Thứ 5, 02/05/2024, 15:38[GMT+7]

Các địa phương, đơn vị khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão số 7

Chủ nhật, 10/10/2021 | 15:53:07
1,892 lượt xem

Các hộ dân xã Nam Cường (Tiền Hải) tập trung tiêu thoát nước tại vùng nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Mạnh Thắng

* Tiền Hải

Đến thời điểm này, huyện Tiền Hải đã trồng được 1.300ha cây vụ đông; thu hoạch được 230ha lúa mùa. Do ảnh hưởng của bão số 7, trên địa bàn huyện có mưa vừa và rất to ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp.

Để bảo vệ lúa, rau màu, vùng nuôi trồng thủy sản, Tiền Hải chỉ đạo các địa phương bố trí nhân lực mở các cống đê sông, đê biển theo thủy triều; tổ chức khơi thông dòng chảy, giải phóng vật cản phòng tránh mưa ngập úng gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp. Những diện tích nuôi thủy sản nước lợ, mưa lớn sẽ làm ngọt hóa môi trường ao nuôi, nông dân cần chủ động bơm tát nước duy trì mực nước thích hợp, giữ cân bằng độ PH trong ao đầm, tránh tôm, cua, cá bị sốc do thay đổi môi trường. Với cây vụ đông mới trồng, đã có một số diện tích cây trồng sớm bị thiệt hại do ngập nước, dập nát, các địa phương cần hướng dẫn nông dân vun cao luống, khơi thông rãnh thoát nước không để nước đọng vũng trên mặt ruộng. Bố trí nguồn giống thay thế đối với diện tích vụ đông bị thiệt hại, bảo đảm sau khi thời tiết thuận lợi xuống giống gieo trồng hết diện tích theo kế hoạch đề ra. Cần tiêu thoát nước nhanh với diện tích lúa bị ngả, đổ nhằm hạn chế tối đa thóc mọc mộng khi lúa chưa được thu hoạch.  

* Thái Thụy  

Mưa to kết hợp với gió giật mạnh những ngày qua đã làm 950/7.100 ha lúa mùa của huyện Thái Thụy chưa thu hoạch bị đổ gục, 770 ha cây màu vụ đông mới trồng bị ảnh hưởng. 4.300ha diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện hiện được bảo vệ an toàn.

Nông dân xã Thụy Bình khẩn trương thu hoạch các diện tích lúa mùa bị đổ gục. Ảnh: Trần Tuấn

Để giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra, huyện Thái Thụy chỉ đạo ngành Nông nghiệp, HTX SXKD DVNN các xã, thị trấn đôn đốc, vận động người dân khẩn trương khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước tại các diện tích lúa bị đổ nhằm tránh tình trạng lúa mọc mầm ảnh hưởng tới năng suất; ngay sau khi thời tiết thuận lợi khẩn trương thu hoạch lúa mùa; thực hiện các biện pháp chăm sóc và bảo vệ an toàn cây màu vụ đông mới trồng. Cùng với đó, huyện cũng chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện đóng các cống tưới, mở cống tiêu, triệt để tiêu nước mặt ruộng, sẵn sàng vận hành các trạm bơm tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra.

* Quỳnh Phụ 

Trong 2 ngày 9 - 10/10, do ảnh hưởng của cơn bão số 7, trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ xuất hiện mưa kéo dài, lượng mưa trung bình khoảng trên 100mm. Theo báo cáo nhanh của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Phụ, tính đến ngày 10/10 toàn huyện còn 3.000ha/11.000ha lúa mùa chưa thu hoạch, trong đó chủ yếu là lúa nếp. Mưa kéo dài làm khoảng hơn 300ha lúa mùa bị đổ và làm ngập mặt luống rau màu ở một một số xã.

Nông dân xã Quỳnh Hải sử dụng nilon che chắn diện tích rau màu mới trồng. Ảnh: Nguyễn Cường

UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung khơi thông dòng chảy, buộc lại diện tích lúa bị đổ, hạn chế tối đa lúa bị ngập; những diện tích lúa mùa đã chín khoảng 80 - 90% tập trung máy móc, nhân lực để thu hoạch. Đối với diện tích rau màu bị ngập mặt luống tổ chức thoát nước nhanh, che chắn cây màu đã trồng. Sau ảnh hưởng của bão, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khuyến cáo bà con nông dân có biện pháp chăm sóc rau màu, bảo đảm cây sinh trưởng, phát triển tốt.

* Vũ Thư

Hoàn lưu bão số 7 gây mưa vừa kéo dài trên địa bàn huyện Vũ Thư. Qua kiểm tra đồng ruộng, chưa có diện tích lúa và hoa màu bị ngập úng, tuy nhiên một số diện tích rau màu bị dập lá. Toàn huyện còn gần 1.000 ha lúa mùa chưa thu hoạch, bao gồm lúa mùa trà muộn và một số diện tích lúa chín chưa kịp thu hoạch; gần 2.000 ha rau màu, cây vụ đông mới gieo trồng.  

Nông dân Vũ Thư khơi thoát nước mặt ruộng đề phòng ngập úng, bảo vệ diện tích rau màu. Ảnh: Quỳnh Lưu

Huyện chỉ đạo các địa phương linh hoạt kiểm tra, sẵn sàng vận hành, mở các cống tiêu nước qua đê khi mực nước trong hệ thống cao hơn mực nước sông. Đến 10 giờ sáng ngày 10/10, một số cống qua đê đã được mở và tiêu nước thuận lợi. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện phối hợp với các HTX DVNN trên địa bàn chủ động kiểm tra, thu vớt bèo bồng, rác thải tại các sông, kênh, giải tỏa ách tắc tại các gầm cầu, đầu cống để tiêu thoát nước, phòng ngừa úng.

Dự báo những ngày tới tiếp tục có mưa vừa, mưa to, cùng với tiêu tự chảy, huyện sẵn sàng vận hành các trạm bơm tiêu úng khi cần thiết để đề phòng ngập úng, bảo vệ an toàn lúa mùa chưa thu hoạch, rau màu, cây vụ đông và diện tích nuôi trồng thủy sản.

* Kiến Xương

Do ảnh hưởng của mưa bão, đến sáng ngày 10/10, trên địa bàn huyện Kiến Xương đã có trên 2.000 ha lúa mùa bị đổ ngã. Đây đều là những diện tích lúa đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch với năng suất lúa bình quân ước đạt 61,34 tạ/ha; có trên 700ha cây vụ đông đã trồng bị dập nát và ngập nước.

Nông dân xã Vũ Ninh buộc dựng lúa bị ngập, đổ. Ảnh: Thu Thủy

Để khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra, huyện Kiến Xương chỉ đạo các HTX SXKD DVNN, lực lượng nông giang, các thôn, tổ dân phố phối hợp chặt chẽ với Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện chủ động tiêu úng triệt để, khơi thông dòng chảy, mở hết cống tiêu qua đê, cống nội đồng, bảo đảm tiêu úng kịp thời, hạn chế tối đa tình trạng lúa và hoa màu bị ngập nước. Chỉ đạo, hướng dẫn nông dân tranh thủ thời tiết tạnh ráo, huy động các phương tiện, nhân lực lao động thủ công khẩn trương thu hoạch lúa mùa và bảo vệ cây màu mới trồng. Những diện tích lúa bị đổ nhưng chưa thu hoạch được phải buộc dựng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Chuẩn bị đầy đủ giống cây màu phục vụ sản xuất vụ đông, tận dụng tối đa những diện tích có thể để gieo trồng cây vụ đông bù đắp lại diện tích cây vụ đông ưa ấm bị hỏng do mưa lớn. Ngoài ra, huyện Kiến Xương cũng chỉ đạo dừng tất cả các hoạt động, cuộc họp chưa cần thiết để tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả của mưa bão. Yêu cầu Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện phối hợp với các xã, thị trấn phân công lực lượng thường trực theo dõi chặt chẽ lượng mưa, mực nước để tận dụng tối đa mở các cống tiêu nước. Kiểm tra, phối hợp với các địa phương làm tốt công tác khơi thông dòng chảy, giải tỏa vật cản trên các tuyến sông thuộc địa bàn quản lý, đồng thời sẵn sàng vận hành các trạm bơm tiêu khi cần thiết.

* Thành phố 

Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, trong 2 ngày 8 - 9/10, nông dân thành phố Thái Bình đã tập trung ra đồng thu hoạch 450ha lúa mùa đã chín. Do ảnh hưởng của bão số 7, khoảng hơn 20ha cây màu vụ đông đã gieo trồng bị ngập úng.

Công nhân Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị la tỉa cành cây. Ảnh: Minh Nguyệt 

Theo dự báo, trên địa bàn thành phố Thái Bình tiếp tục có mưa trong nhiều ngày tới. Để chủ động phòng, chống, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Thái Bình tiếp tục yêu cầu các địa phương chủ động phòng, chống ngập úng cho các khu dân cư, đô thị, công nghiệp và các vùng sản xuất. Các đồng chí lãnh đạo trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống bão tại các đơn vị, doanh nghiệp, các vị trí xung yếu. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi thành phố tổ chức khơi thông dòng chảy, tạo rãnh tiêu nước trong đồng, vớt bèo bồng, giải phóng đăng đó, vó bè trên các trục sông, các đầu cống tiêu. Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị tổ chức chằng chống, la tỉa cành cây; triển khai thực hiện phương án bảo đảm an toàn hệ thống điện chiếu sáng; phối hợp với UBND các phường tổ chức khơi thông hệ thống thoát nước đô thị.

* Đông Hưng

Mưa lớn những ngày qua do ảnh hưởng của cơn bão số 7 đã khiến 400ha lúa chưa kịp gặt và 200ha rau màu mới trồng của bà con nông dân trên địa bàn huyện Đông Hưng bị đổ, ngập úng.

Nông dân huyện Đông Hưng khơi dòng chảy để chống úng cho lúa và rau màu. Ảnh: Thu Hiền

Để chống úng cho lúa và rau màu, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện đã mở 5 cống tiêu nước nhằm rút cạn nước trong hệ thống mương máng nội đồng. Các địa phương tổ chức khơi thông dòng chảy. Bà con nông dân cũng bám đồng khơi dòng tiêu nước, một số vùng trũng bà con dùng máy bơm nước nhỏ đẩy nước ra mương máng. Với các ruộng lúa bị đổ, ngành Nông nghiệp, các địa phương vận động bà con nông dân huy động nhân lực gặt những diện tích lúa đã chín, buộc lại những diện tích lúa chưa chín. Các đồng chí lãnh đạo huyện tăng cường về cơ sở kiểm tra, chỉ đạo công tác chống úng cho lúa và rau màu.

Nhóm phóng viên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày