Thứ 7, 27/07/2024, 03:23[GMT+7]

71.670 tỷ đồng dư nợ đầu tư tín dụng nền kinh tế

Thứ 4, 29/09/2021 | 17:08:26
880 lượt xem
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để giúp khách hàng có vốn duy trì phát triển sản xuất, từ đầu năm đến nay các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh tập trung các giải pháp mở rộng đầu tư tín dụng đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng tín dụng.

Công ty TNHH Sallway Việt Nam (cụm công nghiệp Quỳnh Côi) phát triển sản xuất khung và xe đạp trợ lực từ nguồn vốn tín dụng của Agribank Chi nhánh huyện Quỳnh Phụ Bắc Thái Bình.

Đến hết tháng 9/2021, tổng dư nợ đầu tư tín dụng nền kinh tế của các TCTD trên địa bàn tỉnh ước đạt 71.670 tỷ đồng, tăng 9,8% so với thời điểm 31/12/2020; trong đó cho vay lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 20%, cho vay lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm 31% và cho vay lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm 49% tổng dư nợ cho vay.

Cùng với việc mở rộng đầu tư tín dụng, các TCTD trên địa bàn tỉnh còn đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; miễn, giảm lãi các khoản vay cũ; cho vay mới với lãi suất ưu đãi. Đến hết tháng 7/2021, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 442 khách hàng với dư nợ hơn 182 tỷ đồng; miễn, giảm lãi cho 7.496 khách hàng với số tiền lãi được miễn, giảm 2,1 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất thấp hơn từ 2 - 2,5%/năm so với trước khi có dịch với doanh số cho vay hơn 39.700 tỷ đồng. Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh còn tập trung triển khai cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 42 và Nghị quyết số 68 của Chính phủ với 7 khách hàng được vay vốn, doanh số cho vay đạt hơn 1 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng dư nợ cho vay của toàn ngành năm 2021 tối thiểu đạt 10%, thời gian tới các TCTD trên địa bàn tỉnh tiếp tục bám sát các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, hội sở để thực hiện kế hoạch kinh doanh phù hợp với đơn vị; tăng cường huy động vốn từ nội bộ nền kinh tế nhằm tạo nguồn vốn cho vay; tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững; ưu tiên nguồn kinh phí tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn…

Minh Hương