Chủ nhật, 24/11/2024, 14:29[GMT+7]

Kiến Xương: Hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa gạo

Thứ 5, 30/09/2021 | 08:27:08
1,034 lượt xem
Những năm qua, huyện Kiến Xương tập trung phát triển mạnh lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình tích tụ ruộng đất, phát triển các hình thức liên kết sản xuất, thuê mượn đất, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Đến nay, huyện tiếp tục hỗ trợ các xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo xây dựng nhãn hiệu sản phẩm nhằm mục tiêu xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa gạo của huyện trong những năm tới.

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Bình Định (Kiến Xương).

Ông Phạm Ngọc Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực thực phẩm Khang Long, xã Vũ Quý cho biết: Để xây dựng thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp, ngay khi bắt tay vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh gạo năm 2015 tôi đã đăng ký nhãn hiệu bảo hộ sở hữu trí tuệ cho 3 sản phẩm gạo của Công ty. Cùng với đó là tổ chức liên kết với nhiều xã trên địa bàn tỉnh để làm vùng nguyên liệu và làm các xét nghiệm về đất, nước ở các vùng nguyên liệu và thực hiện quy trình sản xuất sạch hơn so với thông thường. Bình quân mỗi năm tôi liên kết với các xã ở Kiến Xương và Tiền Hải thực hiện vùng nguyên liệu khoảng 1.000ha để cấy các giống lúa BC15, TBR225, PM2, Hương Việt... Tất cả sản phẩm đều mang các nhãn hiệu đã được bảo hộ để đóng gói bán ra thị trường trong nước và xuất khẩu với bình quân mỗi vụ từ 2.500 - 3.000 tấn gạo mang tên gạo Khang Long, Hương Việt, Cupi. Hiện nay Công ty tiếp tục nghiên cứu đưa thêm các sản phẩm có năng suất, chất lượng vào vùng nguyên liệu để phục vụ cho nhiều phân khúc khách hàng. Mục tiêu của Công ty trong thời gian tới sẽ tiếp tục xây dựng thương hiệu sản phẩm, đưa sản phẩm vào chương trình OCOP để mở rộng thêm khách hàng, nhất là hệ thống siêu thị.

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Xương cho biết: Những năm qua, Kiến Xương đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm mang lại thu nhập cao hơn cho người dân. Chuyển hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường, đồng thời lưu giữ và phát huy thế mạnh của địa phương để dần hình thành thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Hiện tại, trên địa bàn huyện có khoảng 10 doanh nghiệp thực hiện liên kết với các HTX về tiêu thụ đầu ra sản phẩm lúa gạo song mới chỉ có duy nhất Công ty TNHH Lương thực thực phẩm Khang Long đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm gạo được cấy trên đồng đất Kiến Xương. Tuy nhiên, để xây dựng thương hiệu gạo không hề đơn giản, cần có quá trình thực hiện và quan trọng nhất là phải sản xuất theo tiêu chí gạo sạch, an toàn và được cấp giấy chứng nhận về sản phẩm. Cũng vì thế mà xã Bình Định là xã điển hình về sản xuất nông nghiệp của huyện đã có những công đoạn thực hiện sản xuất lúa hữu cơ song do còn nhiều yếu tố khách quan về quy trình, yếu tố về đất, nước nên đến nay vẫn chưa có sản phẩm mang tên gạo hữu cơ. Vì vậy, cùng với việc thực hiện 200ha mô hình lúa giống, thời gian tới Bình Định sẽ quy hoạch trên 100ha lúa hữu cơ để tiến tới xây dựng thương hiệu gạo Bình Định. Đây được xác định là một trong bước chuyển mình trong sản xuất nông nghiệp của địa phương để đưa sản phẩm lên tầm cao mới.

Sản phẩm gạo đóng gói của Công ty TNHH Lương thực thực phẩm Khang Long.

Cùng với xã Bình Định, nhiều năm qua xã Bình Thanh đã thực hiện vùng sản xuất lúa an toàn và đang thực hiện xây dựng nhãn hiệu gạo chợ Gốc để nâng cao giá trị sản phẩm. Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh cho biết: Vụ mùa năm 2021 xã đã quy vùng sản xuất ở 3 vùng với tổng diện tích 180ha để thực hiện mô hình nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo phục vụ thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Theo đó, HTX tổ chức thực hiện đồng bộ cơ giới hóa các khâu làm đất, mạ khay, cấy máy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch và bảo đảm tất cả các hộ trong vùng cấy cùng một giống, thu mua, tiêu thụ 100% sản phẩm cho người dân. Đặc biệt, vùng lúa này sẽ áp dụng quy trình sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính, từng bước thực hiện nhật ký số và số hóa đồng ruộng, vận động nhân dân xóa bỏ bờ ngăn tiến tới xóa bỏ các bờ vùng tạo thành cánh đồng lớn thuận lợi cho cơ giới hóa, tăng diện tích đồng ruộng. Dự kiến ngay từ vụ này sẽ cho năng suất lúa đạt 2,5 tạ/sào trở lên và tới cuối tháng 10 xã sẽ cho ra sản phẩm gạo chợ Gốc đóng túi bán trên thị trường.

Với vùng nguyên liệu dồi dào, phong phú về chủng loại, thời gian tới huyện Kiến Xương sẽ có các cơ chế, chính sách hỗ trợ để đưa sản phẩm lúa gạo mang thương hiệu đặc trưng, xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của huyện.   

Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày