Thứ 7, 21/12/2024, 20:04[GMT+7]

Tiền Hải: Chủ động phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 5, 09/12/2021 | 10:37:33
1,441 lượt xem
Hiện nay, các huyện giáp ranh với huyện Tiền Hải đã xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Để bảo vệ đàn lợn, huyện Tiền Hải đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh vào địa bàn, giúp người dân duy trì ổn định chăn nuôi.

Hộ chăn nuôi vệ sinh khử trùng chuồng trại để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

 Xã Vũ Lăng giáp ranh với huyện Kiến Xương, với phương châm phòng là chính xã đã và đang tổ chức thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi. 

Bà Phạm Thị Huyền, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã cho biết: Vũ Lăng đã triển khai văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện về công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong đó tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân không mua bán lợn không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm dịch để ngăn chặn, hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh vào địa phương. Chỉ đạo nhân dân thường xuyên giám sát vùng chăn nuôi, hạn chế tối đa việc ra, vào thăm cơ sở chăn nuôi, nhất là các cơ sở sản xuất giống... Tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở cách phòng, chống dịch bệnh gia súc để người dân biết, chủ động hợp tác và thực hiện, nhằm nâng cao nhận thức trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổ chức triển khai tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, chợ, điểm buôn bán, giết mổ gia súc bằng hóa chất.

Cũng như xã Vũ Lăng, tại các địa phương của huyện Tiền Hải, các cấp chính quyền, ngành chuyên môn tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đến người dân. 

Ông Trương Văn Tương, xã Nam Trung cho biết: Sau khi được chính quyền thông báo về bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại một số huyện trên địa bàn tỉnh, tôi đã chủ động phòng, chống dịch bệnh bằng cách thường xuyên vệ sinh chuồng trại, rắc vôi, phun thuốc sát trùng và không cho người ngoài vào khu vực chuồng nuôi 20 con lợn của gia đình. Đây cũng được xem là phương pháp tối ưu để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện nay. Ngoài ra, tất cả các khâu về con giống, thức ăn, nước uống, tiêm phòng bệnh đều được kiểm soát chặt chẽ.

Bà Lê Thị Phương Lan, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tiền Hải cho biết: Đến nay, đàn lợn của huyện Tiền Hải đạt 51.600 con. Để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, huyện đã chủ động các biện pháp nhằm không để dịch xâm nhập vào địa bàn. Trong đó, đã tập trung thông tin kịp thời, chính xác tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi; phát động toàn dân vệ sinh đường làng, ngõ thôn, khơi thông cống rãnh, phát quang cây cỏ xung quanh nhà, chuồng nuôi, quét dọn, thu gom phân thải về hầm biogas nhằm bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học; hướng dẫn các trang trại chăn nuôi lớn có ranh giới cách ly giữa khu vực chăn nuôi với bên ngoài, lối ra, vào khu vực chăn nuôi phải có hố sát trùng. Đặc biệt, trong trường hợp xảy ra dịch bệnh, chủ cơ sở chăn nuôi phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, tiến hành xử lý lợn theo chỉ đạo của ngành chuyên môn. 

Các điểm chợ trên địa bàn huyện Tiền Hải đều thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng.

Thực hiện “5 không” là không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt xác lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt để chăn nuôi lợn. Yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường giám sát việc vận chuyển, kinh doanh, buôn bán, giết mổ lợn của người dân địa phương. Đối với các phương tiện chở lợn không đầy đủ giấy tờ theo quy định kiên quyết xử phạt hành chính, nghiêm cấm vận chuyển lợn vào địa bàn. Hệ thống truyền thanh cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền về phương pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn để các hộ dân trong huyện nắm rõ, từ đó có biện pháp tích cực bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình. Huyện cũng đã triển khai đợt tiêu độc, khử trùng, kết hợp giám sát, kiểm soát chặt chẽ các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, trung chuyển, giết mổ lợn. Trong đó, đã cấp phát 2.582kg hóa chất; chính quyền các xã, thị trấn và nhân dân mua 54.885kg vôi bột để triển khai tiêu độc, khử trùng khu dân cư, vùng chăn nuôi.

Bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền và các ngành liên quan, người dân cần nâng cao ý thức, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch để tránh bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan vào địa bàn, ảnh hưởng đến chăn nuôi, gây thiệt hại về kinh tế.


Hồng Hạnh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày