Thứ 6, 22/11/2024, 15:57[GMT+7]

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

Thứ 2, 25/10/2021 | 11:07:28
1,323 lượt xem
Ngày 18/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP, ngày 1/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Ảnh minh hoạ.

Theo Nghị định này, hình thức bồi dưỡng bao gồm: Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã; bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm. 

Nội dung bồi dưỡng gồm: Lý luận chính trị; Kiến thức quốc phòng và an ninh; Kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; Kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm. 

Cũng theo Nghị định này, chương trình, tài liệu bồi dưỡng lý luận chính trị, gồm: Chương trình, tài liệu bồi dưỡng lý luận chính trị theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý; Chương trình, tài liệu bồi dưỡng lý luận chính trị theo tiêu chuẩn ngạch, tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức. Chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh gồm: Chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý; Chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo tiêu chuẩn ngạch, tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức. 

Chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức gồm: Chương trình, tài liệu bồi dưỡng đối với công chức ngạch chuyên viên và tương đương, thời gian thực hiện tối đa là 4 tuần; Chương trình, tài liệu bồi dưỡng đối với công chức ngạch chuyên viên chính và tương đương, thời gian thực hiện tối đa là 6 tuần; Chương trình, tài liệu bồi dưỡng đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương, thời gian thực hiện tối đa là 8 tuần. 

Chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành. Mỗi chuyên ngành có 1 chương trình, thời gian thực hiện tối đa là 6 tuần. Chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý, thời gian thực hiện tối đa là 2 tuần gồm: Chương trình, tài liệu bồi dưỡng đối với lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; Chương trình, tài liệu bồi dưỡng đối với lãnh đạo, quản lý cấp huyện và tương đương; Chương trình, tài liệu bồi dưỡng đối với lãnh đạo, quản lý cấp sở và tương đương; Chương trình, tài liệu bồi dưỡng đối với lãnh đạo, quản lý cấp vụ và tương đương. 

Chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn nghiệp vụ (nghiệp vụ chuyên ngành; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; chức danh nghề nghiệp chuyên ngành; chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung), thời gian thực hiện mỗi chương trình tối đa là 1 tuần. 

Chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã, thời gian thực hiện mỗi chương trình tối đa là 1 tuần. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức do viên chức, nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng theo các chương trình, đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các nguồn khác bảo đảm theo quy định của pháp luật.

 Nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, UBND cấp tỉnh chủ động bố trí từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và nguồn kinh phí khác để hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật về bình đẳng giới và công tác dân tộc. 

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/12/2021.

TÔ HOÀNG 

(Sở Tư pháp)