Thứ 2, 06/05/2024, 14:43[GMT+7]

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Thứ 5, 11/11/2021 | 17:22:36
2,766 lượt xem
Sáng 11/11, thực hiện chương trình kỳ họp thứ hai, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ liên quan đến nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo: Việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch Covid-19. Công tác dạy và học trực tuyến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền. Việc giảm tải chương trình học cho học sinh. Việc thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học. Phương án tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân tham gia chất vấn.

Phát biểu trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong gần 2 năm qua đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn các lĩnh vực của đời sống. Trong đó, giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề, kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Với thực trạng: gần 20 triệu học sinh, sinh viên không được tới trường trong một thời gian rất dài, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn đã ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực; việc học tập trực tuyến, học qua truyền hình trong điều kiện hạ tầng còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn đã gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực: học sinh căng thẳng, mệt mỏi, thầy cô cực nhọc và áp lực, phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng,…

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ “ngừng tới lớp, không ngừng học tập”, Bộ trưởng nhấn mạnh, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo đã chủ động chuyển trạng thái sang dạy và học ứng phó với dịch bệnh, cố gắng hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng trong giáo dục.

Theo Bộ trưởng, dịch bệnh đang dần được kiểm soát, cuộc sống bình thường mới đang dần được xác lập, kinh tế và các hoạt động xã hội sẽ dần được phục hồi nhưng ngành Giáo dục lại bắt đầu một chặng đường mới với khó khăn, thách thức vẫn còn nguyên thậm chí còn lớn hơn nữa đang chờ phía trước. Hậu quả do dịch bệnh gây ra để lại lâu dài và để khắc phục được không phải một sớm một chiều. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, trong chuyển trạng thái và ứng phó với dịch bệnh vừa qua, ngành Giáo dục được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo, được toàn thể xã hội, các cấp các ngành, đoàn thể chăm lo, chung tay hỗ trợ, các vấn đề chất vấn hôm nay sẽ giúp ngành Giáo dục và Đào tạo thấy rõ hơn những việc cần làm để ngành làm tốt hơn nhiệm vụ vinh quang được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Mở đầu phiên chất vấn đã có 47 đại biểu đăng ký chất vấn, các đại biểu Nguyễn Văn Thân, Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia chất vấn và tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về một số nội dung như: Tình trạng có nhiều trường đào tạo đa ngành đã và đang có xu hướng mở mã ngành đào tạo khối sức khỏe, điểm tuyển sinh đầu vào của các trường này chênh lệch so với các trường đào tạo chuyên ngành rất lớn, có những mã ngành thậm chí chênh lệch trên 10 điểm. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định thì quy định về điều kiện để mở mã ngành đào tạo khối sức khỏe là rất chặt chẽ, tuy nhiên vẫn có những trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở mã ngành đào tạo lĩnh vực này khi chưa có ý kiến thẩm định cuối cùng của Bộ Y tế; Thời hạn để Bộ ban hành Thông tư quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, khi thông tư này đã chậm ban hành cho đến nay là 6 năm; về dạy thêm, học thêm và tiêu chuẩn đạo đức của người giáo viên;…

Buổi chiều, Quốc hội dành phần lớn thời gian chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư: Giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Công tác chuẩn bị đầu tư, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia. Tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển.

Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)


Cử tri Vũ Văn Lợi, phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình
Qua theo dõi phiên chất vấn ngày 10/11, tôi thấy không khí chất vấn rất sôi nổi, lĩnh vực y tế có trên 30 đại biểu quan tâm đặt câu hỏi. Dù lần đầu tiên đăng đàn và cũng là người đăng đàn đầu tiên của phiên chất vấn nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nắm rất chắc các vấn đề của ngành, thể hiện sự chủ động trong chỉ đạo của Bộ Y tế ở các cấp độ dịch khác nhau, bảo đảm tính hiệu quả. Nội dung các đại biểu chất vấn chủ yếu liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, đây là vấn đề được rất đông cử tri quan tâm. Bộ trưởng không báo cáo thành tích mà trả lời trực diện vào câu hỏi của các đại biểu. Đặc biệt, với những vấn đề nóng như đấu thầu, giá test, thời gian test Covid-19..., Bộ trưởng đã trả lời cụ thể, đáp ứng được mong mỏi của cử tri và nhân dân. Tôi đồng tình với trả lời của Bộ trưởng về việc nguy cơ có thể tăng bệnh nhân Covid-19, tăng số ca nặng; tuy nhiên, Bộ Y tế cần phối hợp với các địa phương thống nhất các phương án phòng, chống dịch để tạo điều kiện thuận tiện cho người dân đi lại cũng như phát triển kinh tế thời gian tới.

Cử tri Lê Đức Bửu, xã Minh Phú, huyện Đông Hưng
Việc Quốc hội lựa chọn 4 nhóm vấn đề để chất vấn tại kỳ họp thứ hai, gồm: y tế, giáo dục, lao động - thương binh và xã hội, kế hoạch và đầu tư đều là những vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm nhiều nhất. Trong phần chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực lao động, việc làm và các vấn đề xã hội chiều ngày 10, sáng ngày 11/11, tôi thấy các đại biểu nêu câu hỏi có trọng tâm, trọng điểm, ngắn gọn, đi thẳng vào những vấn đề nóng. Một số đại biểu đã truy đến cùng, bóc tách nhiều khía cạnh, vì vậy vấn đề được lật đi, lật lại bởi những thắc mắc của cử tri gửi gắm qua đại biểu rất cần có câu trả lời rõ ràng, rành mạch từ phía Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Bộ trưởng đã trả lời đầy đủ, thỏa đáng các vấn đề, đề xuất giải pháp cho thời gian tới, trong đó tập trung làm rõ các giải pháp chăm lo cho trẻ mồ côi sau đại dịch, sự nhầm lẫn trong cấp tiền hỗ trợ người dân ở một số địa bàn, thẳng thắn nhận trách nhiệm của ngành, lực lượng ở cơ sở liên quan đến một số hạn chế trong thực hiện giải pháp hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tôi mong các giải pháp đề ra sẽ được Bộ trưởng chỉ đạo thực hiện hiệu quả.
Cử tri Đỗ Thị Đà, xã An Ninh, huyện Tiền Hải
Tôi rất quan tâm đến nội dung Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Nhiều vấn đề nóng của ngành được đại biểu đặt ra và tranh luận với Bộ trưởng như việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch Covid-19, nhất là dạy học trực tuyến; thực trạng dạy thêm, học thêm; chất lượng sách giáo khoa; tình trạng học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến... Tôi cơ bản đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng, nhất là giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế của ngành. Bộ trưởng khẳng định việc dạy thêm, học thêm cần ngăn chặn, tuy nhiên trên thực tế câu chuyện này chưa có hồi kết. Tôi đồng tình với các giải pháp đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề xuất liên quan đến việc dạy thêm, học thêm là: cần giảm tải chương trình, bắt đầu từ giảm tải sách giáo khoa; thay đổi phương pháp dạy từ dồn kiến thức sang dạy tư duy; đổi mới, cải tiến phương thức thi cử.

Thu Hiền



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày