Thứ 6, 22/11/2024, 17:34[GMT+7]

Chủ động ứng phó với bão số 7 và tình hình mưa, lũ

Thứ 6, 08/10/2021 | 16:26:21
1,012 lượt xem
Ứng phó với bão số 7 và tình hình mưa, lũ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến đề nghị các địa phương thông báo kịp thời đến người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh; sẵn sàng triển khai phương án di dời dân đảm bảo an toàn về người và tài sản...

Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: NH).

Sáng 8/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan nhằm tiếp tục bàn giải pháp ứng phó với bão số 7 và tình hình mưa, lũ.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 7 có khả năng sẽ gây ra mưa lớn trên diện rộng cho khu vực Bắc bộ, các tỉnh Bắc Trung bộ. Theo đó, từ 9-11/10, gây mưa cho khu vực Đông Bắc bộ với lượng mưa phổ biến từ 150-250mm. Ở khu vực Tây Bắc bộ, lượng mưa thấp hơn, từ 50-150mm, có nơi trên 150mm.

Đối với các tỉnh từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa từ ngày 10-12/10, với lượng mưa phổ biến từ 150-350mm trong vòng 3 ngày và có nơi trên 350mm. Trong ngày hôm nay (8/10) mưa sẽ còn rất to tại khu vực Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum với lượng mưa từ 50-80mm, có nơi trên 100mm.

Thông tin tại cuộc họp cho biết, triển khai phương án ứng phó với bão số 7, về tàu cá, đối với các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, đã kiểm đếm, kêu gọi 61.468 tàu/278.639 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão. Trong đó, 4.557 tàu/15.419 lao động các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình hoạt động trong khu vực Vịnh Bắc Bộ đã nắm được thông tin và di chuyển tránh bão. Các tàu từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi không còn trong khu vực nguy hiểm, riêng 2 tàu Quảng Ngãi cách tâm bão 80km về phía Đông đang di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện chưa ghi nhận sự cố về tàu, thuyền trên biển.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, từ Thanh Hóa đến Bình Định có diện tích nuôi trồng thủy sản trên biển và ven biển 72.963ha. Số lồng bè gồm 12.666 (các tỉnh có số lượng lớn Thanh Hóa: 3.384, Nghệ An 2.100, Bình Định 2.880).

Ngoài ra, theo báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất lúa tại Đồng bằng sông Hồng và ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình, diện tích lúa chưa thu hoạch còn 251.631ha; các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Phú Yên diện tích lúa chưa thu hoạch còn 21.777ha.

Đáng chú ý, tại tỉnh Quảng Trị, theo báo cáo nhanh ngày 7/10 của Văn phòng thường trực tỉnh, mưa lớn tại huyện Hướng Hóa đã gây ngập lụt tại 18 vị trí ngầm, tràn giao thông thuộc 9 xã; sạt mái ta luy âm cống tràn đường bản Vây, xã Tân Lập. Tại huyện Đackrong, ngập lụt tại 20 vị trí ngầm, tràn giao thông thuộc 11 xã; sạt lở khối lượng 200m3 tại Km5+690 tuyến đường ĐT 588a. Hiện nay, nước đã rút.

Tại tỉnh Quảng Nam, theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực tỉnh Quảng Nam, mưa lớn gây sạt lở tại một số vị trí đường Trường Sơn Đông qua xã Trà Vân, các phương tiện đi lại khó khăn; tỉnh lộ 606 qua huyện Tây Giang ngập một số vị trí, chiều sâu ngập khoảng 50cm, gây gián đoạn giao thông tạm thời.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương cần thực hiện nghiêm túc Công điện số 1311/CĐ-TTg ngày 6/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia; thông báo kịp thời đến người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Đặc biệt, cần tổ chức kiểm đếm, thông tin, hướng dẫn di chuyển không để tàu thuyền trong khu vực nguy hiểm. Hướng dẫn, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tại nơi neo đậu; tạo điều kiện cho các tàu thuyền vào trú tránh có phương án đảm bảo an toàn dịch bệnh COVID-19. Tiếp tục tổ chức bắn pháo hiệu thông báo cho ngư dân chủ động phòng tránh bão.

Các địa phương cần di chuyển người, lồng bè vào bờ đảm bảo an toàn; khẩn trương thu hoạch lúa, rau màu. Đồng thời, có phương án đảm bảo an toàn cho các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các khu vực ngập sâu.

Ngoài ra, theo dõi chặt chẽ lượng lưu lượng đến các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước để chủ động vận hành điều tiết và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn công trình và hạ du. Đặc biệt, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng thấp trũng, vị trí gây tắc nghẽn dòng chảy. Sẵn sàng triển khai phương án di dời dân đảm bảo an toàn về người và tài sản, đồng thời đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19.

Đồng thời, sẵn sàng triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm tràn, khu vực nguy cơ ngập sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở; tổ chức lực lượng tuần tra canh gác đê điều và hồ chứa.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương rà soát, kiên quyết tạm dừng các công trường đang thi công, nhất là vùng ven biển, trên cao, ven sông suối trong thời gian ảnh hưởng của bão, mưa lũ. Chủ động tiêu nước đệm, bảo vệ an toàn cho lúa và cây vụ đông; tổ chức thu hoạch lúa đã chín theo phương châm xanh nhà hơn già đồng./.

Theo dangcongsan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày