Thứ 6, 22/11/2024, 16:30[GMT+7]

Bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp

Thứ 5, 02/12/2021 | 08:24:24
1,144 lượt xem
Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp khi 7/8 huyện, thành phố tái phát dịch. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn và bảo đảm nguồn cung thịt lợn dịp cuối năm.

Gia đình bà Lê Thị Nhạn, xã Minh Tân (Kiến Xương) có 11/23 con lợn chết do bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Thời điểm này, gia đình bà Lê Thị Nhạn, xã Minh Tân (Kiến Xương) đang siết chặt các biện pháp phòng bệnh DTLCP, ngăn mầm bệnh không lây lan trên toàn đàn. Bà Nhạn cho biết: Mặc dù tôi đã tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn lợn theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn nhưng vừa qua 9 con lợn của gia đình bị chết do bệnh DTLCP. Mới đây, ngày 30/11 thêm 2 con lợn bỏ ăn, chết, đã được cán bộ thú y xã đưa đi tiêu hủy. Trong chuồng hiện còn 12 con lợn với trọng lượng gần 100kg/con nên gia đình khẩn trương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, trừ dịch bệnh. Ngoài tăng cường vệ sinh, khử trùng chuồng trại, tôi tập trung chăm sóc, tăng sức đề kháng cho vật nuôi qua thức ăn, bổ sung các loại thuốc bổ như Bcomlex, vitamin... đồng thời che chắn chuồng trại, không cho người lạ vào khu vực chuồng nuôi, không sử dụng thịt lợn và các sản phẩm làm từ thịt lợn mua bên ngoài để hạn chế nguồn lây.

Tái phát bệnh DTLCP từ ngày 4/11, đến ngày 30/11 trên địa bàn xã Vũ Bình (Kiến Xương) đã có 39 hộ nuôi xuất hiện bệnh với trên 100 con lợn phải tiêu hủy. Bà Phan Thị Tươi, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã Vũ Bình cho biết: Trước khi bệnh DTLCP tái phát, tổng đàn lợn toàn xã trên 1.400 con với 183 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Với mục tiêu không để dịch bệnh tiếp tục lây lan, gây thiệt hại cho người chăn nuôi, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không chủ quan và ký cam kết đến từng hộ dân tuân thủ nguyên tắc “5 không” trong phòng, chống dịch (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt làm nguồn thức ăn cho chăn nuôi). Đồng thời, tiến hành tiêu hủy lợn chết, sử dụng 4.555kg vôi bột, 254 lít hóa chất khử trùng, tiêu độc trên diện rộng. Tuy nhiên, do chăn nuôi nhỏ lẻ theo kiểu tận dụng đã gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm soát, khoanh vùng dịch.

Tại huyện Thái Thụy, từ ngày 5/11 đến ngày 29/11, bệnh DTLCP đã lây lan ra 8 xã, thị trấn, số lợn chết buộc phải tiêu hủy là 268 con, tổng trọng lượng 10.312kg. Nguyên nhân tái phát dịch là do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tái đàn khi chưa bảo đảm điều kiện phòng bệnh, không áp dụng triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Một số hộ tái đàn bằng những con giống mua từ các chợ, điểm buôn bán hoặc thương lái không rõ nguồn gốc.

Bệnh DTLCP tái phát trên địa bàn tỉnh từ ngày 12/10 với ổ dịch đầu tiên tại xã Minh Khai (Hưng Hà). Ngay sau khi dịch bệnh tái phát, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; cấp hóa chất hỗ trợ các địa phương thực hiện tháng vệ sinh khử trùng tiêu độc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; ngành Nông nghiệp và các địa phương tích cực triển khai các giải pháp xử lý, dập dịch. Tuy nhiên, đến hết ngày 29/11, dịch bệnh đã xảy ra tại 128 hộ chăn nuôi ở 23 xã thuộc 7 huyện, thành phố, trong đó có 14 xã công bố dịch; tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là 665 con (186 lợn nái, đực giống và 479 con lợn thịt), trọng lượng 31.308kg. Đáng lo ngại là dịch bệnh chưa có dấu hiệu chững lại mà vẫn đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng lây lan ra diện rộng, đặc biệt ở hai huyện Kiến Xương, Thái Thụy. Theo ngành Nông nghiệp, có nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh DTLCP lây lan nhanh: do thời tiết chuyển mùa, mưa lạnh tạo điều kiện cho mầm bệnh tồn tại ngoài môi trường phát tán, lây lan dịch bệnh; thông qua việc buôn bán, vận chuyển lợn làm lây lan từ địa phương này sang địa phương khác; chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa bảo đảm an toàn sinh học còn chiếm tỷ lệ cao...

Người dân xã Thái Phúc (Thái Thụy) khử trùng chuồng nuôi.

Để bảo vệ an toàn tổng đàn, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân cần thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, cụ thể: mô hình chuồng kín, tách biệt; mua con giống ở những cơ sở uy tín, chất lượng; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định cho đàn vật nuôi; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, dụng cụ cho ăn sạch sẽ... Ngoài ra, người dân cần chú ý cung cấp thức ăn, nước uống sạch sẽ, dễ tiêu, phù hợp với lứa tuổi của đàn lợn cũng như bổ sung các loại thuốc bổ như Bcomlex, vitamin... để tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Để giảm tối đa thiệt hại, người dân cần nâng cao ý thức, tuyệt đối không chủ quan, không giấu dịch. Nếu thấy lợn có triệu chứng bất thường cần báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.

Bệnh DTLCP diễn biến rất khó lường vì nguồn lây đa dạng, hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc chữa. Do đó, việc phòng, chống dịch bệnh cần sự quan tâm chỉ đạo và vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mọi người, nhất là người chăn nuôi, kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, tiêu thụ lợn nhằm tránh lây lan dịch bệnh.


Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày