát biểu của mình, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) nêu, tiêu chí chống dịch tốt là cần có kịch bản đầy đủ, tránh bùng phát dịch, bảo đảm nguyên tắc: chống lây lan tối đa, giảm tỷ lệ tử vong tối đa và bảo đảm phát triển kinh tế. Phân tích thêm giải pháp để giảm tỷ lệ tử vong, đại biểu cho rằng cần chia hệ thống chống dịch thành “ba tầng”: tầng một là bệnh viện dã chiến, chăm sóc người F0 không có triệu chứng, thực hiện nghiêm túc quy trình cách ly. Tầng thứ hai là các bệnh viện điều trị bệnh nhân mức độ vừa, do đó đánh giá mức độ bệnh một cách chính xác. Tầng thứ ba là trung tâm điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch, dành cho bệnh nhân cần thở máy, nên nguồn lực của Trung ương cần bảo đảm với yêu cầu thực tế.

Nhiều đại biểu kiến nghị Chính phủ triển khai phần mềm liên thông nhằm kịp thời hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chia sẻ vấn đề này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cũng cho rằng dịch Covid-19 còn kéo dài, tuy nhiên việc ứng phó hiện nay còn mang tính ngắn hạn. Đề nghị QH, Chính phủ cần có giải pháp dài hạn, chiến lược sống chung với dịch bệnh.

Về gói hỗ trợ lần hai của Chính phủ đối với đối tượng công nhân lao động và các doanh nghiệp, các đại biểu đề nghị Chính phủ sớm giao các bộ, ngành liên quan, có phần mềm thống kê liên thông các đối tượng được hỗ trợ để thực hiện chính sách đúng đối tượng. Đồng thời rà soát đánh giá sức chống chịu hiện nay của doanh nghiệp để có giải pháp căn cơ trong thời gian tới.

Kiểm soát dịch bệnh, phát triển kinh tế -0  

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu thảo luận tại hội trường.Ảnh: QUANG KHÁNH.

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB và XH) cho biết: Nghị quyết 42 gọi là gói 62 nghìn tỷ đồng năm 2020 là gói hỗ trợ chưa có tiền lệ. Mặc dù triển khai trong thời gian gấp, kết quả chưa được như mong muốn nhưng cũng đã hỗ trợ xấp xỉ 39 nghìn tỷ đồng cho 14,4 triệu người thụ hưởng, riêng tiền mặt hỗ trợ trực tiếp 13 nghìn tỷ đồng.

Đợt dịch thứ tư, Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐ - TB và XH phối hợp các ngành chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền, Đảng đoàn QH kịp thời ban hành Nghị quyết 68 và Quyết định 23 hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tính đến ngày 24/7, 63/63 địa phương đã ban hành kế hoạch, chủ trương và đang triển khai nghị quyết.
 
Chính phủ đã và đang chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu tổng kết toàn diện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 để điều chỉnh, bổ sung các chính sách mới. Thực hiện các chính sách với phương châm càng khó khăn, càng phải quan tâm an sinh phúc lợi, không hy sinh tiến bộ công bằng xã hội để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
 
 Coi trọng hoàn thiện thể chế
 
Theo đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định), hầu hết các hạn chế trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, kể cả những vướng mắc, lúng túng vừa qua ở một số địa phương liên quan phòng, chống dịch đều có nguyên nhân do thể chế pháp luật còn hạn chế, bất cập.

Thời gian tới cần tiếp tục tăng cường năng lực đội ngũ công chức làm công tác pháp luật; đầu tư thỏa đáng cả về con người, kinh phí cho công tác pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế ngang tầm nhiệm vụ, nhất là về tính chuyên nghiệp, kỹ năng phân tích, dự báo, xây dựng chính sách áp dụng pháp luật, bảo đảm cân xứng giữa đội ngũ với khối lượng công việc ngày càng nhiều, nhiều việc mới, nhiều việc khó.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nhận định khó khăn, thách thức phía trước còn rất nhiều, tuy nhiên cần lạc quan để đạt được mức tăng trưởng cao cả năm. Chính phủ, các bộ, ngành cần nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, sớm hoàn thiện thể chế, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, chuẩn bị cho sự phục hồi sau đại dịch.
 
Trước yêu cầu thực tiễn phòng, chống dịch bệnh, đa số các đại biểu kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần thực hiện các biện pháp mạnh hơn nữa, trong đó có thể có những biện pháp chưa có luật hoặc khác với quy định của luật hiện hành để có cơ sở pháp lý, tạo thế chủ động, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo: nhandan.vn