Thứ 3, 23/07/2024, 01:19[GMT+7]

Hiệu quả thực hiện Luật Thống kê

Thứ 2, 29/11/2021 | 10:21:50
1,571 lượt xem
5 năm qua, Luật Thống kê đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thống kê, đồng thời khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác thống kê trong việc cung cấp thông tin phục vụ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các cấp trong tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có gần 7.800 doanh nghiệp và hơn 900 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký hơn 98.000 tỷ đồng. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Cổ phần Damsan (khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh). Ảnh: Thành Tâm

Ông Tăng Bá Phúc, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết: Ngay khi Luật Thống kê được Quốc hội thông qua và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật được ban hành, Cục Thống kê tỉnh đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến cho các đơn vị, người làm công tác thống kê trên địa bàn tỉnh; đồng thời, phổ biến lồng ghép trong các hội nghị và các cuộc điều tra thống kê của ngành. Bên cạnh đó, Cục đã tham mưu tỉnh ban hành các văn bản tăng cường thực hiện Luật Thống kê và xây dựng kế hoạch tuyên truyền, triển khai thực hiện theo từng năm, trên cơ sở đó bổ khuyết các giải pháp phù hợp trong từng thời điểm nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Luật Thống kê trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình hoạt động, toàn ngành Thống kê luôn bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê và sử dụng dữ liệu, thông tin thống kê, đó là: Trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời; độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê; thống nhất về nghiệp vụ, không trùng lặp, không chồng chéo; công khai, minh bạch; có tính so sánh; trích dẫn nguồn dữ liệu, thông tin thống kê khi sử dụng và bảo mật dữ liệu, thông tin thống kê theo quy định của pháp luật. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều tra thống kê và hoạt động chuyên môn, đặc biệt là các phần mềm phục vụ cho hoạt động chuyên môn như: phần mềm theo dõi công tác thi đua, khen thưởng, phần mềm Eoffice chuyên quản lý văn bản và điều hành công việc... được ngành Thống kê tích cực triển khai thực hiện, qua đó góp phần quản lý và nâng cao chất lượng số liệu đầu vào; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, nhân viên và các đơn vị giải quyết công việc kịp thời, hiệu quả. Ngoài ra, ngành Thống kê luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thống kê, bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Thống kê.

Triển khai có hiệu quả Luật Thống kê, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân ngày càng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong hoạt động thống kê, trên cơ sở đó tích cực cung cấp thông tin trong việc triển khai thực hiện các hoạt động thống kê cũng như chấp hành công tác điều tra, báo cáo thống kê trên địa bàn. 5 năm qua, ngành Thống kê đã triển khai các cuộc tổng điều tra lớn, hoàn thành đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao như: tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016, tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tổng điều tra kinh tế năm 2017 và năm 2021; đồng thời, lập các báo cáo thống kê định kỳ và tổ chức các cuộc điều tra định kỳ như: điều tra mẫu tháng (doanh nghiệp và cá thể) của các ngành kinh tế, điều tra chăn nuôi, điều tra năng suất và sản lượng lúa... Thông qua các cuộc điều tra và báo cáo thống kê của ngành đã cung cấp kịp thời các thông tin phục vụ các cơ quan nhà nước, các cấp, ngành trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của tổ chức, cá nhân.

Vừa qua, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê sửa đổi, bổ sung một số nội dung như: thể hiện lại quy định tại điểm b, khoản 1 thành “Định kỳ 5 năm rà soát quy mô tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước”; việc tổng điều tra kinh tế sẽ được thực hiện theo kỳ 5 năm một lần, sau khi có kết quả tổng điều tra kinh tế sẽ là thời điểm thích hợp để Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát quy mô GDP, trên cơ sở đó cơ quan chức năng sẽ báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định việc đánh giá lại hay không đánh giá lại quy mô GDP. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung phụ lục - danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia từ 20 thành 21 nhóm và từ 222 chỉ tiêu thành 230 chỉ tiêu; bổ sung 10 chỉ tiêu, trong đó bổ sung một số chỉ tiêu phản ảnh về chất lượng; bỏ 4 chỉ tiêu và tách 2 chỉ tiêu thành các chỉ tiêu độc lập. Đối với chương trình điều tra thống kê quốc gia, chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê quy định tại phụ lục - danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13 được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31/12/2022.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê bảo đảm cung cấp thông tin một cách đầy đủ và kịp thời hơn, tạo cơ sở pháp lý để các cấp, các ngành thu thập các chỉ tiêu thống kê từ đó đưa ra giải pháp quản lý, điều hành đạt hiệu quả. Chính vì thế, thời gian tới, khi có các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, ngành Thống kê sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa, vai trò, vị trí quan trọng của công tác thống kê đối với nhiệm vụ quản lý phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.

Minh Hương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày