Thứ 6, 22/11/2024, 17:04[GMT+7]

Hương thảo - cây trồng mới, hướng đi mới

Thứ 3, 30/11/2021 | 09:38:40
3,812 lượt xem
Bên cạnh công dụng trang trí cho các văn phòng, nhà ở, cây hương thảo còn được sử dụng như dược liệu giúp giảm căng thẳng, tăng cường trí nhớ, gia vị nấu ăn... nhờ vào tinh dầu và hương thơm đặc trưng trên lá. Cây trồng còn mới mẻ, xa lạ với nhiều nông dân đã được anh Nguyễn Văn Thắng, xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ) lựa chọn để phát triển kinh tế.

Mô hình trồng hương thảo của anh Nguyễn Văn Thắng tạo việc làm cho 7 - 15 lao động.

Dẫn chúng tôi thăm cánh đồng trồng hương thảo có diện tích 2ha tại thôn Lương Cụ Nam, xã Quỳnh Hồng, anh Thắng cho biết: Trước đây tôi làm việc cho công ty dược, chuyên cung cấp vật tư y tế. Qua một người bạn giới thiệu về cây hương thảo cũng như tiềm năng từ cây trồng mới này, nhận thấy đồng đất quê mình có những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thành vùng sản xuất, tôi quyết định từ bỏ công việc đang làm, về quê thuê đất trồng hương thảo. Đầu năm 2021, tôi thuê 2ha ruộng bỏ hoang của các hộ dân trong thôn, nhập giống từ Thành phố Hồ Chí Minh về để trồng. Vì vừa làm vừa học hỏi nên tôi trồng với diện tích nhỏ. Do chưa có kinh nghiệm nên tỷ lệ cây thui chột nhiều. Sau gần 4 tháng chăm sóc, hương thảo cho thu hoạch lứa đầu tiên bằng cách bấm tỉa cành. Sau thu hoạch chỉ cần dọn cỏ, bón thêm phân là những mầm non lại mọc và phát triển để cho thu lứa tiếp theo. Khi cây phát triển ổn định, cứ 20 ngày cho thu một lần và cho thu quanh năm, sau 5 - 7 năm mới phải trồng lại.

Hương thảo là cây ưa sáng, chịu úng kém, do vậy anh Thắng lên luống, trồng với mật độ 800 cây/sào, sử dụng nilon phủ mặt luống nhằm hạn chế cỏ dại. Cành hương thảo sau khi thu hoạch được đem chưng cất lấy tinh dầu. Trung bình 1 tấn hương thảo tươi chưng cất được 5 - 6 lít tinh dầu nguyên chất. Tinh dầu hương thảo có giá trị kinh tế cao trên thị trường thế giới, được dùng trong lĩnh vực y học, hương liệu, thực phẩm và mỹ phẩm. Hiện anh Thắng đã ký hợp đồng với một số công ty sản xuất dược liệu và mỹ phẩm, tinh dầu được bán với giá 6,5 triệu đồng/lít.

Anh Thắng chia sẻ: Sau một thời gian trồng và thu hoạch, tôi thấy hương thảo phù hợp với đồng đất địa phương, cây phát triển tốt, cho năng suất từ 80 - 100kg/sào, khi cây đạt độ lớn nhất định năng suất thu được sẽ cao hơn; tỷ lệ tinh dầu chiết xuất cao. Sâu bệnh trên hương thảo chủ yếu là nấm, rệp, do vậy trước khi trồng phải cày phơi đất, đồng thời phun chế phẩm xử lý nấm cho đất. Hiện tại tôi đã thuê thêm 8ha, dự kiến đến giữa năm 2022 sẽ trồng phủ kín 10ha. Để chủ động trong sản xuất cũng như giảm chi phí, tôi học hỏi kỹ thuật chiết cành, xây dựng trên 1.000m2 nhà màn để ươm giống, dự kiến mỗi tháng cung cấp khoảng 10.000 cây giống.

Tuy mô hình mới ở giai đoạn đầu nhưng theo tính toán của anh Thắng, cây hương thảo sẽ cho thu nhập cao hơn nhiều lần cấy lúa, giảm tình trạng bỏ ruộng không canh tác do không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, không bị chuột cắn phá và ít sâu bệnh. Hiện tại, anh Thắng đang làm thủ tục thành lập HTX, dự định liên kết với nông dân xây dựng vùng trồng hương thảo quy mô 100ha; trong đó, anh đứng ra cung cấp giống, tập huấn kỹ thuật và thu mua sản phẩm để chiết xuất tinh dầu, làm hương trầm, làm trà.

Ông Phạm Văn Hải, xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ) cho biết: Tôi cùng gần 10 lao động làm thuê cho anh Thắng từ khi mô hình mới triển khai, thu nhập ổn định 140.000 đồng/ngày. Tôi rất mong thời gian tới anh Thắng sẽ mở rộng liên kết với nông dân, gia đình tôi sẽ chuyển đổi một phần diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng hương thảo để nâng cao thu nhập.

Sau khoảng 4 tháng trồng, hương thảo sẽ cho thu hoạch.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày