Thứ 6, 27/12/2024, 10:44[GMT+7]

Hỏi đáp Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án (Tiếp theo)

Thứ 2, 13/09/2021 | 08:26:11
3,451 lượt xem

Ảnh minh hoạ.

Câu hỏi 4: Việc bảo mật thông tin trong hòa giải, đối thoại tại tòa án được quy định như thế nào?

Trả lời: Vấn đề bảo mật thông tin trong hòa giải, đối thoại tại tòa án được quy định tại Điều 4 Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, cụ thể như sau:

1. Hòa giải viên, các bên, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại.

2. Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định tại Điều 31 của Luật này. Hòa giải viên, các bên chỉ được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng tài liệu, lời trình bày của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp sau đây:

a) Bên đã xuất trình tài liệu, trình bày ý kiến trong quá trình hòa giải, đối thoại đồng ý việc sử dụng tài liệu, lời trình bày của mình trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ;

b) Phải sử dụng làm chứng cứ theo quy định của luật.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 5: Đề nghị cho biết trách nhiệm của tòa án nhân dân cấp tỉnh trong hòa giải, đối thoại tại tòa án?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, tòa án nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

- Tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này;

- Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, xóa tên hòa giải viên; cấp, thu hồi thẻ hòa giải viên;

- Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; khen thưởng, xử lý vi phạm đối với hòa giải viên;

- Chỉ định, hỗ trợ, hướng dẫn hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại; đánh giá, nhận xét kết quả hoạt động của hòa giải viên của tòa án nhân dân cấp tỉnh;

- Bố trí địa điểm, trang thiết bị và điều kiện bảo đảm khác cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án;

- Giải quyết khiếu nại đối với quyết định của chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh về việc buộc thôi làm hòa giải viên;

- Báo cáo về hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án theo quy định của chánh án tòa án nhân dân tối cao;

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này.

(còn nữa)

Lê Thủy
(Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp)