Thứ 7, 20/04/2024, 08:59[GMT+7]

Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết khi thời tiết thường xuyên mưa, ẩm

Thứ 2, 27/09/2021 | 11:10:30
770 lượt xem
Từ đầu năm đến nay, Thái Bình ghi nhận 10 ca mắc sốt xuất huyết (SXH). Mặc dù số ca mắc SXH đến thời điểm này thấp hơn so với cùng kỳ mọi năm song thời tiết mưa nhiều, ẩm ướt đang là điều kiện thuận lợi để muỗi gây bệnh phát triển có thể khiến bệnh SXH gia tăng. Do đó, cùng với việc phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương, mỗi người dân cần chủ động phòng SXH để bảo đảm sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Phun khử khuẩn diệt muỗi, bọ gậy tại thành phố Thái Bình.

Trong 10 ca mắc SXH ghi nhận từ đầu năm đến nay có 2 ca mắc SXH nội sinh ghi nhận ở phường Trần Lãm và xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình). Bác sĩ Nguyễn Thị Nga, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Trần Lãm cho biết: Những năm gần đây, trên địa bàn phường đều ghi nhận có người mắc SXH nội sinh và ngoại sinh, trong đó năm 2017 có 12 ca, năm 2018 có 10 ca, năm 2020 có 4 ca; có những năm 1 gia đình có 2 người mắc. Riêng tháng 9/2021, trên địa bàn phường ghi nhận 1 trường hợp mắc SXH nội sinh. Chúng tôi xác định đây là ca mắc SXH nội sinh bởi bệnh nhân mắc không đi ra ngoài tỉnh trong thời gian dài.

Theo báo cáo của Trạm Y tế phường Trần Lãm, qua điều tra muỗi truyền bệnh SXH dengue tại 30 hộ dân xung quanh nhà bệnh nhân cho thấy chỉ số nhà có muỗi là 3,3; chỉ số nhà có bọ gậy là 16,6. Tỷ lệ dụng cụ chứa nước có bọ gậy là 5,1; chỉ số mật độ muỗi là 0,03. Ngay sau khi có thông tin xác định bệnh nhân mắc SXH, Trạm Y tế phường đã báo cáo các đơn vị liên quan; phối hợp điều tra dịch tễ và tiến hành tổng vệ sinh môi trường, phun khử khuẩn; tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng, chống SXH. Đến nay đã hơn 10 ngày không phát sinh ca mắc mới trên địa bàn.

Bác sĩ Đặng Quang Huy, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của bọ gậy, dễ gây bùng phát dịch SXH. Đây là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan nhanh nhưng đến nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Triệu chứng của SXH là sốt cao liên tục, kéo dài, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ; nặng hơn có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam... Người mắc SXH nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong. Hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, người dân cần chú ý các triệu chứng của SXH vì có một số triệu chứng rất dễ gây nhầm lẫn với Covid-19 như sốt, đau mỏi cơ.

Theo bác sĩ Đặng Quang Huy, biện pháp chính vẫn là chủ động phòng, chống SXH với phương châm phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả. Do đó, người dân cần thường xuyên vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, thu gom các dụng cụ phế thải có khả năng chứa nước, lật úp các dụng cụ không dùng đến, sau mỗi trận mưa kiểm tra khu vực xung quanh nhà để xử lý những nơi đọng nước, không để muỗi có điều kiện sinh sôi, phát triển. Bởi qua giám sát một số ổ dịch cũ năm 2019, năm 2020 cho thấy các chỉ số muỗi, chỉ số bọ gậy vẫn cao. Đây là nguy cơ có thể gây lây truyền các ca bệnh, ổ dịch SXH. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người có tâm lý e ngại đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh nên đã tự ý mua thuốc điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu không đúng phác đồ điều trị sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Thực tế những năm qua tại Thái Bình đã ghi nhận có trường hợp mắc SXH nặng phải điều trị tích cực như thở oxy, truyền máu... Với những người đã có bệnh nền mắc SXH nếu không được điều trị kịp thời, quá trình điều trị sẽ gặp khó khăn và kéo dài.

Dụng cụ chứa nước có bọ gậy được tìm thấy ở nhà hàng xóm của bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày