Chủ nhật, 05/05/2024, 06:28[GMT+7]

Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai ứng phó với bão số 7

Thứ 7, 09/10/2021 | 20:15:19
1,154 lượt xem
Chiều ngày 9/10, đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ trì hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai triển khai nhiệm vụ công tác ứng phó với bão số 7 và nhận định xu thế thời tiết trong 10 ngày tới.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Bình.

Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có các đồng chí: Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Nguyễn Văn Giang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 9/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc, 109,8 độ Kinh Đông, trên khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 7 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và đi vào Vịnh Bắc Bộ. Đến 10 giờ ngày 10/10, vị trí tâm bão ở khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc, 107,6 độ Kinh Đông, cách Hải Phòng khoảng 90km, cách Nam Định khoảng 100km, cách Thanh Hóa khoảng 170km. Sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Cùng với bão số 7, sáng ngày 9/10, trên vùng biển Thái Bình Dương xuất hiện cơn bão có tên quốc tế là Kompasu đang hoạt động. Khoảng đêm ngày 11/10 đến sáng 12/10, bão Kompasu có khả năng đi vào phía Bắc Biển Đông và trở thành bão số 8 trên Biển Đông. Dự báo, đây là một cơn bão mạnh khi ở trên biển, di chuyển nhanh và có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và phía Bắc của Trung Bộ trong khoảng ngày 13 - 14/10.

Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh báo cáo công tác ứng phó cơn bão số 7 của tỉnh Thái Bình tại hội nghị.

Tại điểm cầu Thái Bình, đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã báo cáo nhanh tình hình triển khai ứng phó với bão số 7 của tỉnh. Toàn tỉnh có 1.164 tàu, thuyền với 3.423 lao động làm ăn trên biển, đến 15 giờ ngày 9/10 không có phương tiện nào hoạt động trong vùng nguy hiểm; đã di dời 706 lao động canh coi chòi ngao, nuôi trồng thủy sản vào nơi tránh trú an toàn; toàn bộ số hộ lồng bè trên sông đã được thông báo và hướng dẫn chằng chống kịp thời; công tác sơ tán dân trong nhà yếu và khu vực nguy hiểm đang triển khai thực hiện trước khi bão đổ bộ vào. Đến ngày 9/10, toàn tỉnh thu hoạch 37.825ha lúa mùa, đạt 49,3% tổng diện tích; gieo trồng 12.675ha cây vụ đông; công tác tiêu úng đã được các địa phương trong tỉnh chuẩn bị sẵn sàng. Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra những công trình thi công dang dở và các trọng điểm xung yếu trên đê cửa sông, đê biển; đồng thời, huy động nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng xử lý khi có tình huống xảy ra.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương chủ động rà soát lại các tàu thuyền, không để người dân ở lại trên các tàu thuyền, lồng bè, chòi canh; kiểm tra, rà soát hệ thống đê, kè biển, đặc biệt tuyến đê biển xung yếu; gia cố các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản; có phương án sẵn sàng triển khai lực lượng xung kích trong việc khơi thông dòng chảy, tiêu nước đệm trên kênh mương nội đồng; bảo đảm an toàn giao thông ở những tuyến đường bị ngập và phải có cảnh báo kịp thời cho người dân nắm rõ; kiểm tra hồ chứa bảo đảm quy chế vận hành an toàn; sẵn sàng lực lượng cứu hộ, cứu nạn túc trực 24/24 giờ; kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng triển khai phương án di dời dân cư sát với thực tế, bảo đảm an toàn về người, tài sản và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Thanh Thủy

Ảnh: Thành Tâm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày